Để điều tốt mãi được lan tỏa!

Hôm qua, trên truyền hình có phát một phóng sự về người cựu chiến binh già ở Can Lộc, Hà Tĩnh, mấy năm nay, ông một mình lặn lội, tìm đến những cửa hàng đồng nát, mua lại xe đạp cũ hỏng rồi tự mình sửa chữa, sơn lại và tặng cho những học sinh nghèo trong huyện. Và cũng trong ngày hôm qua, nhiều tờ báo đồng loạt đăng tin, Tỉnh đoàn Quảng Nam trao tặng Bằng khen cho anh Trần Văn Tròn (20 tuổi, ở khối Hà Quảng Đông, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) vì đã có hành động đẹp, dũng cảm quên mình cứu người bị đuối nước… tất cả những điều này cho ta thấy, quanh ta luôn có rất nhiều chuyện tử tế và mỗi ngày chỉ cần đọc được một niềm vui như thế, cuộc sống này đẹp đẽ biết bao nhiêu.

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh diễn tả lại hành động chuẩn bị đỡ cháu bé

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh diễn tả lại hành động chuẩn bị đỡ cháu bé

“Một nửa cái bánh mỳ thì vẫn là một nửa cái bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật”- một người bạn trên mạng xã hội của tôi đã lập luận như thế và họ luôn lập luận như thế mỗi khi có ý định “bóc trần” về một hành động nào đó, một ai đó “trót” làm điều tử tế. Tuần qua, là chuyện của Nguyễn Ngọc Mạnh - người lái xe tải đã nhanh trí, dũng cảm, cứu được cháu bé 3 tuổi, ngã từ tầng 12 của một chung cư. Nhưng rất may, lần này, phe “cố tìm ra sự thật” đã thất bại, vì thế, điều tốt đẹp vẫn được lan tỏa, người tốt không vì dư luận rùm beng mà sợ không dám… tốt nữa.

Cũng không hiểu từ lúc nào, mỗi khi “có việc xảy ra” người ta lại lạ lẫm hỏi nhau rằng: “Hóa ra vẫn còn người tốt?”. Mỗi khi thấy ai đó làm những việc kiểu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” lại bị đánh giá là hâm, là dở, là thừa hơi… Và cũng chính những người hay hoài nghi về lòng tốt và người tốt có còn trong xã hội hiện đại này không… lại rất hay nhắc về ngày xưa. Ngày xưa người ta sống với nhau thế này, ngày xưa người ta sống với nhau thế kia… Cứ mãi nghi ngờ thế thì lấy đâu thời gian để trở về với thời hiện tại, để thấy, ngoài kia vẫn còn vô vàn những tấm lòng trắc ẩn, những tâm hồn thiện lương.

Người viết bài này cũng đã từng phải cảm ơn trời đất đã run rủi cho gia đình gặp được người tốt. 9 năm trước, con trai tôi, khi đó mới 4 tuổi, tự ý đạp xe đi ra hàng văn phòng phẩm để mua màu sáp. Đi lòng vòng một hồi thì lạc. Không biết đường về nữa. Hai tiếng đồng hồ không thấy con đâu, cả nhà hoảng loạn và nháo nhác đi tìm khắp nơi… Rồi bắt gặp thằng bé đang ngồi trong quán nước ở ven hồ Tây. Hóa ra, ông chủ quán nước trên đường đi, thấy đứa bé con tôi nhoay nhoáy đạp xe ngược chiều ô tô, xe máy qua lại, nhận ra khách quen thi thoảng có ngồi quán, thế là bốc cả thằng bé lẫn xe đạp lên xe máy chở về. Cũng không biết số điện thoại của tôi để gọi, nên anh dặn thằng bé, cứ ngồi đây thế nào bố mẹ đi tìm cũng phải đi qua.

Khỏi phải nói, chúng tôi đã biết ơn người chủ quán nước ven hồ Tây thế nào. Khi chúng tôi đến cảm ơn, anh chỉ bảo: “Thấy nó đạp xe ngoài đường nguy hiểm quá, đoán là đi lạc, nên anh đưa về, chuyện nhỏ, có gì đâu”. Gần đây, có lần tình cờ gặp anh ở gần nhà, mời anh vào uống nước anh nhất quyết từ chối và vẫn hỏi: “Bé con lớn bằng ngần nào rồi?”.

