Dễ dãi dùng thuốc: Hậu họa khôn lường!

Với việc dễ dãi trong sử dụng thuốc của người dân hiện nay, nhiều chuyên gia cảnh bảo việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe con người.

Do lạm dụng kháng sinh và thiếu hiểu biết song không đưa trẻ đi thăm khám, nhiều bậc phụ huynh khi trẻ bị tiêu chảy lại cho uống kháng sinh.

Dễ dàng mua và sử dụng kháng sinh đang là thực tế khiến các cơ quan quản lý "đau đầu".

Dễ dàng mua và sử dụng kháng sinh đang là thực tế khiến các cơ quan quản lý "đau đầu".

Các chuyên gia y tế cảnh báo, khi sử dụng kháng sinh với trẻ bị tiêu chảy do vi rút không chỉ làm cho trẻ mệt mỏi hơn mà hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ cũng bị rối loạn nghiêm trọng. Do đó khiến trẻ càng tiêu chảy nặng hơn và có thể về lâu dài trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, ăn khó tiêu hoặc lười ăn, trẻ cũng dễ bị nhiễm các bệnh lý đường ruột khác...

Nhiều trường hợp các bậc phụ huynh khi thấy con ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi đã tự ý mua và cho trẻ sử dụng kháng sinh.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, có trẻ mới chỉ 2- 3 tuổi, bị viêm phổi nhưng khi đến viện đã các bác sỹ khi phải dùng đến kháng sinh thế hệ 2, 3 (loại mạnh) mới khỏi.

Theo chuyên gia này, đây là hậu quả của việc nhiều cha mẹ cứ thấy con có biểu hiệu ốm là đến ngay cửa hàng thuốc, nhờ nhân viên tư vấn, rồi mua thuốc, bất kể đó là thuốc gì. Khi tự ý điều trị như vậy không những không điều trị đúng bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ mà còn làm tăng chi phí điều trị.

Không chỉ lạm dụng kháng sinh, việc sử dụng tùy tiện các loại thuốc thông thường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Vừa qua, Bệnh viện Nhi trung ương đã điều trị cho bệnh nhi T.V.D. (2 tuổi ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) bị suy gan, sau khi ngộ độc thuốc hạ sốt paracetamol. Trước khi nhập viện, gia đình đã cho bé uống paracetamol 4 viên/ngày để hạ sốt và sau 4 ngày, bé đã bị ngộ độc thuốc.

Bác sỹ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, ngộ độc paracetamol không phải là hiếm gặp. Bệnh viện Nhi trung ương từng tiếp nhận nhiều trường hợp nặng, thậm chí đã có trẻ tử vong.

"Mặc dù paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt khá an toàn, nhưng khi sử dụng cần có chỉ định của bác sỹ, vì nếu dùng quá liều sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cứ thấy con ốm là tự ý mua thuốc cho sử dụng và không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng", bác sỹ Duy nói.

Trước thực tế nêu trên, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, việc mua, bán thuốc không cần đơn vẫn là vấn nạn, chưa giải quyết được triệt để.

Phó giám đốc Sở Y tế khẳng định, theo quy định, bán lẻ thuốc mà không có đơn là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế do số lượng nhà thuốc quá lớn, trong khi lực lượng quản lý còn mỏng. Hơn nữa, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Chẳng hạn, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc chỉ bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng... Chính vì vậy, khi bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, các nhà thuốc sẵn sàng nộp phạt và sau đó lại tái phạm.

Để đưa hoạt động mua, bán thuốc vào nền nếp, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện Sở đang phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết nối liên thông tại nhà thuốc, quầy thuốc.

"Qua kiểm tra, nếu phát hiện nhà thuốc nào không kết nối mạng và bán thuốc không có đơn thuốc sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; đồng thời, các nhà thuốc phải lưu giữ thông tin về đơn thuốc và dữ liệu bệnh nhân để truy xuất khi cần thiết", Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.

Về phía người dân, bác sỹ Dũng khuyến cáo, khi có bệnh, cần phải đi khám và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý đi mua thuốc uống, không được bỏ thuốc giữa chừng hoặc thêm thuốc, thay thuốc khi chưa báo cho bác sĩ điều trị. Không uống thuốc kháng sinh theo đơn của người khác, không sử dụng thuốc quá hạn sử dụng hoặc đã bóc, mở lâu ngày.

Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, mỗi gia đình nên xây dựng cho mình một chế độ ăn sử dụng những “kháng sinh thiên nhiên” như tỏi (chữa ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn), men vi sinh và sữa chua, ớt tươi, củ nghệ, các loài hành, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, tập luyện thể thao hợp lý nhằm giúp mỗi thành viên trong gia đình có hệ miễn dịch tốt, hạn chế ốm đau và việc phải sử dụng thuốc.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/de-dai-dung-thuoc-hau-hoa-khon-luong-110814.html