Để đào rừng khoe sắc giữa núi non kỳ vỹ

'Ngày xưa bà con người Mông rất yêu đào và không chặt đào. Đào rừng cứ hồn nhiên sinh sôi nảy nở, bung hoa rực cả cánh rừng, trên sườn núi tạo cảnh sắc nên thơ. Chúng tôi ngắm mãi không biết mỏi con mắt. Nhưng giờ đây, cảnh sắc ấy đã không còn nhiều. Họ 'cắt chân, cắt tay' của đào rừng chở về xuôi khiến chúng tôi 'xót cái bụng' lắm'- bà Giàng A Luyến ngậm ngùi.

Hoa đào Tây Bắc làm say lòng người.

Hoa đào Tây Bắc làm say lòng người.

Sẽ không còn những cành đào rừng “rỉ máu”

Phát biểu tại hội nghị của ngành nông nghiệp chiều 24/12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết. Hôm nay, tôi tuyên bố, ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm".

Thủ tướng dẫn chứng, ngày Tết, đi trên các bờ đê, đường phố sẽ thấy nhiều cây đào rừng đẹp bị chặt mang về bày la liệt, bán không được thì làm củi. "Như vậy làm sao còn một nông thôn, miền núi với những cánh rừng đẹp. Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi chơi Tết", Thủ tướng yêu cầu. Trước thông tin này, nhiều người dân đồng tình ủng hộ quyết định này.

Những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hoa ban, hoa mơ, hoa đào núi rừng Tây Bắc là những cảnh đẹp rất nên thơ, thu hút nhiều khách du lịch, tạo cảnh quan thiên nhiên rất kỳ vĩ.

Tuy nhiên vài năm trở lại đây số lượng đào rừng ở Tây Bắc giảm sút nghiêm trọng. Trên các bản làng vẫn còn in dấu vết những gốc đào bị đốn hạ. “rỉ máu”, trơ gốc. Việc tàn phá đào rừng, xuất phát từ thú chơi “ngông” của một số “đại gia” và do người dân miền núi còn khó khăn nên sẵn sàng cùng dân buôn trèo đèo lội suối vào rừng sâu, lên núi cao săn đào. Đội quân buôn đào thậm chí còn cưa cả cây lớn, sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng thuê trai bản đào.

Đào rừng được khá nhiều người dân yêu thích bởi độ độc lạ, dáng và sắc hoa cũng rất bắt mắt. Cánh hoa đào vùng Tây Bắc cánh rất to, có 6 cánh, không như đào miền xuôi. Do trồng ở vùng tự nhiên, nên cành, thân rất đẹp.

Những năm trước đây, dọc quốc lộ 6 đoạn qua địa phận tỉnh Sơn La những ngày cận Tết Nguyên đán, không khó để bắt gặp những chuyến xe hối hả, tấp nập vận chuyển đào của những người đàn ông bản địa dọc các trục đường lớn ra các chợ đào dọc đường quốc lộ. Tại đây, có từ 3 - 4 chiếc ô tô tải chầu chực thu mua đào rừng chở xuống các tỉnh miền xuôi như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định phục vụ người dân trong dịp Tết. Có người phải bỏ ra tới cả dăm, bảy triệu đồng, thậm chí hơn chục triệu đồng mới được sở hữu một cành đào rừng đẹp.

Theo một số người bán đào, cành đào càng cổ, dáng đẹp, có nhiều rêu phong thì càng thu hút người mua và được giá cao. Chính vì vậy, có những cây đào hàng chục năm tuổi được người dân vào rừng sâu săn lùng, có cây bị chặt tận gốc, thậm chí đào cả rễ.

Bà Giàng A Luyến, 65 tuổi, dân tộc Mông bồi hồi nhớ lại. Ngày xưa, mỗi khi mùa xuân về, khắp vùng Tây Bắc tràn ngập sắc thắm đào phai. Những thân đào cổ thụ, bà con hay gọi là đào mốc sống ở các triền núi. Quanh năm phơi mình trong gió sương, nên thân cây sù sì, mốc thếch, địa y mọc trùm khắp thân, cành. Người Mông gọi loài hoa này là cụ đào hoặc cội đào cổ thụ. Có "cụ" đào tuổi thọ vài trăm năm. Chúng tồn tại ở rừng như một chứng tích về một vùng đất trù phú và tươi tốt.

Theo bà A Luyến, ngày xưa bà con người Mông rất yêu đào và không chặt đào. Vì thế, đào rừng cứ hồn nhiên sinh sôi nảy nở, bung hoa cả cánh rừng, trên sườn núi tạo cảnh sắc nên thơ, hữu tình không gì sánh được. Bà Lù A Luyến ngậm ngùi: “Nhưng giờ đây, cảnh sắc ấy đã không còn nhiều. Họ “cắt chân, cắt tay” của đào rừng chở về xuôi khiến chúng tôi “xót cái bụng” lắm.

Trước đây, do nằm ở độ cao trên 1.200m, mây mù bao phủ quanh năm nên xã Háng Đồng, Hang Chú, Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) từng được mệnh danh là thủ phủ của những gốc đào rừng cổ thụ rêu mốc xù xì bám đầy thân. Tuy nhiên do người dân khai thác, chặt phá quá nhiều nên những nơi từng có đào cổ thụ chỉ còn lại trong ký ức của những già làng dân tộc Mông nơi đây. Bây giờ muốn tìm được những cây hay cành đào cổ thụ sống trong rừng sâu có giá trị cao rất khó.

