Để Đà Nẵng thành 'đất lành' thu hút nhân tài khởi nghiệp

Đà Nẵng đang nổi lên là một thành phố năng động, phát triển với nhiều chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Một ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo được trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp Đà Nẵng SURF 2019. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Một ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo được trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp Đà Nẵng SURF 2019. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Nghị quyết 43-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Để đạt được điều này, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng đang triển khai những kế hoạch cụ thể, mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành “đất lành” cho các nhân tài khởi nghiệp.

Những thành công ban đầu của hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng

Trong cuộc thi Ngày hội sáng tạo khởi nghiệp quốc gia Techfest Việt Nam 2019 , một dự án khởi nghiệp đến từ Đà Nẵng đã vượt qua 400 dự án trên cả nước để đoạt giải Quán quân.

Đó chính là dự án MultiGlass, phát triển thiết bị giao tiếp thông minh (dạng kính đeo mắt) tích hợp 3 nền tảng công nghệ: Nhận diện mống mắt, Điều khiển tự động (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI), giúp người dùng điều khiển một số thiết bị điện tử và cảnh báo lái xe an toàn. Đây là dự án do hai anh em song sinh Lê Hoàng Anh và Lê Anh Tiến phát triển, là một trong 3 dự án đến từ Đà Nẵng lọt vào Top 10 Chung kết Techfest năm nay.

Start-up Lê Hoàng Anh cho biết: “Trước đây, ở phiên bản đầu tiên, mình và em Lê Anh Tiến có tiếp xúc với một số bạn khuyết tật, thấy các bạn ấy khó khăn trong việc sử dụng máy tính để kết nối tri thức nên đã nảy ra ý tưởng tạo sản phẩm này ở giai đoạn một. Ở giai đoạn hai, mình và em song sinh quyết định đi sâu vào lĩnh vực ứng dụng IoT trong logistic, nên nghiên cứu thêm tính năng phát hiện cảnh báo buồn ngủ cho tài xế. Hai anh em kỳ vọng tính năng này sẽ làm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông, cũng như giúp cho việc vận hành xe tải của các tài xế được an toàn”.

Trong thời gian tới, MultiGlass sẽ là đại diện của Việt Nam tham gia Startup World Cup 2020 được tổ chức tại San Francisco (Mỹ).

Nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu về IoT và các công nghệ lõi để tạo ra các sản phẩm chất lượng hơn, phục vụ nhiều nhóm đối tượng hơn.

Thành công này có được cũng một phần vì tất cả các đội Đà Nẵng tham gia cuộc thi Techfest 2019 đều được chính quyền thành phố hỗ trợ chuẩn bị, thuê chuyên gia Singapore về đào tạo khả năng thuyết minh, bảo vệ ý tưởng.

Theo ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng, thành phố đã từng bước xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, kết nối cộng đồng khởi nghiệp với mạng lưới nhà đầu tư, nhà cố vấn, nhà quản lý. Tính đến nay, địa bàn thành phố có: 6 Vườn ươm doanh nghiệp (trong đó có hai Vườn ươm của nhà nước, một Vườn ươm hợp tác công tư), hai Không gian sáng tạo, 10 Không gian làm việc chung, 9 Câu lạc bộ khởi nghiệp, hai Quỹ đầu tư khởi nghiệp...

Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh (bên trái) tặng hoa chúc mừng ông Đàm Quang Tuấn (bên phải) nhân dịp ra mắt Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Đồng thời, UBND thành phố đang giao các sở ngành nghiên cứu, triển khai dự án Khu làm việc và Đào tạo Khởi nghiệp của thành phố, theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch xây dựng chi tiết khu đất rộng hơn 1.800m2 tại đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà, Đà Nẵng).

Khu vực này cũng sẽ được thiết kế lồng ghép một Trung tâm Khởi nghiệp Quốc gia tại Đà Nẵng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Để khởi nghiệp sáng tạo trở thành thương hiệu của Đà Nẵng

Có những thành công bước đầu, tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố Đà Nẵng vẫn còn khá non trẻ, tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.

Start-up Lê Hoàng Anh nhận định: Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà Nẵng khá đa dạng nhưng chưa đủ mạnh, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Các start-up ở Đà Nẵng có một thế mạnh là đam mê và nhiệt huyết nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để tạo ra được những sản phẩm làm đòn bẩy cho hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố phát triển theo.

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng Trần Văn Hoàng, hiện nay, các doanh nghiệp địa phương hỗ trợ khởi nghiệp chưa có tiềm lực mạnh, mạng lưới khởi nghiệp vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ.

Sở đang xây dựng Cổng thông tin sáng tạo khởi nghiệp, giúp kết nối cộng đồng khởi nghiệp với nguồn vốn, mặt bằng, chuyên gia hỗ trợ...

Sở cũng tích cực thu hút và bồi dưỡng các start-up trẻ trên khắp mọi miền lựa chọn Đà Nẵng làm địa phương để khởi nghiệp.

Đối với người mới khởi nghiệp, ông Hoàng đưa ra lời khuyên, Chiến lược kinh doanh phải được điều chỉnh qua từng giai đoạn phát triển của dự án, để phù hợp với thị trường và điều kiện cụ thể.

Đà Nẵng đang xây dựng chính sách cụ thể của thành phố để hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo, chú trọng các lĩnh vực thế mạnh như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tự động hóa... Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đang thường xuyên phối hợp với các Vườn ươm và các doanh nghiệp để hỗ trợ, đào tạo cho các doanh nghiệp trẻ về khâu quản lý, xây dựng chiến lược, thị trường kinh doanh...

Ngày 1/11, tại lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Đà Nẵng SURF 2019, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng đã chính thức ra mắt cộng đồng khởi nghiệp.

Đại diện Quỹ, ông Đàm Quang Tuấn chia sẻ: Sứ mệnh là quỹ đầu tư là đồng hành với các nhà khởi nghiệp Đà Nẵng, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp với quy mô rộng hơn, nhiều hoạt động cụ thể hơn.

Đây là quỹ mở, sẽ có nhiều doanh nghiệp hợp vốn để đầu tư, sẽ phân chia ra các ngành nghề về công nghệ, nông nghiệp, xây dựng…

Quỹ không giới hạn số lượng dự án khởi nghiệp cũng như số vốn đầu tư cho mỗi dự án. Nhưng vốn chỉ là một trong những vấn đề của khởi nghiệp, còn các vấn đề quan trọng khác như: quản trị, thị trường, thời gian xây dựng...

Sau đó là cả quá trình vận hành để hiện thực hóa các ý tưởng ban đầu và phát triển lâu dài, cần có những bước đi vững chắc.

Vì vậy, các lãnh đạo thành phố cần xây dựng, hoàn thiện nền tảng chính sách ưu đãi, hỗ trợ khởi nghiệp càng sớm càng tốt.

Về phía chính quyền, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng cho biết: Thành phố đang xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù trong Đề án trình Chính phủ về thúc đẩy khởi nghiệp tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thứ nhất là xây dựng cơ chế thành lập xây dựng Trung tâm khởi nghiệp; thứ hai là có nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ Start-up; thứ ba là có điều kiện, giải pháp kết nối các nhà đầu tư, các diễn giả đến hỗ trợ cho các Start-up trong giai đoạn đầu.

Đồng thời, thành phố đang xây dựng chính sách cụ thể của thành phố để hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo, chú trọng các lĩnh vực thế mạnh như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch dịch vụ.../.

Quốc Dũng/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/de-da-nang-thanh-dat-lanh-thu-hut-nhan-tai-khoi-nghiep/142419.html