Để dân không thấy CSGT cũng biết sợ

Thay vì bố trí nhân lực, chúng ta có thể ứng dụng thiết bị giám sát như camera để phạt nguội vi phạm.

Tại các nút giao thông khi không có CSGT, vi phạm diễn ra khá phổ biến

Tại các nút giao thông khi không có CSGT, vi phạm diễn ra khá phổ biến

Trên thực tế, rất khó có đủ nguồn lực để duy trì hoạt động kiểm soát nồng độ cồn như đợt cao điểm vừa qua. Vì thế, quan trọng nhất là phải kiên trì tuyên truyền, truyền thông làm sao để cho người tham gia giao thông nhận thấy họ có thể bị xử phạt bất cứ khi nào nếu vi phạm.

Đồng thời duy trì hoạt động kiểm soát xử lý vi phạm ở mức độ thường xuyên, liên tục và ngẫu nhiên.

Có thể nói, hiện đại hóa trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm là xu hướng tất yếu khách quan sẽ diễn ra, nhưng cần có lộ trình cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Tại các nút giao thông khi không có CSGT, vi phạm diễn ra khá phổ biến. Ngược lại khi có bóng dáng của lực lượng chức năng, ý thức tuân thủ của người dân trở nên rất tốt. Thay vì bố trí nhân lực ở tất cả các nơi ở các khung giờ (điều rất khó có thể thực hiện), chúng ta có thể ứng dụng thiết bị giám sát như camera để phạt nguội vi phạm. Cách đây vài năm tại Hà Nội, xe taxi vượt đèn đỏ, lấn làn đi ngược chiều diễn ra thường xuyên nhưng kể từ khi có hệ thống camera phạt nguội thì các hành vi này gần như không còn nữa.

Các nền tảng để xử phạt nguội đối với xe kinh doanh vận tải hiện đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhưng đối với xe cá nhân đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có vấn đề quản lý chính chủ, trách nhiệm của chủ sở hữu, quy định về người sở hữu và người sử dụng phương tiện; quy định về cập nhật địa chỉ, địa chỉ gửi thông báo vi phạm, thông tin bảo hiểm..., không chỉ đối với xe ô tô cá nhân mà còn với cả xe máy. Khi các vấn đề này còn bất cập thì dù chúng ta có lắp đặt thêm camera thì việc ứng dụng khoa học công nghệ giám sát xử phạt nguội sẽ vẫn gặp khó khăn.

Camera chỉ là công cụ thu thập thông tin, từ thông tin này lưu trữ, chia sẻ thế nào để quyết định xử phạt nguội khi ban hành phải tới được đối tượng vi phạm? Hoặc khi đối tượng không chấp hành quyết định xử phạt nguội lần 1, lần 2 ...thì tổ chức cưỡng chế thực thi ra sao?... Tất cả các quy định liên quan tới các khâu này đều phải được hoàn thiện để đủ căn cứ pháp lý thì phạt nguội mới hiệu quả, việc ứng dụng công nghệ mới phát huy tối đa tác dụng.

Để nâng cao hiệu quả của nghị định, cần hình thành hệ dữ liệu về vi phạm trật tự ATGT của từng cá nhân để quản lý và chia sẻ với các cơ quan liên quan phối hợp quản lý. Dữ liệu này sẽ lưu trữ tất cả những vi phạm, ngoài TNGT còn phải có các vi phạm ATGT khác như dừng đỗ xe trái phép, vượt đèn đỏ, lấn làn...

Như vậy chúng ta sẽ có lịch sử lái xe của từng cá nhân thay vì như hiện nay cứ nộp phạt xong, không có tác dụng giáo dục, răn đe. Nếu hồ sơ đó được quản lý theo hướng, lần đầu xử phạt nhẹ nhưng nếu tái phạm là cố tình vi phạm sẽ tăng mức phạt cao hơn lần đầu nhiều lần, tác dụng răn đe giáo dục sẽ rất cao.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ cần tiếp tục nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể cho Điều 260, Khoản 4, Bộ luật Hình sự, qua đó khai thông việc xử lý hình sự với những vi phạm về nồng độ cồn, ma túy đặc biệt nghiêm trọng khi lái xe kể cả khi chưa gây hậu quả; tăng mức xử phạt về hành chính lưu trữ và phạt lũy tiến với tái phạm. Đồng thời đa dạng hóa hình thức xử lý với vi phạm này (bổ sung loại hình lao động công ích) và tăng mức bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới...

Tôi cho rằng đây là những bước đi cần thiết để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xử lý vi phạm nghiêm trọng về TTATGT.

TS. Trần Hữu Minh - Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-dan-khong-thay-csgt-cung-biet-so-d455070.html