Để làm một trắc nghiệm nhỏ, tôi đã gặp chừng 20 người và hỏi cùng một câu hỏi: “Người tốt có còn không?”. Cả 20 người mà tôi hỏi đều khẳng định là còn, còn nhiều, tuy nhiên chúng ta chưa có đủ duyên để gặp. Nhưng cũng đừng vì chưa đủ duyên gặp được người tốt mà ta cứ hàng ngày, hàng giờ hoài nghi về những điều tốt đẹp luôn tồn tại trong xã hội này.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Chúng ta cần một xã hội mà bất cứ ai cũng sẵn sàng làm việc tốt

Tôi nghĩ người tốt lúc nào cũng có, bởi “trở thành người tốt” là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Vậy nên, tôi nghĩ những câu cảm thán kiểu như: “Hóa ra xã hội vẫn còn người tốt!” đó xuất phát từ góc nhìn khá tiêu cực, của những người thiếu vắng niềm tin vào cuộc sống.

Việc thể hiện lòng tốt là một nhu cầu, nên xã hội nào thì lòng tốt, người tốt cũng luôn có. Xã hội hiện đại thì lòng tốt có lẽ cũng hiện đại hơn thôi. Tuy nhiên, có lẽ trước kia, cuộc sống chậm hơn, giao tiếp giữa con người với con người trực tiếp hơn nên chúng ta dễ nhận biết về lòng tốt của nhau hơn.

Cái tình của con người về cơ bản luôn được biểu đạt một cách âm thầm, giản dị nên không dễ nhận biết. Cuộc sống ồn ào và vội vã hơn, báo chí không dành nhiều công sức để phát hiện, nghiền ngẫm để có thể mang đến những câu chuyện về tình người mà chỉ khai thác triệt để các câu chuyện ồn ào. Mà những chuyện gây kích thích, thu hút công chúng như hiện tượng Nguyễn Ngọc Mạnh không nhiều. Do đó, chúng ta có cảm giác như những câu chuyện về lòng tốt ít hơn.

Một xã hội có nhiều lòng tốt là một xã hội mà người ta có thể bày tỏ sự tử tế, tốt đẹp của mình mà không ngại ngần. Như thế có nghĩa là ở xã hội đó con người ta ít nghi ngại nhau hơn. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao để con người ta ít nghi ngại nhau? Theo tôi, khi mà luật pháp nghiêm minh, chấp pháp đàng hoàng, kẻ xấu phải bị nghiêm trị, việc xấu phải bị lên án một cách kịp thời thì sự nghi ngại giữa người và người sẽ bớt đi. Hơn nữa, mỗi một con người đều có nhiều mặt, không ai hoàn hảo cả, nên khi nhìn vào một việc tốt, báo chí, những trí thức, những người có khả năng dẫn dắt dư luận cần ý thức để công chúng nhìn sự việc như nó vốn thế. Bởi chúng ta không chỉ cần những siêu nhân, những anh hùng làm việc tốt. Chúng ta cần một xã hội mà bất cứ ai cũng sẵn sàng làm việc tốt, cả những người xấu cũng muốn làm việc tốt.

Dịch giả Nguyễn Đình Thành: Tôi tin con người vẫn tiếp tục sống tử tế với nhau

Dịch giả Nguyễn Đình Thành Đồng sáng lập Elite PR School Giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2008 cho tác phẩm “Nửa kia của Hitler” Anh cũng là tác giả của một số tác phẩm dịch như: Con của Nô ê, Ông Ibrahim và những đóa hoa Coran, Chàng Su mô không thể béo, kịch Người khách lạ, kịch Trường học của quỷ, kịch Bữa tối những thằng ngu, tác giả cuốn chuyên khảo “Thần thoại PR về nghề truyền thông”.

- PV: Mỗi khi “có chuyện” xảy ra chúng ta thường hay cảm thán rằng “hóa ra xã hội vẫn còn người tốt”, “hóa ra chúng ta chưa hoàn toàn vô cảm”, cá nhân anh thấy thế nào về những lời cảm thán này?

