Để di sản quan họ Bắc Ninh sống trong cộng đồng

Cách đây 10 năm, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã vinh danh quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhân dịp tỉnh Bắc Ninh tổ chức Festival "Về miền quan họ" Xuân Kỷ Hợi, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Trung, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh về hoạt động bảo tồn, phát huy DSVH độc đáo này.

 Ông Nguyễn Xuân Trung.

Ông Nguyễn Xuân Trung.

Phóng viên (PV): Qua không gian hoạt động của Hội Lim năm nay, nhiều người đánh giá quan họ Bắc Ninh ngày càng có “sức sống”. Ông nghĩ thế nào về nhận định trên?

Ông Nguyễn Xuân Trung: Phải nói một cách khách quan, không chỉ ở Hội Lim mà quan họ Bắc Ninh đã và đang sống trong cộng đồng cư dân Kinh Bắc. Hiện dân ca quan họ Bắc Ninh đang được bảo tồn và phát huy tốt qua các hoạt động ở 4 không gian: Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, trung tâm văn hóa tỉnh, các trường học trên địa bàn và trong cộng đồng dân cư. Tính đến tháng 11-2018, ngoài 44 làng quan họ gốc, toàn tỉnh đã có 369 làng quan họ thực hành với các câu lạc bộ quan họ được duy trì hoạt động đều đặn. Ngoài ra, có 547 lễ hội của tỉnh diễn ra trong năm đều có hát quan họ. Đặc biệt, hoạt động truyền dạy cho thế hệ trẻ được các nghệ nhân quan tâm hơn trước. Tỉnh cũng đã có những cơ chế, đãi ngộ riêng cho các nghệ nhân trong hoạt động này.

Không chỉ trong tỉnh, hiện nay dân ca quan họ Bắc Ninh đã phát triển, lan tỏa đến nhiều địa phương trong cả nước. Riêng tỉnh Bắc Giang ngoài 5 làng quan họ gốc thì đến nay đã có 84 câu lạc bộ quan họ thực hành; trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 17 câu lạc bộ quan họ hoạt động thường xuyên với đông đảo người yêu thích tham gia.

Biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh tại Hội Lim. Ảnh: DUY VĂN.

PV: Nhắc đến chính sách tôn vinh, đãi ngộ dành cho nghệ nhân, địa phương đã quan tâm cụ thể như thế nào đến công tác này, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Trung: Chúng tôi luôn xác định, nghệ nhân là người nắm giữ hồn cốt và gìn giữ, truyền dạy, giúp di sản sống trong cộng đồng. Vì vậy, từ năm 2010, tỉnh Bắc Ninh đã phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh” cho 41 liền anh, liền chị. Năm 2015 có 5 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú loại hình dân ca quan họ Bắc Ninh. Đến năm 2017, có 47 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực DSVH phi vật thể, trong đó có 30 nghệ nhân thuộc loại hình dân ca quan họ. Năm 2018, có 4 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân (trong đó có 3 nghệ nhân thuộc loại hình dân ca quan họ Bắc Ninh) và 18 Nghệ nhân Ưu tú (trong đó có 15 nghệ nhân thuộc loại hình dân ca quan họ Bắc Ninh).

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy định về chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh. Theo đó, các nghệ nhân được hưởng mức trợ cấp hằng tháng bằng một lần mức lương cơ bản, được tỉnh hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm y tế và được hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước...

PV: Thưa ông, bên cạnh sự quan tâm đến các nghệ nhân, địa phương đã có những hoạt động nào để góp phần bảo tồn và phát huy di sản quan họ Bắc Ninh?

Ông Nguyễn Xuân Trung: Ý thức rõ việc để di sản sống trong cộng đồng cần phải thực hiện từng khâu, từng bước, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động triển khai một số giải pháp lớn, như: Tăng cường tuyên truyền quảng bá; hỗ trợ đầu tư tu bổ, xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ bảo tồn và phát huy di sản; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho nghệ nhân trong truyền dạy dân ca quan họ; tổ chức thực hiện chương trình sưu tầm, chỉnh lý quan họ cổ để lưu trữ và quảng bá; sưu tầm các hiện vật liên quan đến sinh hoạt văn hóa quan họ...

PV: Trong quá trình bảo tồn, phát huy di sản quan họ Bắc Ninh, địa phương gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Trung: Quá trình tiến hành các hoạt động bảo tồn, chúng tôi cũng nhận thấy một số khó khăn, bất cập. Trước hết, công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản chưa hiệu quả; chưa tạo được thương hiệu văn hóa của tỉnh gắn với phát triển du lịch. Công tác truyền dạy dân ca quan họ ở cộng đồng được tổ chức song chưa bài bản. Việc truyền dạy dân ca quan họ Bắc Ninh trong trường học chưa thực sự đi vào chiều sâu. Trên thực tế cũng đã xuất hiện tình trạng một số nhóm, cá nhân hát quan họ đã lợi dụng, thương mại hóa ở một số lễ hội hay nhà hàng, khách sạn làm ảnh hưởng đến giá trị, hình ảnh, bản sắc của di sản.

PV: Thưa ông, thời gian tới, địa phương sẽ làm gì để tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đặc sắc này?

Ông Nguyễn Xuân Trung: Tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình bảo tồn, phát huy giá trị quan họ Bắc Ninh mà Việt Nam đã cam kết với UNESCO. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát hiện, sáng tạo những giá trị mới phù hợp với đời sống đương đại, góp phần thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, du khách đến với Bắc Ninh. Các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản quan họ Bắc Ninh sẽ gắn liền với các sản phẩm du lịch để quan họ thể hiện được vai trò trong phát triển du lịch vùng đất Kinh Bắc. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện những thiết chế, không gian văn hóa để phục dựng các hình thức diễn xướng truyền thống, bảo tồn giá trị gốc của DSVH phi vật thể quan họ Bắc Ninh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DUY VĂN (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/de-di-san-quan-ho-bac-ninh-song-trong-cong-dong-567473