Để du lịch nhà vườn xứ Huế khởi sắc

Từ nhiều năm trước các tour du lịch nhà vườn xứ Huế đã hình thành, song đến nay dịch vụ phục vụ du khách khi đến tham quan còn rất hạn chế.

Để du lịch nhà vườn xứ Huế không bị “chết yểu”, ngành Du lịch và các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế đang thực hiện những giải pháp cấp bách…

Thống kê trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 150 nhà vườn có giá trị lịch sử văn hóa, trong đó ở TP Huế có 50 nhà vườn đạt chuẩn đặc trưng xứ Huế. Tuy nhiên, cũng đã có không ít nhà vườn có nguy cơ “xóa sổ”, do không có kinh phí bảo tồn, tu sửa.

Điển hình như ngôi nhà vườn số 51 Thanh Nghị, phường Thủy Biều, TP Huế, của ông Hồ Xuân Doanh. Theo ông Doanh, ngôi nhà rường cổ ba gian 2 chái tọa lạc trong khu vườn rộng hơn 10 ngàn m² của gia đình ông được xây dựng năm 1890, tức cách đây đã 128 năm về trước nên đến nay nhà bị xuống cấp nghiêm trọng.

Với mong muốn đáp ứng nhu cầu tham quan, phục vụ khách du lịch, vào giữa năm 2017, được sự tài trợ của Quỹ hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng, cùng với số tiền của gia đình, ông Doanh đã trùng tu ngôi nhà với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng.

“Nhà vườn được tu bổ, tôn tạo đúng với phong cách kiến trúc nhà vườn cổ xứ Huế nên du khách đến tham quan rất thích thú. Song, việc khai thác nhà vườn, tổ chức dịch vụ để phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế; việc kết nối tour, tuyến tham quan còn ít, bên cạnh đó là khâu quảng bá chưa được rộng rãi nên lượng du khách đến tham quan chưa đạt như mong đợi...”, ông Doanh bày tỏ.

Ông Hồ Xuân Đài, chủ nhân ngôi nhà vườn gần 150 tuổi ở phường Thủy Biều, TP Huế, cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch chưa mặn mà đến với nhà vườn Huế là do còn thiếu dịch vụ.

“Gia đình tôi mở cửa nhà vườn đón khách hơn 5 năm qua, nhưng tháng nhiều nhất cũng chỉ có vài ba trăm khách quốc tế và trong nước đến tham quan, có tháng lại không có đoàn khách nào. Điều này là do các chủ nhà vườn chưa có sự kết nối mà chỉ làm du lịch nhỏ lẻ, tự phát. Để níu chân du khách, gia đình chúng tôi đã tự mày mò, học hỏi để tổ chức thêm các dịch vụ thưởng thức ẩm thực dân dã xứ Huế hay cho du khách trải nghiệm, thư giãn bằng cách ngâm chân với các loại thảo dược được trồng trong vườn nhà... Thế nhưng, lượng khách đến tham quan vẫn không khả quan”.

Ngoài các nhà vườn Thủy Biều, ở Cố đô Huế còn có một vài điểm nhà vườn mở cửa đón khách tham quan như các nhà vườn An Hiên, Phú Mộng Viên (phường Kim Long); Phủ Ngọc Sơn công chúa (phường Phú Hiệp)... Nhưng du khách cũng cho rằng, họ đến với nhà vườn xứ Huế chủ yếu là tham quan nhà cổ truyền thống, mặc dù có nơi kèm theo dịch vụ thưởng thức ẩm thực, nhưng cũng chưa hề có các dịch vụ đặc sắc.

Thiếu các dịch vụ nên nhiều nhà vườn ở TP Huế chưa thu hút du khách.

Với mục đích bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và phục vụ du lịch, từ năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai đề án chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng, với mức hỗ trợ mỗi nhà từ 400-700 triệu đồng.

Trong 2 năm 2017 và 2018 đã có 21 nhà vườn được phê duyệt kinh phí hỗ trợ trùng tu, bảo tồn. Tuy nhiên, trong số đó mới chỉ có 5 nhà vườn triển khai các dịch vụ du lịch…

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho hay, hiện UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu ngành Du lịch phối hợp với chính quyền địa phương mời gọi các công ty du lịch, đơn vị lữ hành mở rộng loại hình tour, tuyến và tham gia vào các hoạt động du lịch tại nhà vườn Huế.

Đồng thời, yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện giải pháp cụ thể để khách du lịch không chỉ đến tham quan, ăn ở tại nhà vườn mà còn mua sắm sản phẩm của nhà vườn và đặc sản đặc trưng xứ Huế…

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/de-du-lich-nha-vuon-xu-hue-khoi-sac-507717/