Để Đà Nẵng trở thành 'Thành phố môi trường'

Đề án 'Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường' sau hơn 10 năm triển khai thực hiện đã góp phần xây dựng Đà Nẵng phát triển vượt bậc, chất lượng môi trường cơ bản tốt. Thành phố nhiều năm nhận được các giải thưởng, chứng nhận trong nước và quốc tế về phát triển, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tham dự Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2019 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức tại huyện Hòa Vang, chúng tôi được trải nghiệm nhiều hoạt động BVMT ý nghĩa, thiết thực. Sau lễ phát động, các đại biểu và đông đảo nhân dân trên địa bàn đồng loạt ra quân thực hiện “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp”, tham gia vệ sinh môi trường, trồng cây xanh… Ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: "Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã thực sự quan tâm, triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý, BVMT hiệu quả. Các hoạt động BVMT được cộng đồng dân cư tích cực tham gia, nổi bật nhất là Phong trào “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp” được địa phương tổ chức tất cả các tuần trong năm, thu hút đông đảo nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Nhờ đó, năm 2016, 11/11 xã của huyện Hòa Vang đã hoàn thành và đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới".

 Đông đảo đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn ra quân thực hiện “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp”tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).

Đông đảo đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn ra quân thực hiện “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp”tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).

Không riêng huyện Hòa Vang, nhiều năm qua, Phong trào “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp” được các địa phương thuộc TP Đà Nẵng triển khai thực hiện hiệu quả. Vào mỗi sáng chủ nhật, người dân dành 30 phút tham gia hoạt động thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trên các tuyến đường trong khu dân cư, xung quanh nhà ở... Để duy trì phong trào, ngày 21-11-2014, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 8460/QĐ-UBND về Quy định tiêu chí đánh giá, chấm điểm và xếp loại thi đua thực hiện phong trào; mỗi năm UBND thành phố đều tổ chức khen thưởng, động viên các cá nhân, tập thể tiêu biểu.

Đánh giá về kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường” (2008-2019), ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng khẳng định: "Qua hơn 10 năm thực hiện đề án, một trong những thành công lớn là cộng đồng, người dân thành phố có sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ bằng những hành động cụ thể. Cộng đồng doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động cùng tham gia BVMT. Bên cạnh các giải pháp đầu tư trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường, các cấp ủy, chính quyền thành phố đã có những giải pháp khẩn trương, tích cực để công tác quản lý môi trường ngày càng hiệu quả. Đến nay, tỷ hộ dân sử dụng nước sạch tại các quận nội thành đạt 97,83%, khu vực nông thôn 76,81%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn 65%, 100% chất thải rắn y tế được quản lý đạt yêu cầu; 13/15 điểm nóng về ô nhiễm môi trường được xử lý triệt để, hai điểm nóng phức tạp được kiềm chế; diện tích cây xanh đô thị đạt 7,46-7,51m2/người…

Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, nhờ tiến hành đa dạng, phong phú các hoạt động tuyên truyền nên công tác BVMT thu hút được sự tham gia tích cực của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp; qua đó, nhiều sáng kiến, mô hình hay được hình thành, triển khai, góp phần thúc đẩy hoạt động BVMT. Ví dụ, tại các trường học có các mô hình: “Đoạn đường em chăm”, “Vườn hoa em trồng”, “Tiếng trống môi trường”, "Trường học xanh-sạch-đẹp"... Ở Hội Cựu chiến binh thành phố có 154 “Câu lạc bộ môi trường”, với 3.636 thành viên. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố có hơn 600 nhóm “Mái nhà xanh”. Liên đoàn Lao động thành phố triển khai thành công mô hình “Doanh nghiệp xanh-sạch-đẹp”. Mặt trận Tổ quốc thành phố thực hiện hiệu quả mô hình “Tổ dân phố không rác”...

Với những kết quả đạt được, TP Đà Nẵng được các bộ, ngành, tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao: Năm 2011, ASEAN vinh danh Đà Nẵng là một trong 11 thành phố bền vững về môi trường của khu vực; năm 2015 được công nhận là “Thành phố xuất sắc trong chuyển đổi”; năm 2018, được Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới bình chọn là “Thành phố xanh quốc gia của Việt Nam năm 2018”…

Tuy chất lượng môi trường chung vẫn ở mức tốt và có cải thiện so với giai đoạn trước, nhưng hiện Đà Nẵng đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức cần giải quyết, như: Gia tăng rác thải; thiếu trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải rắn; công nghệ xử lý môi trường lạc hậu; hệ thống xử lý nước thải quá tải, chưa tách nước thải và nước mưa, dẫn đến tình trạng nước thải xả ra biển gây ảnh hưởng môi trường biển; tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh đồng nghĩa với sự tăng nhanh dân số, tăng quy mô sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tăng phát thải ra môi trường... Những vấn đề này đã, đang và sẽ tác động mạnh tới điều kiện sinh sống, làm việc của người dân, ảnh hưởng môi trường sinh thái đô thị.

Thời gian tới, TP Đà Nẵng xác định xây dựng hệ thống quản lý môi trường bền vững, hướng đến xây dựng thành phố sinh thái; đến năm 2025 kiểm soát tốt chất lượng môi trường; đến năm 2030 thiết lập được hệ thống quản lý môi trường theo nền tảng thành phố sinh thái; đến năm 2045 là thành phố sinh thái, có bản sắc riêng. Để thực hiện các mục tiêu trên, theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ: Thành phố sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BVMT tương ứng với mục tiêu trở thành “Thành phố môi trường”; xây dựng được hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường đặc trưng đối với một thành phố môi trường; quy hoạch, đầu tư hạ tầng đô thị dài hạn, có đủ năng lực xử lý môi trường, ứng phó nhanh với các sự cố môi trường có thể xảy ra…

NGUYỄN VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-da-nang-tro-thanh-thanh-pho-moi-truong-576637