Để doanh nghiệp hưởng lợi từ EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu chính thức bỏ phiếu thông qua với 401 phiếu ủng hộ phê chuẩn (tỷ lệ 63,33%), bộ hồ sơ của EVFTA đang được gấp rút hoàn thiện trình Chủ tịch nước, Quốc hội kịp xem xét và thông qua tại kỳ họp Quốc hội gần nhất (dự kiến vào tháng 5 tới). Theo tiến độ này, EVFTA có thể sẽ chính thức đi vào thực thi ngay trong tháng 7 tới. Thời gian không còn nhiều, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần sẵn sàng chuẩn bị tâm thế để 'vượt sóng' cũng như tận dụng hiệu quả các cơ hội Hiệp định mang lại.

Các ngành như dệt may, cà-phê, da giày... vẫn còn dư địa rất lớn.

Các ngành như dệt may, cà-phê, da giày... vẫn còn dư địa rất lớn.

Tận dụng cơ hội, chiếm lĩnh thị phần

EVFTA đang mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam thâm nhập thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và dung lượng khoảng 18 nghìn tỷ USD. Thậm chí, nhiều sản phẩm chúng ta đang xuất khẩu tốt vào thị trường này như dệt may, cà-phê, da giày,… vẫn còn dư địa rất lớn. Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đi thị trường EU trong năm qua có sự thay đổi theo hướng tích cực, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng 2,23% so năm 2018. Trong khi đó, hiện EU đang chi mỗi năm khoảng 280 tỷ USD nhập khẩu hàng dệt may từ các nhà cung ứng trên toàn thế giới. Rõ ràng, thị phần của Việt Nam chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng mức chi nhập khẩu hàng dệt may của EU cho nên vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Đáng chú ý, khi EVFTA có hiệu lực, 42,5% số dòng thuế đối với mặt hàng dệt may Việt Nam sẽ được xóa bỏ và số còn lại theo lộ trình từ ba đến bảy năm, chắc chắn sẽ tạo cú huých mạnh mẽ để các DN thúc đẩy xuất khẩu. Nhận rõ những cơ hội đó, không ít DN dệt may đã có sự chuẩn bị kỹ càng để có thể hưởng lợi ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) Nguyễn Văn Thời cho biết, các DN có khả năng tìm kiếm và sử dụng các nguồn nguyên liệu từ vải trở đi đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định của EVFTA sẽ có lợi thế lớn để hưởng ưu đãi thuế và đẩy mạnh xuất khẩu. Với thế mạnh của mình, mỗi năm TNG đang xuất khẩu hơn 100 triệu USD hàng may mặc sang thị trường EU. Trong thời gian tới, khi “cánh cửa” được mở rộng hơn nhờ EVFTA, TNG sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nguồn nguyên phụ liệu, hoạt động sản xuất, phát triển thêm nhiều mặt hàng như sản xuất găng tay để tăng thị phần, nâng cao kim ngạch xuất khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này.

