'Để du lịch Hà Nội phát triển cần đảm bảo đổi mới và truyền thống song hành'

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của các hoạt động hợp tác quảng bá du lịch Hà Nội nói riêng và châu Á nói chung mà Hội đồng Xúc tiến Du lịch châu Á đã đạt được trong thời gian qua?

Ông Yuji Fujita - Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Du lịch châu Á Yuri Fujita

- Ông Yuji Fujita: Đây là lần thứ 16, CPTA đã tổ chức hội nghị. Đó là nơi kết nối để các nước châu Á hợp tác với nhau, thúc đẩy thu hút du lịch, nhất là khách du lịch châu Âu, Mỹ, Australia… Trong công tác quảng bá, chúng tôi muốn nhấn mạnh yếu tố thể hiện sự năng động của các thành phố châu Á. Cũng nhờ sự hợp tác này mà chiến dịch quảng bá hình ảnh du lịch của các thành phố châu Á đã đạt được nhiều thành công. Tokyo trước đây chỉ đề ra mục tiêu đạt 5 triệu du khách nước ngoài/năm. Nhưng năm 2017, con số đạt được là 13,7 triệu/lượt khách. Hiệu quả này là do hợp tác du lịch CPTA mang lại. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trong bài diễn văn phát biểu tại Hội nghị cũng đưa ra một con số khá ấn tượng của du lịch Hà Nội, năm sau tăng trưởng so với năm trước là 10%. Sự thành công này một phần thông qua các chương trình hợp tác phát triển du lịch.

- Ông có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm phát triển du lịch, cần có yếu tố nào để quảng bá hình ảnh của mình hơn nữa?

- 9 năm trước tôi đã từng tới Hà Nội. Lần trở lại này, vừa đặt chân tới sân bay Nội Bài tôi đã rất ngạc nhiên vì mọi đổi thay ở thành phố này. Đường xá đẹp, sân bay to hơn, đường dây điện xưa giăng đầy trên cao thì nay đã không còn nhìn thấy treo trên trời mà hạ ngầm rồi.

Tôi vẫn cho rằng, Hà Nội là một thành phố năng động và đầy tính lịch sử. Nhạc cụ truyền thống của các bạn rất ấn tượng, cảnh quan thiên nhiên đẹp vì thế nên có thêm nhiều tour kết hợp yếu tố lịch sử văn hóa cảnh quan, tạo thành tour tổng hợp chắc chắn thu hút nhiều sự quan tâm của khách du lịch. Bây giờ du khách đến Tokyo rất quan tâm đến cuộc sống của người dân nơi này. Với Hà Nội cũng thế, một thành phố đang trên đà phát triển, dân số trẻ, năng động, có nhiều yếu tố văn hóa, tôi nghĩ rằng cũng sẽ thu hút khách du lịch. Không chỉ đến một mình và đến lần đầu mà họ còn trở lại đưa cả gia đình mình đến tham quan.

- Theo quan điểm cá nhân của ông, Hà Nội muốn phát triển du lịch hơn nữa cần phải đặt trọng tâm vấn đề gì, có phải là nguồn nhân lực?

- Nhật Bản chúng tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực nhưng thực tế cho thấy, lúc nào cũng thiếu. Trong bối cảnh hiện nay, mọi vấn đề kinh tế, xã hội, giáo dục hay y tế đều liên quan và có ảnh hưởng nhất định đến du lịch. Nếu là quan điểm cá nhân thì tôi cho rằng, Hà Nội muốn phát triển du lịch hơn nữa cần quan tâm đến nhu cầu mới. Bây giờ người ta ít có xu hướng đi du lịch theo tour mà tự đi. Chính vì thế cần có thêm nhiều thông tin kết nối. Bên cạnh đó, đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đặc biệt duy trì truyền thống bên cạnh hiện đại. Đảm bảo truyền thống và đổi mới cùng song hành vững chắc, kết nối các thế hệ. Như thế du lịch Hà Nội mới phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Yên Vân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/de-du-lich-ha-noi-phat-trien-can-dam-bao-doi-moi-va-truyen-thong-song-hanh/780987.antd