- Dịch giả Nguyễn Đình Thành: Thời nào cũng có người này người kia nhưng chưa bao giờ tồn tại một xã hội chỉ toàn người xấu. Chúng ta đã thấy, ngay cả trong những thời điểm tăm tối nhất của nhân loại, vẫn có những tấm lòng nhân hậu. Đó có thể là một doanh nhân ra tay cứu giúp những người Do thái trong Chiến tranh Thế giới thứ hai (đã được mô tả trong bộ phim Schindler's list), những thầy tu Công giáo che chở cho những đứa trẻ Do thái, những con người giúp đỡ nhau bất kể người kia có phải là kẻ thù hay không/Ngay cả với kẻ thù người ta còn giúp thì để cứu sống một mạng người, lúc nào cũng có người ra tay, bằng cách này hay cách khác. Không có chuyện một xã hội toàn người vô cảm. Tôi chợt nghĩ đến một câu thơ của cố nhà văn Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời toàn chuyện xấu xa/thì sao cây táo lại nở hoa/sao rãnh nước lại trong veo thế...”.

- Cách đây đã nhiều năm, anh từng chia sẻ trên FB rằng, anh đã một lần gặp nạn và được những người tốt cứu giúp. Anh có thể chia sẻ về câu chuyện đó hay không?

- Năm 2015, đầu mùa đông, tôi bị xuất huyết não do u máu trong não bị vỡ. May thay, có hai chiến sĩ công an, hết giờ làm đang trên đường đi về nhà và cấp cứu cho tôi. Các anh gọi xe taxi, khiêng tôi vào xe để đưa đi cấp cứu. Cùng đó, một anh cũng kịp đưa xe máy và đồ đạc của tôi về cơ quan của các anh để giữ an toàn. Trên xe ô tô, tôi co giật, mất ý thức và các anh đã nhanh trí lấy khăn quàng cho vào miệng tôi và lấy tay ấn vào điện thoại để gọi điện báo về nhà cho người thân. Sau phẫu thuật u não tôi mới tìm đến cảm ơn và các anh rất khiêm tốn, chỉ kể lại cho tôi tình tiết lúc ấy và không nhắc gì nhiều đến việc làm của các anh. Status của tôi đăng cảm ơn các anh cũng có cả nghìn người đồng tình và khen ngợi việc làm của 2 chiến sĩ công an nhân dân.

- Từ khi có mạng xã hội, mọi thứ đều được vạch trần, soi chiếu trên mọi góc độ nhân danh “sự thật” thành ra nhiều thứ “đúng một cách khốn nạn”, có khi nào chính vì những lý do đó mà nhiều người tốt sợ không dám tốt nữa hay không?

- Điều tốt không ít đi mà chỉ là ta không đọc thấy điều ấy, thông tin về việc tốt đến ít hơn mà thông tin về việc chưa tốt lại nhiều hơn, đánh vào trí tò mò nên nhiều khi người ta hoang mang về việc lòng tốt có còn không. Nếu có một thông tin về giáo viên ngược đãi học sinh thì người ta sẽ đổ xô vào đọc. Thông tin về người thầy, người cô tình nguyện xa quê hương, không có cơ hội để lập gia đình, toàn tâm toàn ý chăm sóc học sinh thì ít người đọc. Thế nên, ảo tưởng của người ta là cuộc đời này kém tử tế. Tôi không nghĩ như vậy.

Tôi nghĩ làm tốt không phải để khoe khoang. Nếu việc cần làm thì người ta vẫn sẽ làm. Đành rằng có người sợ sự ầm ĩ nhưng tựu trung, tâm con người vẫn hướng thiện. Xã hội đã thay đổi rất nhiều trong thời đại số, nơi mọi thứ thay đổi với tốc độ nhanh hơn, lượng thông tin nhiều hơn, cách thức giao tiếp thay đổi, nhiều giá trị về hạnh phúc, thành đạt cũng thay đổi nhưng có một điều là nhân tính vẫn thế. Các công nghệ của thời 4.0 như big data, trí tuệ nhân tạo AI... tất cả vẫn hướng tới một chuẩn mực là “thật như người thật”. Thế nên tôi tin con người ta vẫn tiếp tục sống tử tế với nhau.

Quỳnh Vân (Thực hiện)

Yên Vân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-dieu-tot-mai-duoc-lan-toa-post459765.antd