Để Đất Tổ hội nhập và đi lên

Đó là niềm tin và cũng là lời khẳng định của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ - nơi đất Tổ Vua Hùng với 'rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt' trước những vận hội mới trong phát triển để cùng cả nước vì cả nước đi lên trong tiến trình hội nhập.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết Nghị quyết 37 tại Phú Thọ

Đồng chí Nguyễn Văn Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết Nghị quyết 37 tại Phú Thọ

Câu chuyện 15 năm

Nếu như so với cả chiều dài nghìn năm trên mảnh đất Phú Thọ thì giai đoạn 15 năm trở lại đây dường như chỉ là một khoảnh khắc hết sức ngắn ngủi tựa như cái chớp mắt của dòng thời gian. Nhưng nó đã cho thấy những sự lan tỏa của những vận hội mới cùng những sự khai mở trong phát triển của tỉnh từ khi có Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX (NQ37) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.

Đúng như khẳng định của đồng chí Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước. Xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vững mạnh toàn diện là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng báo cáo tại hội nghị

Trong khung cảnh và không gian phát triển đó, bộ mặt kinh tế của Phú Thọ giữ được ổn định và phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004 - 2018 đạt 8,77%; quy mô GRDP (giá hiện hành) tăng từ 8.183,5 tỷ đồng năm 2004 lên đến 57.351,7 tỷ đồng năm 2018; GRDP bình quân đầu người tăng 6,5 lần, từ 6,3 triệu đồng năm 2004 lên 40,8 triệu đồng năm 2018.

Đặc biệt kể từ khi có NQ 37, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp định hướng phát triển của tỉnh; đến năm 2018 tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng 37,86%, dịch vụ 40,54%, nông lâm nghiệp, thủy sản 21,6%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2004-2018 đạt 174,4 nghìn tỷ đồng; tốc độ thu ngân sách bình quân tăng trên 17%, năm 2018 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.273,4 tỷ đồng.

“So với các tiêu chí phát triển, hiện Phú Thọ xếp thứ 2/14 tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ”, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang khẳng định.

Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, tổ chức ngày 23/7/2019 tại Phú Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của tỉnh trong thực hiện NQ 37. Điển hình là các chỉ tiêu đề ra cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết, góp phần thay đổi thực chất bộ mặt đô thị và nông thôn trên mọi mặt; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng Phú Thọ trở thành vùng đất bình yên, đáng sống, được coi là giá trị quan trọng của sự phát triển.

“Phú Thọ có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội hơn so với các tỉnh trong vùng do tỉnh có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Tới đây Phú Thọ phải xác định xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội - y tế - giáo dục… của cả vùng trung du miền núi Bắc Bộ, phát triển xứng với vị thế đất Tổ”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chỉ rõ.

Định hình cho lộ trình tới năm 2045

Những thành tựu của chặng đường 15 năm qua cùng những bài học cả thành công lẫn chưa thành công đã tạo thế vững chắc cho Phú Thọ trong lộ trình đi tới năm 2030, và dài hơn là tới mốc 2045 khi tròn 100 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trọng tâm của lộ trình đó là Phú Thọ cần khai thác và phát huy các lợi thế so sánh của tỉnh với vị trí trung tâm của vùng với khả năng kết nối thuận lợi với Hà Nội và các địa phương khác trong vùng; hạ tầng giao thông tốt; truyền thống văn hóa đặc sắc… để xây dựng tỉnh trở thành trung tâm và động lực lan tỏa trong sự phát triển của vùng.

Những bài học thành công như nguồn nhân lực dồi dào; nhiều dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm quy mô lớn của quốc gia, của tỉnh nhất là các công trình giao thông đối ngoại cơ bản đã được hoàn thiện; hạ tầng các khu công nghiệp đang được tích cực triển khai xây dựng giúp tỉnh cải thiện vị trí địa kinh tế, khai thác có hiệu quả hơn các tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư được lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương nêu lên tại diễn đàn hội nghị để cụ thể hóa mục tiêu trở thành trung tâm và động lực lan tỏa trong sự phát triển của vùng.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần tích cực nhưng thận trọng, không được nóng vội. Trước mắt tập trung phát triển công nghiệp chế biến gỗ, các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng. Cần nghiên cứu quỹ đất để dành cơ hội cho các nhà đầu tư tốt, phù hợp với chiến lược đã đề ra; hướng tới thu hút các doanh nghiệp có quy mô, công nghệ cao, sử dụng nguồn nhân lực, thân thiện với môi trường…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ những tầm nhìn kinh tế của tỉnh Phú Thọ tại hội nghị

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công, mục tiêu đưa Phú Thọ trở thành một trung tâm logistics quy mô như chỉ đạo của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình là hoàn toàn hiện thực bởi Phú Thọ là một trong những tỉnh thuận lợi nhất để kết nối với thủ đô và một số tỉnh khác. Riêng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã có 5 nút giao với Phú Thọ, điều này là rất quan trọng trong bối cảnh phát triển của Phú Thọ hiện đã hội đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Đi xa hơn, Thứ trưởng Đặng Hoàng An còn hy vọng vào một cuộc “dịch chuyển” làn sóng công nghiệp từ Vĩnh Phúc chuyển tới Phú Thọ.

