Để dự giờ hiệu quả

Sinh hoạt chuyên môn (SHCM) trong nhà trường được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó SHCM theo kiểu dự giờ và rút kinh nghiệm tiết dạy được thực hiện thường xuyên nhằm phát triển năng lực đội ngũ GV.

Học sinh tự tin, sáng tạo trong giờ học là mục tiêu của đổi mới GD.

Học sinh tự tin, sáng tạo trong giờ học là mục tiêu của đổi mới GD.

Dự giờ không nhằm đánh giá, xếp loại giáo viên

Tỉnh Bắc Giang triển khai SHCM theo nghiên cứu bài học (NCBH) thí điểm từ năm học 2006 - 2007. Năm 2010, sở GD&ĐT chỉ đạo nhóm cán bộ giáo dục của tỉnh viết hệ thống lý thuyết về SHCM theo NCBH và chính thức áp dụng đại trà tại các trường tiểu học trong tỉnh. Đến nay, mô hình này được thực hiện hiệu quả và đã trở thành hình thức bồi dưỡng quan trọng nhất cho đội ngũ GV trong việc nâng cao năng lực chuyên môn tại trường.

Về quan điểm chỉ đạo, trước hết cần nhấn mạnh: SHCM theo NCBH là hoạt động GV cùng nhau học tập từ thực tế việc học của HS. Ở đó, GV cùng thiết kế kế hoạch bài học, dự giờ quan sát, suy ngẫm và chia sẻ (tập trung chủ yếu vào việc học của HS). Đồng thời đưa ra nhận xét về sự tác động của cách tổ chức hoạt động học, các câu hỏi, nhiệm vụ học tập mà GV đưa ra... có ảnh hưởng đến việc học của HS. Trên cơ sở đó, GV học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học vào bài học hàng ngày một cách hiệu quả.

SHCM theo NCBH nhằm mục đích phát triển năng lực chuyên môn cho mỗi GV trên cơ sở mối quan hệ bình đẳng và hợp tác giữa các thành viên. Vì vậy, các bài dạy minh họa không đánh giá hay xếp loại GV, mà coi đó là cơ hội GV nghiên cứu học tập, phát triển năng lực chuyên môn cho bản thân và đồng nghiệp. Trong dự giờ, GV tập trung quan sát chi tiết việc học của HS nên chọn vị trí dự giờ phù hợp để quan sát nét mặt, cử chỉ và hành động của HS. Hạn chế việc ghi chép hoạt động của GV mà lưu ý hoạt động học của HS.

Sau dự giờ, mỗi GV trả lời các câu hỏi: Khi nào HS tập trung hay không tập trung học? Lí do vì sao HS học hay không học? Cần phải làm gì để giúp các em học tập thực sự?... Khi thảo luận về giờ dạy, GV phân tích chi tiết về thực tế việc học của HS. Các ý kiến của GV tập trung làm rõ từng tình huống, từng thời điểm em nào tập trung học, em nào chưa tập trung học. Từ đó phân tích nguyên nhân dẫn đến việc học hay không học của HS và nêu suy nghĩ làm thế nào để giúp các em học tập thực sự.

Người dự giờ không đưa ra gợi ý cách dạy hay chỉ ra hạn chế về thời gian, nội dung, kiến thức, tiến trình lên lớp… mà chỉ trao đổi những gì mình đã học được qua dự giờ học đó. Người chủ trì trong buổi SHCM luôn tạo cơ hội cho mọi giáo viên được phát biểu ý kiến thẳng thắn và cụ thể về bài dạy, hạn chế việc gợi ý hoặc tóm tắt các ý kiến phát biểu. Chính vì vậy, GV học tập được nhiều hơn việc phát triển chuyên môn cho bản thân.

Dự giờ cần được phát huy trong công tác nâng cao nghiệp vụ và đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa

6 bài học từ cách tiếp cận mới về hoạt động dự giờ

SHCM theo NCBH là cách tiếp cận mới khác nhiều so với cách SHCM truyền thống, đòi hỏi tính thực hành cao và khả năng phân tích bài học tinh tế nên ban đầu cán bộ quản lý, GV thường hay có xu hướng nghi ngờ tính hiệu quả của việc tập trung vào quan sát, suy ngẫm và cách học của HS. Do vậy, triển khai SHCM theo NCBH ở một số trường tiến độ phát triển còn chậm, có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có trường phát triển rất khó khăn.

Với chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên, quy trình dạy học... hiện hành chủ yếu tiếp cận về nội dung nên cản trở sự sáng tạo của GV. Vì thế khi GV tham gia vào SHCM thường mất thời gian trải nghiệm qua nhiều giờ dạy khác nhau mới có thể mạnh dạn sáng tạo trong dạy học và dạy học vì HS. Cơ chế quản lý, tính tự chủ về thời gian, chương trình, tổ chức hoạt động giáo dục, công việc hành chính... trong trường chưa tốt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến SHCM theo NCBH.

Các trường khi mới thực hiện SHCM theo NCBH cần có sự hỗ trợ trực tiếp từ đội ngũ cốt cán về kỹ thuật quay, chọn và cắt ghép hình ảnh, đặc biệt cách phân tích bài học thông qua hình ảnh. Tuy nhiên vì đội ngũ cốt cán phải vừa làm việc ở trường, tham gia tổ tư vấn nên khó có thể thường xuyên đến các trường hướng dẫn SHCM.

Một số trường cán bộ quản lý năng lực còn hạn chế, khi triển khai SHCM không tuân thủ đầy đủ các bước trong SHCM theo NCBH nên chất lượng phát triển chuyên môn cho GV chuyển biến chậm. Có trường khi tiến hành SHCM chỉ tập trung chủ yếu vào bước dự giờ và phân tích bài dạy mà bỏ qua các khâu khác, khiến chất lượng nghiên cứu bài học bị đơn lẻ, rời rạc, thiếu hấp dẫn với giáo viên.

Yêu cầu về đổi mới giáo dục hiện nay là chuyển hướng từ tiếp cận nội dung sang hướng tiếp cận năng lực đặt ra cho mỗi cán bộ quản lý, GV cần phải có một cách tiếp cận mới để SHCM theo NCBH đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bồi dưỡng tại trường cho GV. Chỉ khi GV hiểu được những trải nghiệm, những khó khăn của HS mới có biện pháp giảng dạy phù hợp và tạo cơ hội cho các em học tập thực sự. Thực hiện SHCM theo NCBH phải song song với xây dựng văn hóa của nhà trường, trong đó mọi thành viên được tôn trọng, tin tưởng, GV có hiểu biết sâu sắc về HS sẽ nâng cao được năng lực giảng dạy cho bản thân. Cần tổ chức cho cán bộ quản lý, GV thường xuyên tham quan học tập kinh nghiệm và trao đổi chuyên môn ở các trường điểm về SHCM.

SHCM theo NCBH là hoạt động mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì, cần có sự vào cuộc của các cấp quản lý giáo dục, đồng thời cần thường xuyên phải cập nhật các tư tưởng chỉ đạo mới của ngành vào nội dung SHCM.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/de-du-gio-hieu-qua-BuYXXqTGg.html