Về lĩnh vực da giày, Giám đốc Công ty TNHH Giày Tuấn Việt (Đồng Nai) Trần Văn Tắc cho rằng, việc EVFTA được thông qua sẽ giúp ích lớn cho DN khi thuế dòng giày vải sẽ xuống ngay 0% và một số loại giày da sẽ có lộ trình giảm dần. Riêng đơn vị, hiện mỗi năm xuất khẩu vào thị trường EU chiếm khoảng 70% lượng giày vải cho nên đây là lợi thế và cơ hội rất lớn. Đã chuẩn bị và tự chủ động được 95% nguồn nguyên phụ liệu ở trong nước vì vậy đơn vị đáp ứng tốt các quy định về yêu cầu nguồn gốc xuất xứ trong EVFTA. Lúc đó, lượng khách hàng sẽ đặt hàng nhiều hơn do có tính cạnh tranh tốt trên thị trường. Đồ gỗ cũng là ngành có nhiều lợi thế khi EVFTA đi vào thực thi. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest) Nguyễn Tôn Quyền chia sẻ: Ngoài việc là thị trường nhập khẩu các sản phẩm đồ gỗ đầy tiềm năng, 28 nước EU còn có diện tích rừng vào loại lớn nhất trên thế giới (hơn 520 triệu héc-ta) và sản lượng khai thác gỗ hằng năm khoảng 400 triệu mét khối. Nhờ những ưu đãi trong EVFTA, Việt Nam mua gỗ từ các nước EU (mua gỗ nội khối) sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nhập khẩu gỗ ngày càng lớn của DN trong nước. Chất lượng gỗ của các nước EU luôn bảo đảm các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của khách hàng EU cũng như trên toàn thế giới. Ngoài ra, các nước EU có trình độ rất cao về công nghệ và thiết bị chế biến gỗ, DN Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp cận đối với việc áp dụng công nghệ chế biến gỗ tiên tiến từ EU. Cũng theo ông Quyền, giao thương về lâm sản giữa Việt Nam và EU đã thực hiện từ 20 năm nay. Suốt quá trình đó, các DN Việt Nam đã từng bước tiếp cận được với những chính sách thương mại gỗ của các nước EU. Đáng chú ý, sau khi EVFTA chính thức ký vào tháng 6-2019, Vietforest đã phối hợp DN tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm giúp doanh nghiệp hiểu biết và nâng cao nhận thức, đồng thời xây dựng chiến lược cũng như kế hoạch cụ thể để thực thi Hiệp định này một cách hiệu quả. Kỳ vọng với những bước chuẩn bị đó, sau khi EVFTA đi vào thực hiện, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của DN Việt Nam vào EU sẽ sớm cán mốc một tỷ USD/năm ngay trong các năm tới (hiện khoảng 700 đến 750 triệu USD/năm).

Chủ động tìm hiểu, nắm vững thị trường

Có thể khẳng định, những ưu đãi được hưởng từ EVFTA dành cho hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam rất lớn, nhất là với một số ngành như dệt may, da giày, điện tử hay đồ gỗ,… nhưng nội dung trong các điều khoản của Hiệp định cũng chứa đựng những đòi hỏi rất cao liên quan đến xuất xứ, chứng nhận xuất xứ hay hàng loạt những vấn đề khác như an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch thông tin, môi trường sản xuất. Do đó, nếu các DN thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, những chiến lược dài hơi sẽ rất khó tận dụng được cơ hội do Hiệp định mang lại và thậm chí, hàng loạt ngành hàng Việt Nam sẽ “thua trên sân nhà” trước sức ép cạnh tranh của hàng hóa đến từ EU. Mặt khác, nếu không tổ chức và phát triển tốt công nghiệp hỗ trợ (CNHT), tạo thành chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh, bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước thì hiệu quả khai thác các cơ chế ưu đãi của EVFTA cũng sẽ bị sụt giảm.

Theo kết quả một cuộc khảo sát thực hiện cuối năm 2019, nhóm DN “có nghe nói, nhưng chưa tìm hiểu gì về EVFTA” chiếm tỷ lệ cao nhất; trong khi nhóm “tìm hiểu tương đối kỹ” chỉ chiếm khoảng 1,55%. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho rằng, EU là thị trường tiềm năng đối với các DN dệt may Việt Nam với nhu cầu giá trị khoảng 250 tỷ USD/năm, gấp hai lần thị trường Mỹ. Thế nhưng, muốn phát triển được thị trường này, Việt Nam phải xây dựng được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và dần tự chủ nguồn nguyên phụ liệu đầu vào mới đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ vải trở đi và có thể hưởng lợi do EVFTA mang lại. Trong khi đó, dù sợi hiện nay nước ta đã sản xuất được nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong các FTA thế hệ mới. Do đó, đây sẽ là dịp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực còn yếu như dệt vải, nhuộm. Ngoài ra, các DN dệt may trong nước cần phối hợp, liên kết với nhau cũng như với các DN nước ngoài để sử dụng nguồn vải của nhau, nhằm bảo đảm các quy tắc xuất xứ và hưởng mức ưu đãi cao nhất,...

