Để đôi môi trẻ thơ có thể chạm đến vòm ngực mẹ

Bản năng của trẻ sơ sinh là rúc vào bầu ngực mẹ, để từ đó dòng sữa trắng nuôi dưỡng, dòng sữa trắng bảo bọc chảy vào lồng ngực vỗ về cơ đói. Nhưng con không thể nào vươn đến vòm ngực thiêng liêng ấy, vết hở trên môi, vết tách trên vòm họng đã ngăn con đến với động tác gắn kết với mẹ mình, gắn kết với loài người và lớn lên. Đó chỉ là một phần khởi đầu của nỗi đau mang tên hở hàm ếch.

Các thống kê cho biết, hở hàm ếch, tên gọi dân gian cho dị tật khe hở môi - vòm họng rất phổ biến ở nước ta. Cứ khoảng 500 đứa trẻ được sinh ra là có 1 trẻ bị mắc dị tật này.

Những trẻ sơ sinh ấy, từ ban đầu, tiếng khóc đã không tròn, những dị hình trên khuôn mặt đã biến cuộc đời các em theo cách khác. Vì đôi môi không bình thường, con không có hạnh phúc được ôm bầu ngực mẹ, được truyền từ mẹ sang các tinh chất cho con biến đổi.

Các con phải được cho ăn bằng bình sữa đặc biệt, phải chia nhỏ bữa ăn ra nhiều lần hơn các đứa trẻ khác để con không bị kiệt sức. Giấc mơ muộn phiền chập chờn của người mẹ, vì thế, càng bấn loạn hơn với tiếng khóc đói lòng của con thơ.

Nếu vết hở trên vòm họng mở rộng, con còn phải mang theo khí cụ đặc biệt suốt những tháng ngày đầu đời, để con có thể thở, để con có thể ăn mà không sặc nấc lên khi thức ăn đi lạc tràn ra mũi, khiến con hụt hơn không thở được. Những người mẹ, người ba nào có thể chịu nổi khi con mỗi lần ăn như một lần chịu cực hình, chịu nỗi hành hạ ngạt thở?

Hoa hậu Trần Hương Giang, Quản lý bộ phận Phát triển của Operation Smiles, tổ chức vận động cho việc chăm sóc và chữa trị cho các em nhỏ bị hở hàm ếch.

Hoa hậu Trần Hương Giang, Quản lý bộ phận Phát triển của Operation Smiles, tổ chức vận động cho việc chăm sóc và chữa trị cho các em nhỏ bị hở hàm ếch.

Chứng bệnh phổ biến ở châu Á này được cho do nhiều nguyên nhân gây ra như di truyền, môi trường. Mẹ dùng thuốc, nhiễm hóa chất , nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai… nhưng dù là nguyên nhân gì, có người mẹ nào muốn thấy con mình trong một viễn cảnh buồn đến thế.

Vì thế, khi phát hiện dị tật hở hàm ếch của thai nhi, nhiều người đã bấn loạn với ý nghĩ không muốn giữ con lại để tránh cho con nỗi khổ làm người. Đó là lúc các bác sĩ vào cuộc, khuyên nhủ, tư vấn, xác định tình trạng nhằm giúp các phụ huynh chuẩn bị tốt hơn cho việc điều trị trẻ. Hở hàm ếch là căn bệnh có thể điều trị bằng phãu thuật chỉnh hình, chúng chỉ đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền bạc, đòi hỏi nhiều nước mắt của trẻ và phụ huynh, đòi hỏi mồ hôi và tình yêu thương.

Bác sĩ kiểm tra các vết tách trên vòm họng của một cậu bé bị mắc dị tật

Khi trẻ con đủ lớn và đủ sức khỏe, các vết sức trên môi sẽ được vá lại. Thông thường, ở điều kiện lý tưởng, vá khe hở môi khi trẻ được 3-4 tháng tuổi, phẫu thuật đóng hàm ếch khi trẻ được 9-12 tháng tuổi.

Khi trẻ 2 tuổi cần được thăm khám tổng quát để đánh giá sự phát triển sau mổ; đánh giá tình trạng phát âm lúc trẻ 2,5 tuổi (định kỳ 6-12 tháng); điều trị rối loạn phát âm nếu cần thiết từ lúc trẻ 3,5 tuổi; phát hiện thiểu năng màng hầu (chẩn đoán bằng nội soi mũi ở trẻ từ 4 tuổi), nếu có sẽ được phẫu thuật điều trị khi bé 6-7 tuổi. Nếu có khe hở xương ổ răng sẽ được phẫu thuật đóng lại trước khi răng nanh nhú lên, khoảng 9-11 tuổi.

Khác với cách chúng ta hình dung, hở hàm ếch ở các trường hợp nặng, không chỉ là chỉnh 1 lần bằng phẫu thuật là xong, các bé phải trải quá có khi 6-7 cuộc phẫu thuật trong suốt tuổi thơ để tìm thấy hình dạng bình thường, để có thể thắp nắng lên nụ cười, để có thể vượt qua mặc cảm và trêu chọc, để có thể ăn và uống như mọi con người khác. Đó là một hành trình anh hùng và chịu đựng để tìm thấy tuổi thơ.

Một em bé ở Trà Vinh, đã rất khó khăn trong việc bú mẹ, em phải điều trị nhiều lần cho đến 18 tuổi

Ngay cả khi phẫu thuật xong, các rối loạn phát âm cũng có thể khiến bé có một cuộc sống bị hắt hủi, không bình thường. Việc điều trị cần có sự nỗ lực tiếp tục của các bé, để tiếng nói vang lên tròn vành rõ chữ, để lời nói có thể mở ra tương lai, các con phải nỗ lực trăm lần hơn trẻ bình thường. Hãy nhìn những nụ cười bác sĩ điều trị, giọt nước mắt mẹ cha khi chữ “ba”, “mẹ”, “thầy” được phát ra đúng như như cần phát từ đôi môi các con.

Những anh hùng đi tìm vòm ngực mẹ, đi tìm tương lai ấy không thể đi một mình, các bé cần mọi người làm điểm tựa. Đa phần các bé bị dị tật không điều trị từ sơ sinh là các bé ở vùng sâu vùng xa, có đời sống kinh tế ngặt nghèo, ít được tiếp xúc với các thông tin về điều trị. Đã có các tổ chức thiện nguyện làm nền tảng cho các anh hùng nhỏ này lên đường lấy lại gương mặt, lấy lại nụ cười, nhiều em bé đã lớn lên, có cuộc sống tốt và lại chung tay cho những bạn nhỏ đồng cảnh ngộ. Hãy là người loan tin, hãy là người đồng hành. Khi những đôi môi thơ tìm thấy mẹ, khi nụ cười tỏa rạng mặt trời, khi tiếng nói giòn giã vui tươi, bạn đã góp phần thắp lửa cho tương lai đấy!

Nam Thụ

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/de-doi-moi-tre-tho-co-the-cham-den-vom-nguc-me-10898.html