Để danh thơm còn mãi

Mỗi khóa Quốc hội 5 năm với 11 kỳ họp, mỗi kỳ kéo dài trên dưới một tháng. Có những vị đại biểu chỉ một nhiệm kỳ, cũng có những vị gắn với nghị trường 3-4 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, dấu ấn không phải ở thời gian bao lâu, mấy nhiệm kỳ mà quan trọng là vị đại biểu đó lưu lại những gì trong lòng cử tri…

Thấm thoắt, Quốc hội khóa XIV khép lại với kỳ họp cuối cùng. Chia tay với vị trí đại biểu dân cử, với những phiên chất vấn, thảo luận sống động ở nghị trường, cảm xúc ấy thật luyến lưu, thật khác với các vị trí hành chính. Gặp mặt đại biểu Quốc hội ngày cuối tháng ba, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, nhiệm kỳ qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn, biến động nhưng với tâm thế khát khao đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, các đại biểu Quốc hội đã đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, cải tiến nội dung, phương thức hoạt động để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đặt ra, tạo nên một nhiệm kỳ thành công của Quốc hội.

Những thành tựu và dấu ấn đậm nét về hoạt động của Quốc hội trên các phương diện lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước cũng như trong hoạt động đối ngoại được in sâu trong mỗi đại biểu và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước.

“Nhìn lại chặng đường đã qua, mặc dù chúng ta đã tận tâm, cố gắng hết sức, đồng hành, gắn kết, lắng nghe, sẻ chia, phát huy trí tuệ, bám sát thực tiễn, nhưng có thể vẫn còn những trăn trở, những vấn đề chưa trọn vẹn, những việc chưa đạt được kết quả như mong muốn, xin gửi gắm lại Quốc hội khóa sau tiếp nối, gánh vác để giúp chúng tôi hoàn thành tâm nguyện. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc, trong số chúng ta ở đây, có những vị đại biểu sẽ tái cử và có những vị không tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, nhưng tôi tin rằng, ở bất cứ cương vị, vai trò nào, chúng ta cũng sẽ tiếp tục giữ vững phẩm chất tốt đẹp, danh hiệu cao quý của Người đại biểu nhân dân, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước” – nữ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV chia sẻ.

Một phiên họp tại Kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIV.

Một phiên họp tại Kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIV.

Theo bà, trải qua một nhiệm kỳ đáng nhớ, giờ đây nhìn lại, chắc chắn mỗi đại biểu Quốc hội đều cảm thấy xúc động, vui mừng và tự hào với những thành quả đạt được cũng như sự ghi nhận, đánh giá cao của cử tri và nhân dân. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp tâm huyết, tích cực của các đại biểu Quốc hội trong những năm tháng thực hiện nhiệm vụ người đại biểu của dân.

Nói đến nghị trường, cử tri nhớ đến những phiên thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, những phiên chất vấn sống động, trách nhiệm. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dùng từ “tư lệnh” để chỉ vai trò, trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội. Đây là những chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn nên trước Quốc hội thì bộ trưởng, trưởng ngành phải là người chịu trách nhiệm chứ không có việc “ủy quyền” hay giải thích trách nhiệm của người khác, của cơ quan, ban, ngành khác. Khái niệm “tư lệnh” trong hoạt động chất vấn cũng được định hình từ đó. Ông chính là người tạo dấu ấn nổi bật trong hoạt động nghị trường, đặc biệt với vai trò “cầm trịch”, điều hành chất vấn, trả lời chất vấn và nhiều câu chuyện sâu sắc tới nay còn được lưu truyền, được những khóa đại biểu tiếp theo để tâm, học hỏi.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc, trong số chúng ta ở đây, có những vị đại biểu sẽ tái cử và có những vị không tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội nhưng tôi tin rằng, ở bất cứ cương vị, vai trò nào, chúng ta cũng sẽ tiếp tục giữ vững phẩm chất tốt đẹp, danh hiệu cao quý của Người đại biểu nhân dân, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”…

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi gặp mặt đại biểu Quốc hội khóa XIV

Với những kinh nghiệm tích lũy qua các khóa, hiện nay hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tiếp tục được phát huy và luôn trở thành “hạt nhân” trong hoạt động Quốc hội, được cử tri, nhân dân chờ đợi mỗi khi Quốc hội khai màn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII) thường lưu ý các đại biểu hỏi và bộ trưởng trả lời rằng, cách đặt vấn đề phải rõ, gọn còn người trả lời cũng phải cụ thể, đi vào thực chất. Đặc biệt, dù hỏi và trả lời nội dung nào thì cũng phải trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung của đất nước, xã hội chứ không “gài” vấn đề cá nhân.