Đại diện Bộ Công thương cho biết, thời gian tới, những cơ chế, chính sách về phát triển CNHT sẽ tiếp tục được rà soát, đánh giá, gắn với những nội dung của EVFTA để có những biện pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa với trọng tâm là phát triển CNHT cho các ngành công nghiệp cơ bản có lợi thế khi tham gia vào Hiệp định này như dệt may, da giày, công nghiệp ô-tô, điện tử hay các ngành cơ khí và chế biến, chế tạo. Cùng với đó, các chính sách về đầu tư nước ngoài cũng sẽ tiếp tục được rà soát, đưa ra những giải pháp để lựa chọn và sàng lọc các nguồn vốn nước ngoài có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của CNHT trên cơ sở tạo ra mối liên kết bền chặt giữa các nhà đầu tư nước ngoài với DN trong nước.

Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh Võ Trí Thành nhận định: EVFTA được phê chuẩn là tin tốt lành đối với Việt Nam vì đem đến nhiều triển vọng tích cực. Đằng sau tất cả, đó là niềm tin vào tiến trình hội nhập, tiến trình cải cách của Việt Nam. Nhưng “cuộc chơi” nào cũng có hai mặt, thách thức cho Việt Nam chính là phải tận dụng được cơ hội, nếu không, cơ hội lại biến thành thách thức kìm hãm sự phát triển. Để tận dụng tốt nhất cơ hội EVFTA mang đến, có hai vấn đề Chính phủ cần hỗ trợ DN. Một là, làm sao kết hợp hài hòa tất cả các tuyến hội nhập EVFTA với chiến lược phát triển mới của Việt Nam. Hai là, vai trò kết nối qua những nỗ lực của Chính phủ về đào tạo nâng cao năng lực trong truyền bá thông tin để DN có thể kết nối tốt nhất với các đối tác. Qua đó, không chỉ phát triển thương mại, thu hút đầu tư, kinh doanh mà còn bắt tay với các đối tác tốt để học hỏi, vươn lên.

Những tác động từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp - Covid-19 đang lộ diện dần những hạn chế và bất cập của chúng ta trong phát triển thị trường cũng như khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Trong bối cảnh đó, EVFTA được dự báo sẽ tạo ra cú huých lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. Đây chính là “chìa khóa” giúp mở rộng cánh cửa để DN Việt Nam thâm nhập vào thị trường tiềm năng với quy mô lên đến 18 nghìn tỷ USD. Nhưng ở một khía cạnh khác, Việt Nam cũng có nhiều cam kết về cắt giảm thuế trong EVFTA. Cụ thể, ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực, có tới 48% các dòng thuế nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ được cắt giảm và sau bảy năm là hơn 80%. Với những ưu đãi đó, cùng với năng lực cạnh tranh vốn có của các sản phẩm, hàng hóa EU chắc chắn sẽ tạo áp lực không hề nhỏ cho hàng hóa và DN Việt Nam; một số ngành như công nghiệp chế biến chế tạo, thép, hóa chất, chế biến thực phẩm hay ô-tô,… sẽ phải chịu sức ép rất lớn. Tuy nhiên, những sản phẩm từ EU kể trên cũng là những mặt hàng Việt Nam đang có nhu cầu cao. Với chất lượng cũng như hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, đây chắc chắn sẽ là nguồn cung quan trọng đáp ứng tốt nhu cầu xã hội và của nền kinh tế trong hoạt động sản xuất. Quan trọng là chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nhất là trong hoạt động của DN, giúp họ cạnh tranh hiệu quả hơn, tận dụng được nhiều cơ hội hơn từ EVFTA để không bị “lép vế” ngay trên chính sân nhà.

Theo ước tính của Ủy ban châu Âu, khi EVFTA được thực thi, tổng sản phẩm nội địa hằng năm của EU sẽ tăng thêm khoảng 30 tỷ USD. Còn nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU cũng được dự báo như sau: xuất khẩu gạo tăng thêm 65% vào năm 2025, đường tăng 8%, lâm sản tăng 3%, thịt gia súc gia cầm tăng 4%, đồ uống và thuốc lá tăng 5%; xuất khẩu dệt sẽ tăng khoảng 67% vào năm 2025, may mặc tăng 81%, da giày thậm chí tăng đến 99%.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43257902-de-doanh-nghiep-huong-loi-tu-evfta.html