Để đừng là 'nghịch lưu'

Khi chuyện ca từ dung tục trong các sáng tác của những nhạc sỹ trẻ chưa kịp lắng xuống thì một sản phẩm âm nhạc mới gây tranh cãi đã được tung ra thị trường. Đó là một ca khúc kết hợp giữa Rapper Đen, ca sỹ Thái Vũ và Thành Đồng có tên 'Anh đếch cần gì nhiều ngoài em'. Và với sự tranh cãi của cộng đồng, ca khúc ấy đã leo lên 'top 1 thịnh hành' của Youtube với hơn 4 triệu lượt xem chỉ sau 48 tiếng đồng hồ.

Thực tế, sản phẩm mới này chỉ có đúng một chữ khiến người nghe cảm thấy "gờn gợn" mà thôi. Còn nhìn chung, tổng thể ca từ của ca khúc rất ổn, nếu không nói là khá hay và lạ. Với nhiều người nghe nghiêm khắc, chữ "còn gờn gợn" kia là không thể chấp nhận được, nhất là khi nó hoàn toàn có thể được thay bằng những chữ khác mà vẫn không thay đổi ý nghĩa của câu hát. Còn với những người nghe đã quen với dòng âm nhạc underground (tạm gọi là "dòng chảy ngầm"), ca khúc này còn "nhẹ nhàng" chán.

Ở đây, chúng ta sẽ không bàn đúng - sai, được hay không được, nên hay không nên trong việc sử dụng ca từ này, bởi nó còn tùy quan niệm riêng của người nghe. Thay vào đó, điều chúng ta cần suy nghĩ hơn chính là việc chấp nhận sự tồn tại của dòng chảy ngầm trong âm nhạc này, cũng như những thứ không chính thống khác ở các lĩnh vực nghệ thuật khác, và tìm giải pháp làm sao để dòng chảy ngầm ấy không trở thành một "nghịch lưu".

Trước nay, phân biệt giữa âm nhạc chủ lưu (mainstream) và dòng ngầm (underground) nằm ở chỗ - những nghệ sỹ chủ lưu phát hành theo hợp đồng ký kết với một hãng đĩa chính thống, còn những nghệ sỹ underground thì phát hành qua các kênh không chính thống. Nhưng hôm nay, sự phân biệt ấy không còn nữa khi ranh giới giữa chủ lưu và dòng ngầm đã bị xóa nhòa bởi sự thay đổi trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Hiện nay, ngay cả các nghệ sỹ được coi là "chủ lưu" xưa nay cũng đã không còn cộng tác với các hãng đĩa truyền thống nữa. Thay vào đó, họ có thể trực tiếp phát hành trên các nền tảng như Apple Music, Spotify, Pandora, Youtube… Cách làm đó cũng tương đồng hoàn toàn với những nghệ sỹ dòng ngầm và nó chỉ chịu đúng một hàng rào kiểm duyệt đến từ chính nền tảng phát hành mà thôi.

Trước sự biến dịch đó của ngành, làm cách nào để các cơ quan quản lý văn hóa có thể tham gia để bám sát và tránh tình trạng quá nhiều sản phẩm rác được tung ra thị trường? Thực sự đó là câu hỏi khó bởi đơn cử như Youtube chẳng hạn, đó là nơi mà người dùng cá nhân nắm quyền phát hành. Nhưng đối với các nền tảng chuyên về âm nhạc như Apple Music và Spotify thì khác. Dù là cá nhân nghệ sỹ cũng có quyền phát hành cá nhân nhưng đa số hiện nay vẫn thông qua các công ty "đại lý" của Apple Music và Spotify trong nước.

Ví dụ điển hình, các công ty là đối tác phát hành trên các nền tảng kể trên ở Việt Nam là Nhaccuatui, Zing, Yin Yang. Các đơn vị này vẫn là đầu mối phát hành quốc tế cho các nghệ sỹ trong nước và bởi vậy, cơ quan quản lý văn hóa rất cần tiếp cận họ, để tạo ra một bộ lọc nội dung cần thiết trước khi sản phẩm được tung ra thị trường một cách ồ ạt.

Ngoài ra, việc Apple đã đặt trụ sở ở Việt Nam cũng là dấu hiệu cho thấy các đơn vị khác rồi cũng sẽ phải tham gia chính thức vào thị trường tiềm năng với 90 triệu dân. Gần đây, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Youtube, Apple Music và Spotify và có thể tiến hành truy thu tác quyền tác giả trong tương lai gần. Vậy thì các cơ quan quản lý văn hóa cũng cần tiếp cận các đơn vị nền tảng này, để dòng chảy ngầm có thể được giám sát chặt chẽ mà không tạo ra nguy cơ trở thành một dòng nghịch lưu.
Văn Đoàn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/de-dung-la-nghich-luu-521150/