Đề Địa lý: Nhiều đáp án dễ gây nhầm lẫn

Nhận định về đề thi môn Địa lý thuộc tổ hợp KHXH, thầy giáo Vũ Hải Nam – Giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho rằng, không dễ lấy điểm cao nếu thí sinh không đọc thật kỹ và tư duy câu hỏi. Bởi có nhiều đáp án dễ gây nhầm lẫn cho người làm.

Đề Địa lý phần lớn các câu hỏi thuộc kiến thức chương trình lớp 12 với 19/40 câu trắc nghiệm. Có 6 câu trắc nghiệm nằm trong chương trình lớp 11, 15 câu còn lại là câu thực hành (trong đó sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam 11 câu, biểu đồ và bảng số liệu 4 câu, chiếm 37,5% số câu).

Theo thầy Vũ Hải Nam, 15 câu trắc nghiệm thực hành với các kĩ năng cơ bản như kĩ năng phân tích, nhận xét, xử lí bảng số liệu, biểu đồ, kĩ năng nhận diện biểu đồ, kĩ năng khai thác và dụng Atlat Địa lí Việt Nam.

Học sinh dùng atlat địa lý để che mưa sau buổi thi sáng nay tại Hà Nội. Ảnh: D.H

Các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao cũng được thể hiện rất rõ nét trong đề thi môn này. Với mức độ khó của đề, học sinh thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT quốc gia có thể làm được khoảng 5,5 điểm. Học sinh khá, giỏi có thể đạt trên 8 – 9 điểm.

Về nội dung câu hỏi, thầy Hải Nam ho rằng đề thi bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT, phạm vi phủ rộng khắp các chuyên đề theo đề thi minh họa của Bộ. Nội dung đề thi chia thành 2 phần kiến thức và thực hành kĩ năng Địa lí. Tuy nhiên đề có độ khó cao hơn đề minh họa Bộ đã công bố.

“Đề thi đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kì thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học. Tuy nhiên mức độ khó có tăng hơn so với đề năm 2017” – thầy Nam nhận định.

Với các câu hỏi ở phần cuối mang tính phân hóa, thầy Vũ Hải Nam cho rằng thí sinh bắt buộc phải đọc thật kỹ câu hỏi mới có thể đưa ra được phương án trả lời đúng nhất. Số lượng câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhiều hơn so với đề thi năm 2017.

Các câu hỏi được sắp xếp theo mức độ khó tăng dần, 20 câu đầu phù hợp với các thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT, HS lấy điểm xét đại học cần làm tốt các câu sau. Các câu hỏi cuối đòi hỏi thí sinh cần có tư duy phản biện và hiểu rất rõ bản chất vấn đề. Tuy nhiên, nội dung vẫn không nằm ngoài chương trình thi.

“Nhìn chung, đề có sự phân hóa cao với các đối tượng học sinh theo mục đích xét tuyển. Để đạt điểm trung bình khá dễ song để đạt được điểm tuyệt đối môn Địa và điểm cao sẽ ít hơn năm 2017. Một số đáp án trả lời còn dễ gây nhầm lẫn và khó lựa cho thí sinh” – thầy Vũ Hải Nam nhận xét.

D.H

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/de-dia-ly-nhieu-dap-an-de-gay-nham-lan-post44626.html