Trận địa nông nghiệp cũng vẫn được xem là một điểm tựa cho phát triển của Phú Thọ thời gian tới bởi như ngay chính lãnh đạo tỉnh nhìn nhận, thành tích là một chuyện nhưng tới đây phải có tư duy mới, cách nghĩ mới, cách làm mới. Theo Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình, về sản xuất nông nghiệp, tỉnh cần tiếp tục chiến lược phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, tận dụng lợi thế nằm trong vùng thủ đô; chuyển đổi rừng từ ngắn ngày sang trồng gỗ lớn; phát triển các loại cây ăn quả có lợi thế; nghiên cứu các giống mới cho chất lượng và phù hợp hơn với thị trường để nâng cao giá trị gia tăng; chăn nuôi cần chuyển sang mô hình trang trại quy mô lớn…

Từ gợi mở đó, điểm tựa cho sức bật mới cho Phú Thọ trong nông nghiệp được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh chỉ ra là bình quân liên tục 5 năm đạt tăng trưởng ngành là 5,18%, “Nông nghiệp như thế là rất cao, gấp đôi bình quân của cả nước, liên tục như thế trong vòng 5 năm”, ông Doanh nhận xét. Thời gian tới Phú Thọ phải kết hợp với đầu tư nhà máy chế biến sâu hơn để cho giá trị sản phẩm đầu ra có giá trị cao hơn. Cùng với đó, như cam kết của các Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn sẽ hỗ trợ tỉnh về xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường cho sản phẩm nông nghiệp cùng nhiều cơ chế tài chính quan trọng khác.

Nhà thơ Tố Hữu cách đây hơn 6 thập kỷ đã chạm khắc những thương hiệu văn hóa - du lịch của Phú Thọ bằng những câu thơ: “Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt/Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát/Chuyến phà dào dạt, bến nước Bình Ca”. Tới tận hôm nay và mãi cả mai sau, văn hóa và du lịch vẫn là một tâm điểm trong phát triển của Phú Thọ. Nói như Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải ngay tại hội nghị ngày 23/7/2019, mục tiêu phát triển vùng đất Tổ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất này vẫn được được xem là đặc biệt quan trọng. Do vậy mục tiêu xây dựng hình ảnh du lịch ở Phú Thọ thân thiện, an toàn, mến khách, văn minh chính là định hướng cần được tỉnh hết sức quan tâm. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng không quên chia sẻ, di sản lịch sử, câu chuyện lịch sử của Phú Thọ nếu khéo kết nối sẽ rất hay. “Chúng ta chưa biết cách bám câu chuyện, bám truyền thuyết mà chỉ là cảnh quan. Nếu ta thiết kế tốt câu chuyện truyền thuyết thì sẽ thu hút du lịch rất lớn”, Thứ trưởng An nhìn nhận.

Toàn cảnh hội nghị

Chặng đường nghề nghiệp đã cho chúng tôi cơ hội nhiều lần lên với Phú Thọ trong hành trình về Đất Tổ. Bởi vậy chúng tôi tin tưởng vào phát biểu của Bí thư Phú Thọ Bùi Minh Châu trong khẳng định trong thời gian tới, Phú Thọ sẽ tiếp tục phát huy sự chủ động của toàn hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong tỉnh để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội xây dựng quê hương đất Tổ ngày càng giàu mạnh. “Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quan tâm phát triển các thành phần kinh tế trong đó có kinh tế tư nhân, phát huy lợi thế để thu hút đầu tư nhằm xây dựng tỉnh thành trung tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng của Phú Thọ…..”, Bí thư Châu nói.

Các kết quả hội nghị tổng kết lần này sẽ đóng góp quan trọng vào việc xây dựng văn kiện đại hội Đảng bộ của tỉnh Phú Thọ thời gian tới, đồng thời góp phần xây dựng một nghị quyết mới của Bộ Chính trị cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tỉnh Phú Thọ có vị trí trung tâm của Vùng trung du miền núi Bắc Bộ, có nhiều tuyến giao thông quốc gia chạy qua kết nối giữa các tỉnh trong vùng, đặc biệt nằm trên hành lang kinh tế “Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh”; đồng thời, được quy hoạch trong phát triển Vùng Thủ đô nên có nhiều điều kiện, cơ hội mới để tăng cường hợp tác, liên kết phát triển cả về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-dat-to-hoi-nhap-va-di-len-122789.html