Để doanh nghiệp CNHT tham gia 'cuộc chơi' toàn cầu?

Hiện tại trên toàn quốc trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp nội địa sản xuất phụ tùng, linh kiện chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Do đó, cần xác định phát triển công nghiệp chế biến chế tạo là một quá trình kiên trì lâu dài thường kéo dài hàng chục năm, cũng như cần phân bổ nguồn lực quốc gia thích đáng để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Hình ảnh tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Báo cáo của Bộ Công Thương khẳng định, phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là biện pháp căn cơ để nuôi dưỡng nguồn thu cho dài hạn, nâng cao chất lượng nền kinh tế, tăng cường nội lực, bảo đảm tự cường của dân tộc. Báo cáo do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trình bày tại hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam.

Phát triển, nhưng chưa đạt kỳ vọng

Theo báo cáo, số doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành CNHT tính đến năm 2016 là khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giầy (chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo).

Hiện nay doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh nghiệp CNHT trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu linh kiện, phụ tùng là hơn 26 tỷ USD, tăng hơn 24% so với 2015. Nếu tính cả các ngành CNHT cho dệt may, da – giày, kim ngạch xuất khẩu CNHT của Việt Nam đạt hơn 32 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu cho các ngành CNHT của Việt Nam chủ yếu là các Trung Quốc; Hàn Quốc; Mỹ; Nhật Bản.

CNHT trong nước đã có thể cung cấp một số phụ tùng, linh kiện như: Phụ tùng linh kiện nhựa, cao su cho các sản phẩm điện tử, ô tô xe máy, phụ tùng linh kiện nhôm và kim loại cho ô tô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị. Nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện.

Doanh nghiệp thiếu nguồn lực và công nghệ

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, CNHT Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Hiện tại trên toàn quốc trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp nội địa sản xuất phụ tùng, linh kiện chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chưa nhiều. Do không có nhiều nhà cung cấp, nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước mà phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất.

Dẫn số liệu từ Nhật Bản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, riêng quận Oita, một trong 23 quận của TP. Tokyo có hơn 3000 doanh nghiệp chế tạo, tỉnh Kanagawa có 60.000 doanh nghiệp chế biến chế tạo tương đương với số doanh nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, (75.000 doanh nghiệp năm 2017). Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp CNHT có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nhưng tham gia rất sâu vào các chuỗi sản xuất toàn cầu ở các phân đoạn có giá trị gia tăng rất cao như cung cấp linh kiện và phụ tùng cho công nghiệp hàng không.

Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp.

Bộ Công Thương đã cấp 23 Giấy xác nhận ưu đãi thuộc các ngành dệt may, điện tử, ô tô, công nghệ cao và cơ khí nhưng phần lớn là các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ trình độ sản xuất các sản phẩm CNHT để được hưởng ưu đãi theo quy định.

Lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp CNHT trong nước khá giống nhau cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm. Trong ngành cơ khí, đa số là gia công các công đoạn cơ khí đơn giản (dập, cắt, hàn, sơn..) rất ít doanh nghiệp gia công chính xác, đúc, gia công bề mặt và điện tử. Trong ngành dệt may, chủ yếu mới chỉ phát triển ở công đoạn may. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ năng lực đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất.

Một hạn chế nữa là khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT trong nước còn nhiều bất cập. Nhập siêu linh kiện, phụ tùng còn rất lớn. Mặc dù đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp trong nước, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu linh kiện, phụ tùng với giá trị khá lớn. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng là gần 45 tỷ USD, tăng hơn 14% so với 2015, chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc (gần 14 tỷ USD), Trung Quốc (hơn 12 tỷ USD). Đối với ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như điện tử, dệt may, da giày tỷ lệ giá trị gia tăng tạo ra trong nước còn thấp.

Hướng đến doanh nghiệp ngoài Nhà nước

Các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan đều dành nguồn lực rất lớn cho CNHT. Đến nay, trình độ các doanh nghiệp của họ đã rất cao nhưng Chính phủ và đặc biệt các chính quyền địa phương vẫn tiếp tục duy trì hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp chế biến chế tạo với kinh phí hằng năm hàng tỷ USD để nâng cao trình độ sản xuất. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, có hàng trăm trung tâm kỹ thuật được xây dựng từ vốn ngân sách nhà nước kết hợp nguồn vốn xã hội hóa nhằm hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Từ thực tiễn của các quốc gia thành công trên thế giới cho thấy, đầu tư cho công nghiệp, CNHT là biện pháp căn cơ để nuôi dưỡng nguồn thu cho dài hạn, nâng cao chất lượng nền kinh tế, tăng cường nội lực, bảo đảm tự cường của dân tộc”, Báo cáo của Bộ Công Thương khẳng định.

Từ bài học kinh nghiệm này, cần xác định phát triển công nghiệp chế biến chế tạo là một quá trình kiên trì lâu dài thường kéo dài hàng chục năm, cần phân bổ nguồn lực quốc gia thích đáng để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Nhà nước đóng vai trò bà đỡ, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất CNHT, đối tượng chính là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Cùng với đó, cần tập trung vào các giải pháp hỗ trợ để nâng cao trình độ một số doanh nghiệp có tiềm năng trong các ngành công nghiệp ưu tiên ngang tầm khu vực và thế giới để dẫn dắt nền công nghiệp.

Bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi và kinh tế vĩ mô ổn định (các loại chi phí gia nhập thị trường thấp, bao gồm chi phí tín dụng ở mức phù hợp) để tạo ra tinh thần sản xuất trong xã hội, khuyến khích hướng nguồn vốn đầu tư xã hội vào khu vực sản xuất.

“Từ kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể rút ra một số bài học về phát triển công nghiệp chế biến chế tạo và CNHT đó là xây dựng chính sách phù hợp hướng đến doanh nghiệp ngoài Nhà nước, bố trí đủ nguồn lực để hỗ trợ, nâng cao trình độ các doanh nghiệp công nghiệp và các doanh nghiệp CNHT vừa và nhỏ trong nước đạt trình độ sản xuất toàn cầu”, Báo cáo nhấn mạnh.

Mục tiêu phát triển CNHT: Xây dựng và phát triển CNHT bảo đảm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 với sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa.

Xuân Tuyến

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/de-doanh-nghiep-cnht-tham-gia-cuoc-choi-toan-cau/354797.vgp