Để đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn

Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ngày càng tốt hơn, ngoài nỗ lực của bản thân, chế độ chính sách chung của Đảng, Nhà nước, thời gian qua đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai còn được thụ hưởng sự ưu đãi, hỗ trợ riêng do tỉnh thực hiện.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân đồng bào dân tộc tiêu biểu tại lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh, lần thứ nhất năm 2018. Ảnh: V.Truyên

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân đồng bào dân tộc tiêu biểu tại lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh, lần thứ nhất năm 2018. Ảnh: V.Truyên

* “Thúc” con em đồng bào đi tìm tri thức

Từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 200 ngàn thẻ bảo hiểm y tế được cấp phát cho đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền gần 80 tỷ đồng. Ngoài ra, hằng tháng, tỉnh đều hỗ trợ kinh phí bằng 50% mức lương cơ bản cho 225 người uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Anh Lê Thế Đức Tài (dân tộc Tày, ngụ thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) hiện là sinh viên Khoa Y (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Hằng tháng, anh đều nhận được tiền hỗ trợ của tỉnh. Mỗi khi có thành tích học tập tốt, anh còn được tỉnh tuyên dương, khen thưởng, là nguồn động viên rất lớn giúp anh quyết tâm học tập.

Còn với chị Ka Thơm (dân tộc Mạ, ngụ xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú), ngoài nỗ lực của bản thân, chị còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn về vật chất của các cấp chính quyền trong quá trình học tập và sau khi hoàn thành chương trình học đã bố trí việc làm. Chị Ka Thơm nói: “Tôi luôn cảm ơn chính quyền đã tạo điều kiện để tôi được đi học, tạo việc làm sau khi tốt nghiệp y sĩ để chăm sóc sức khỏe người dân ở Trung tâm y tế huyện”.

Riêng với cô giáo Bùi Khánh Trang (dân tộc Mường, ngụ xã Phú Túc, huyện Định Quán) mới 25 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm “ăn cơm” Nhà nước. Khánh Trang cho biết, năm 12 tuổi cô bắt đầu rời gia đình để theo học Khoa Âm nhạc dân tộc của Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai. Suốt 6 năm theo học tại đây, Khánh Trang nhận được tình thương của thầy cô, sự hỗ trợ của Nhà nước nên yên tâm học hành để luôn cố gắng đạt kết quả học tập tốt. Tốt nghiệp, Khánh Trang tiếp tục theo học tại Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh. Đến nay, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ âm nhạc truyền thống của Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, Khánh Trang đã chính thức trở lại ngôi Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai với vai trò là một giảng viên cơ hữu.

Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội mừng Lúa mới của đồng bào Chơro tại xã Bàu Trâm (TP.Long Khánh).Ảnh: V. Truyên

Những trường hợp kể trên nằm trong số hơn 11,5 ngàn lượt học sinh, sinh viên được tỉnh hỗ trợ học phí với số tiền hơn 18 tỷ đồng và bố trí việc làm sau khi hoàn thành chương trình học trong những năm qua.

Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư kinh phí xây dựng trường lớp, đội ngũ giáo viên, trợ cấp hằng tháng để học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm học hành ở những ngôi trường như: Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh (huyện Trảng Bom), Trường phổ thông dân tộc nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán (huyện Tân Phú), Trường THCS - THPT dân tộc nội trú Điểu Xiểng (huyện Xuân Lộc), Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai (TP.Biên Hòa)...

* Trao “cần câu” cho đồng bào

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO tài trợ 100 triệu đồng để xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà lưu niệm Già làng Năm Nổi (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu). Đây là nhà lưu niệm đầu tiên dành cho già làng được xây dựng tại Đồng Nai.

Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, thời gian qua, MTTQ cùng các tổ chức thành viên đã đề ra nhiều mô hình, giải pháp để hỗ trợ đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo. Trong đó có mô hình Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo xã Gia Canh (huyện Định Quán); 2 đề án hỗ trợ: đồng bào dân tộc Chơro (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) và đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’tiêng (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) nuôi dê vượt nghèo.

Nhằm giúp bà con tránh bị mất vốn, MTTQ cùng các đoàn thể đã thực hiện nhiều giải pháp như: tổ chức cho bà con đi học tập kinh nghiệm mô hình nuôi dê, gà; tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho đồng bào ngay tại khu dân cư... Sau một thời gian trao dê giống, gà giống và thức ăn chăn nuôi cho 48 hộ dân tộc với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, đồng bào đã phát triển có hiệu quả.

Ngoài ra, theo Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Thổ Út, từ năm 2016-2018, đã có 2.380 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước tạo điều kiện để vay vốn tự tạo việc làm, đầu tư vào sản xuất với số tiền hơn 73 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình vừa hoàn trả được vốn cho Nhà nước, vừa tạo ra của cải cho gia đình.

Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, MTTQ và các đoàn thể đã dành nhiều nguồn lực để xây dựng, sửa chữa 139 căn nhà cho các hộ khó khăn về nhà ở. Nhờ những mô hình hỗ trợ tạo việc làm, cho vay vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ về nhà ở và nỗ lực của đồng bào mà trong số hơn 39,6 ngàn hộ dân tộc thiểu số chỉ có gần 800 hộ nghèo, giảm gần một nửa so với đầu năm 2018.

* Giúp đồng bào bảo tồn văn hóa

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiệu số được MTTQ và các đoàn thể đặc biệt chú trọng. Hằng năm, MTTQ các cấp, chính quyền địa phương đều tạo mọi điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số tổ chức hoạt động văn hóa, tín ngưỡng truyền thống như: lễ hội Sayangva của đồng bào dân tộc Chơro tổ chức tại xã Hàng Gòn, Bảo Quang
(TP.Long Khánh), Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), Túc Trưng, Phú Túc (huyện Định Quán); lễ hội Tả Tài Phán của dân tộc Hoa tại xã Bàu Hàm, Sông Thao, Thanh Bình (huyện Trảng Bom), xã Phú Vinh (huyện Định Quán); lễ hội đâm trâu của đồng bào dân tộc Mạ ở huyện Tân Phú. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Định Quán và TP.Long Khánh...

Không những vậy, MTTQ và các đoàn thể còn thường xuyên thực hiện khảo sát để từ đó kiến nghị các cấp có thẩm quyền xây mới, sửa chữa thiết chế văn hóa cho đồng bào. Đến nay, toàn tỉnh có 13 nhà văn hóa dân tộc S’tiêng, Chơro, Mạ, Chăm... được đưa vào hoạt động ở hầu khắp các huyện. Tới đây, Nhà văn hóa dân tộc Mường ở xã Phú Túc (huyện Định Quán) cũng sắp được đưa vào sử dụng sau thời gian xây dựng. Ông Quách Diễm, người uy tín trong cộng đồng dân tộc Mường, xã Phú Túc cho hay, việc chính quyền các cấp quan tâm xây dựng nhà văn hóa cho dân tộc Mường là điều làm cho hơn 1,3 ngàn đồng bào dân tộc Mường rất vui mừng.

Theo ông Vũ Đình Trung, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, hát múa dân ca bằng tiếng dân tộc, dệt thổ cẩm, đan lát cho con em đồng bào. Qua đó nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc.

Võ Tuyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201909/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-mttq-viet-nam-lan-ix-nhiem-ky-2019-2024-de-dong-bao-dan-toc-thieu-so-co-cuoc-song-tot-hon-2964414/