Bà con vui vì có thể bán đào trồng, thêm thu nhập ngày Tết

GS TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, ông rất xót xa khi khi đào rừng bị chặt hạ ùn ùn về phố dịp Tết, gây hoang phí, trong đó có nhiều cành gốc bằng bắp tay, bắp chân, phải mất mấy chục năm mới mọc lại.

GS Chứ cho rằng, để triển khai được chủ trương trên của Thủ tướng, các cơ quan quản lý, phổ biến chủ trương trên, truyền thông xuống tận các thôn bản để họ có ý thức bảo vệ cây đào đó, ngăn chặn việc chặt đào rừng. Biện pháp căn cơ, chính là để người dân lấy cây đào, vườn đào đó có thể thu hút, cho khách tham quan, người dân có thu nhập để đảm bảo sinh kế. Ngoài ra, cần phải có sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương, quản lý thị trường, lực lượng công an chứ không phải chỉ là việc của lực lượng kiểm lâm.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích về chỉ đạo của Thủ tướng cấm chặt đào rừng chơi Tết. Theo đó, chỉ đạo của Thủ tướng nhằm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi Tết. "Còn người dân miền núi hay miền xuôi trồng được đào để bán dịp Tết thì cần khuyến khích, vì vừa để người dân có cây đẹp chơi Tết, vừa góp phần tăng thu nhập cho người trồng", ông Dũng nói và cho rằng việc nghiêm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên không khó, chỉ cần các địa phương, bộ ngành vào cuộc nghiêm túc sẽ có hiệu quả.

Trước sự chỉ đạo này, bà con dân tộc vô cùng mừng rỡ. Bởi, đây cũng là cơ hội để bà con dân tộc bán đào trồng ở vườn tăng thu nhập, đón một cái Tết no ấm. Ở xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, Sơn La) có rất nhiều hộ dân trồng đào. Cả nghìn hộ dân nơi đây, không ai bảo ai đã biết biến những diện tích đất khô cằn thành vườn đào tươi tốt. Bà con người Mông đã hiểu cái giá phải trả khi tàn sát rừng không thương tiếc. Bất cứ một gia đình người Mông nào ở Lóng Luông cũng có vườn đào. Tán đào lấp ló bên bờ rào đá là "đặc sản" của vùng sơn cước này.

Hiện ở cao nguyên Mộc Châu có rất nhiều giống đào khác nhau được trồng ở khắp các xã như: Đào bích, đào mèo, đào Pháp, đào Mỹ, đào phai…. Bà con trồng đào để làm đẹp vườn nhà, làm đẹp núi rừng và cũng là cách tăng thêm kinh tế đón xuân.

Ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục trưởng Kiểm Lâm tỉnh Sơn La. Nhiều năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Sơn La có rất nhiều nương rẫy trồng đào, có những nương trồng từ 5.000m2 – 7.000m2 đào. Đối với các loại cây đào này lực lượng kiểm lâm không thể cấm được, người dân tự trồng khi có sản phẩm thì họ khai thác bán, đó là quyền của người dân theo đúng tinh thần thông tư 27. Đối với cây đào rừng và đào trồng kiểm lâm như chúng tôi phân biệt rất là rõ, không có gì khó khăn. Cây đào phai có đặc điểm là cành xum xuê hơn, hoa nhiều hơn, hình dáng khác đào rừng. Còn đào rừng có vỏ cây mỏng, cành đào không đẹp, hoa chỉ nở lác đác không được thơm và nở đều. Hầu như ngày Tết người dân trên Sơn La chỉ muốn chơi đào phai là nhiều và một số giống đào như trên Tây Bắc gọi là đào mèo, những cành đào đó nhìn rất đẹp".

Ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông cho biết thêm: "Theo hướng dẫn của huyện, các xã có diện tích trồng đào làm kinh tế sẽ viết kiến nghị lên huyện để từ đó huyện báo cáo lên tỉnh, lên Trung ương. Nếu không phân biệt rõ đào rừng là đào mọc tự nhiên trong rừng, khác cây đào do người dân trồng trên nương rẫy thì hàng trăm ha đào sẽ không được bán vào vụ Tết này. Chúng tôi kiến nghị địa phương xác nhận nguồn gốc cây trồng, chỉ dẫn địa lý, các hộ dân kê khai nhà trồng bao nhiêu gốc, trồng tại đâu, thời gian trồng… để được khai thác đào giống như các cây lâu năm làm kinh tế".

Việc cấm chặt phá, mua bán đào rừng, nếu chính quyền vào cuộc sát sao, tuyên truyền vận động người dân không chặt phá bừa bãi, người dân nâng cao nhận thức và từ bỏ thói quen chơi đào rừng ngày Tết, chắc chắn những cây đào rừng sẽ được bảo vệ, tỏa sắc làm đẹp cho núi rừng thơ mộng.

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, hành vi khai thác lâm sản trong rừng không được phép của cơ quan có thẩm quyền, bị xử phạt như sau: tùy thuộc vào diện tích đào rừng bị chặt, loại gỗ, loại rừng khai thác mà người chặt đào rừng có mức phạt khác nhau. Nhưng mức phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng. Trong khi đó, đối với các hành vi chặt đào rừng nhỏ, lẻ, tự phát thì mức phạt tối thiểu là 500.000 đồng. Điều 243 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về Tội hủy hoại rừng: Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng có thể phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoăc phạt tù tù 1 năm đến 5 năm. Hành vi tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật sẽ bị xử phạt theo Điều 23 Nghị định 35/2019. Vì vậy, khi mua đào rừng chơi Tết, người mua có thể bị phạt ở mức từ 5 - 15 triệu đồng.

Bảo Châu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/de-dao-rung-khoe-sac-giua-nui-non-ky-vy-566768.html