Để dùng bếp từ an toàn và tiết kiệm, bạn nhất thiết phải tránh những điều này

Với khả năng tiết kiệm năng lượng và độ an toàn hơn bếp gas, bếp điện từ gần như đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của chị em. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng thế nào cho thật sự an toàn và đúng cách thì không phải ai cũng biết.

Bếp từ ngày càng được nhiều gia đình Việt sử dụng nhiều vì tiện lợi và an toàn. Tuy nhiên, rất nhiều người mắc phải sai lầm khi sử dụng bếp từ dẫn đến việc bếp từ gây hỏng nồi, hư bếp, nứt bề mặt bếp, tốn nhiều điện hơn khi sử dụng.

Ảnh minh họa.

Dùng nồi, chảo không đúng

Không phải loại nồi chảo nào cũng dùng được cho bếp từ. Thực tế cho thấy, chỉ có một số loại nồi nấu được trên bếp từ. Dùng nồi, chảo không đúng sẽ làm tốn nhiều thời gian nấu nướng, hao phí điện năng hơn, nấu thức ăn không ngon vì dễ gây cháy khét thức ăn trong quá trình nấu nướng. Vì thế khi sử dụng bếp từ bạn nên mua một số loại nồi, chảo chuyên dụng có chữ "Induction" hoặc có kí hiệu là "bếp có hình lò xo".

Càng ít dùng, càng dễ bị hỏng

Một vấn đề khác thường dẫn đến bếp điện từ bị lỗi và hỏng chính là do nồm ẩm. Cũng giống như các thiết bị điện tử khác, khi thời tiết mưa, nồm ẩm hay nhà có độ ẩm cao cần sử dụng thường xuyên bếp từ để tránh hư hỏng.

Bởi hơi ẩm xâm nhập vào máy, nếu không dùng sẽ gây ra chập các bản mạch của thiết bị. Bếp từ khi bị ẩm không có bất kỳ biểu hiện này, điều này khác như tivi sẽ bị nhiễu hay phóng điện. Bếp điện từ đầu tiên có thể báo lỗi (hiện lên chữ E hoặc S tùy loại máy), nhưng sau đó thì hỏng luôn. Có thể đêm nay bạn vẫn dùng bình thường nhưng sáng hôm sau đã hỏng.

Vì thế, hãy nấu bếp hằng ngày, dù không nấu thức ăn gì thì việc đun một nồi nước nóng cũng tốt cho bếp. Tránh tình trạng vài ngày hoặc cả tuần mới nấu một lần. Càng ít dùng, bếp điện từ càng dễ bị hỏng.

Ảnh minh họa.

Dùng một ngón tay khi điều khiển

Điểm cần lưu ý khi sử dụng bếp điện từ chính là sử dụng ngón tay để điều khiển các nút cảm ứng trên mặt bếp. Theo đó, chỉ nên sử dụng một ngón tay để bấm thay vì dùng hai ngón. Cần bấm lần lượt từng chế độ. Nếu dùng hai ngón tay trở lên để bấm, nguy cơ lướt hay chạm phải hai ba nút cảm ứng cùng một lúc sẽ khiến bếp trở nên bị lỗi. Những lỗi này tuy nhìn bề ngoài đơn giản nhưng thực chất chúng có thể khiến bảng mạch điều khiển bị đơ và ngừng hoạt động bếp, hoặc chập điện dẫn đến nhảy áp tô mát.

Trường hợp nhà nào không dùng áp tô mát riêng cho bếp có thể có nguy cơ chập điện cả nhà gây cháy nổ... Dẫn chứng cụ thể đầu tiên là bếp có thể bị ngừng hoạt động. Tốt nhất nếu gặp tình trạng này nên tắt bếp khoảng 5 phút rồi mới hoạt động lại để reset (khởi động, cài lại) máy.

Nấu bếp từ ở nhiệt độ cao liên tục

Bạn không nên sử dụng bếp từ ở mức công suất cao liên tục vì điều này dễ khiến bếp quá tải, gây giảm tuổi thọ của bếp và có thể làm nứt mặt bếp.

Sau khi nấu xong một một món ăn, bạn nên tắt bếp nghỉ ngơi một chút rồi mới tiếp tục nấu món khác.

Ảnh minh họa.

Không chuẩn bị sẵn thực phẩm trước khi nấu

Bếp từ hoạt động với hiệu suất cao, bạn muốn đun nấu nhanh và tiết kiệm. Lời khuyên của chuyên gia đầu bếp là nên chuẩn bị mọi thứ và khi bật bếp lên chỉ có chế biến thức ăn, hạn chế bật, tắt nhiều lần làm giảm nhiệt lượng cũng như tiêu tốn điện năng.

Vị trí đặt bếp có độ ẩm cao hoặc quá nóng

Nếu đặt bếp từ ở nơi ẩm ướt sẽ khiến các linh kiện của bếp dễ hư hại do hơi nước, ẩm mốc hoặc gặp nguy hiểm do chập điện hay rò rỉ nguồn điện.

Nếu đặt bếp từ ở nơi quá nóng hay gần các thiết bị phát nhiệt cao sẽ làm giảm hiệu quả tản nhiệt của bếp từ, khiến bếp hoạt động ì ạch. Nên chọn nơi thoáng mát và khô ráo, sạch sẽ để sử dụng các loại bếp từ nhé.

Ảnh minh họa.

Không nên mua bếp điện từ kết hợp hồng ngoại

Nhiều người vì có sẵn bộ nồi đáy bình thường (không từ) nên khi đổi bếp muốn dùng tiếp nên bếp đôi một hồng ngoại một bếp từ, điều này là không nên. Bởi cơ chế hoạt động của hai loại bếp này hoàn toàn khác nhau. Bếp hồng ngoại phả nhiệt cao, không cần sử dụng quạt thông gió.

Trong khi đó, bếp từ cần có quạt gió để tản nhiệt tránh hỏng. Khi sử dụng bếp hồng ngoại nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến bếp điện từ. Chính vì sự kết hợp này đã khiến bếp điện từ kèm hồng ngoại nhanh hỏng hơn bếp điện từ đơn thuần.

Không vệ sinh mặt bếp thường xuyên

Trong quá trình nấu nướng, bếp từ không được vệ sinh sạch sẽ dễ gây nguy hiểm cho người sử dụng và làm giảm tuổi thọ của bếp. Bề mặt bếp từ rất dễ bị rạn nứt ở nhiệt độ cao nếu không sạch dầu mỡ và ẩm ướt.

Do đó, khi nấu bạn nên tránh để thức ăn trào ra bếp. Để bếp từ sạch sẽ mà vẫn duy trì được độ sáng bóng của bề mặt, bạn chỉ cần làm ẩm vùng cần vệ sinh bằng nước ấm, sau đó lau khô lại bằng khăn mềm.

Tuyệt đối không được dùng các loại giấy nhám, dụng cụ sắt nhọn, bàn chải cứng hay chất liệu nhôm vì sẽ làm hỏng bề mặt bếp. Bạn có thể mua bộ dụng cụ chuyên dùng để vệ sinh mặt bếp có bán tại các siêu thị.

Cách tốt nhất để giữ bếp của mình luôn sạch đẹp và bền như mới là hãy vệ sinh ngay sau mỗi lần sử dụng là được.

Theo Khỏe & Đẹp

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/de-dung-bep-tu-an-toan-va-tiet-kiem-ban-nhat-thiet-phai-tranh-nhung-dieu-nay/20200930020010482