Nhiệm kỳ khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thể hiện dấu ấn đậm nét về dũng khí của “người cầm trịch” qua các phiên thảo luận và chất vấn tại nghị trường. Chuyện con gà cõng 14 loại phí được đại biểu nêu ra và trở thành đề tài bàn luận sôi động nhiều ngày sau đó. Tại nghị trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không thể cho rằng chuyện con gà là chuyện nhỏ, đây là vấn đề lớn liên quan đời sống người nông dân cũng như thể hiện nền hành chính đất nước. Người nông dân, nền nông nghiệp sản xuất, chăn nuôi mà những thứ phí, lệ phí chồng chất như vậy thì không thể phát triển được.

Ông yêu cầu Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phải giải quyết, dẹp bỏ ngay những loại phí không cần thiết và phải hứa ngay trước Quốc hội thời hạn giải quyết chứ không chỉ là chuyện hứa chung chung. Với động thái mạnh mẽ, dứt khoát như vậy, việc ấy được hai bộ cam kết ngay tại phiên chất vấn và giải quyết sau đó.

Quốc hội khóa XIV ghi dấu ấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong điều hành thảo luận, chất vấn. Nếu như trước đây, việc hỏi kéo dài, nhiều người hỏi để bộ trưởng “gom” nội dung trả lời khiến nội dung dàn trải, không khí nhiều lúc tẻ nhạt thì nay đã khác. Mỗi lượt chất vấn chỉ có từ 3-5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu hỏi trong 1 phút và bộ trưởng trả lời không quá 3 phút cho một nội dung chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu nêu câu hỏi ngắn gọn, đúng phạm vi chất vấn vào các nhóm chuyên đề đã được thống nhất. Cử tri ấn tượng với nữ Chủ tịch Quốc hội trong cách điều hành linh hoạt mà trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát nhưng không kém phần uyển chuyển để “giải nhiệt” những “điểm nóng” gay cấn trong hỏi và đáp giữa bộ trưởng và đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chất vấn tại nghị trường.

Tại nghị trường, sự lan tỏa trong cử tri, nhân dân chính ở những phát biểu, chất vấn mang khí chất, bản lĩnh. Đại biểu Nguyễn Quốc Thước đã rời nghị trường hai chục năm rồi nhưng tên tuổi và những dấu ấn của ông trong suốt 3 nhiệm kỳ Quốc hội (khóa VIII, IX, X) vẫn còn lưu. Ông nổi tiếng với những phát biểu, chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm, nhiều khi đó là sự đụng chạm mà nhiều đại biểu khác biết nhưng không nói.

Về điều này, khi chia sẻ với báo chí, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, là đại biểu của dân thì phải nói được ý dân và dù nói theo góc độ nào thì cũng trên tinh thần xây dựng chứ không có nghĩa nói đụng chạm là “chọc phá”, là khích bác ai đó. Còn với đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, 3 nhiệm kỳ là đại biểu của dân, lại với đặc tính làm công tác đối ngoại, ông vừa chất vấn thẳng, rõ trách nhiệm nhưng trong cách dùng từ ngữ của ông cũng luôn phù hợp bối cảnh, sâu sắc, trực diện mà không khiến người bị chất vấn mất lòng. Ông quan niệm, để làm tốt trọng trách, đại biểu phải có tâm và tầm. Tâm thể hiện ở chỗ đứng về phía cái đúng và dám bảo vệ nó, dám tranh luận, chất vấn. Còn về tầm, đại biểu phải khẳng định được vị thế theo chức năng, nhiệm vụ.

Cũng gắn bó với nghị trường Quốc hội tới 3 nhiệm kỳ, GS, TS Nguyễn Lân Dũng thể hiện ở dấu ấn “phát biểu hăng”. Khi nói về điều này, GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định, khi chất vấn, ông phải hỏi cho ra nhẽ nếu câu trả lời trước đó chưa thỏa mãn, chưa đúng sự chờ đợi. “Tôi thẳng thắn bảo vệ cái đúng, lẽ phải chứ không có phe phái gì cả, chất vấn xét theo góc độ nào cũng nhằm thực hiện cái chung, vì lợi ích chung” – GS bày tỏ.

Còn rất nhiều vị đại biểu khác ở các nhiệm kỳ gây dấu ấn với báo chí, với cử tri, nhân dân như: đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), Đỗ Văn Cuông (Thanh Hóa), Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang), Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Bùi Thị An (Hà Nội), Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), K’so Bơ Khắp (Gia Lai)… Họ là những đại biểu mà dù nhiệm kỳ hoạt động ở Quốc hội đã hay sẽ kết thúc thì những cái tên đó cũng luôn được cử tri quý trọng và nhớ mãi.

Đăng Trường

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/db-de-danh-thom-con-mai-638765/