Để Đà Nẵng ngày càng đáng sống

Đà Nẵng được mệnh danh là 'thành phố đáng sống' nhờ hội tụ đầy đủ những yếu tố của một đô thị hàng đầu. Tuy nhiên, để xứng danh là nơi đáng đến và đáng sống, TP biển này cần phải có những thay đổi khác biệt hơn.

Cầu Vàng góp phần giúp Đà Nẵng định vị là một trong những điểm đến hấp dẫn.

Cầu Vàng góp phần giúp Đà Nẵng định vị là một trong những điểm đến hấp dẫn.

Định vị lại điểm đến

Đà Nẵng từ lâu được mệnh danh là thành phố đáng sống, đáng đến trải nghiệm và đáng đầu tư. Trong định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin... của đất nước.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, điểm mạnh của Đà Nẵng là sở hữu tọa độ chiến lược quan trọng, không gian phát triển rộng mở, hội nhập, đổi mới sáng tạo. Những nỗ lực, thành tựu của Đà Nẵng suốt thời gian qua là minh chứng cho một TP luôn hướng đến phục vụ người dân và DN.

Bàn về vấn đề đáng đến và đáng sống, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần phải tư duy lại trong việc định vị lại Đà Nẵng là điểm đến hội nhập, kết nối quốc gia.

“Đà Nẵng không chỉ là điểm đến, mà phải là điểm đến hàng đầu, với những trải nghiệm đẳng cấp, khác biệt. Và Đà Nẵng phải trở thành nơi làm tổ của các nhà đầu tư “đại bàng” với các dự án lớn, đẳng cấp, dấu ấn” - PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Đóng góp thêm ý kiến cho Đà Nẵng, TS Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng, TP cần phải bắt tay ngay vào việc mở rộng sân bay. “Đừng bao giờ nghĩ lấy sân bay Chu Lai (Quảng Nam) để phục vụ cho du lịch Đà Nẵng, vì sân bay Đà Nẵng hoàn toàn có thể mở rộng thêm rất nhiều. Nếu làm chậm thì sân bay sẽ trở thành nút thắt của ngành du lịch cũng như nền kinh tế Đà Nẵng” - TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Bổ sung thêm những mảnh ghép cho ngành du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng Cao Trí Dũng đề xuất Đà Nẵng hiện chưa có sản phẩm du lịch nào vươn ra biển lớn thu hút du khách, đơn cử như những tour đi ra biển, trong khi đây là lợi thế. Thứ hai là thiếu những mảnh ghép vui chơi giải trí, như show diễn thực cảnh.

Tiếp theo, với định vị là TP sự kiện thì Đà Nẵng cần thêm nhiều sự kiện quy mô lớn như lễ hội pháo hoa. Cuối cùng, xác định đáng sống, đáng đến thì phải định vị TP đẳng cấp, sang trọng, phải có những sản phẩm du lịch sang trọng như du thuyền chẳng hạn.

Đà Nẵng phải là đô thị toàn cầu

Điều chỉnh quy hoạch chung, không gian phát triển đô thị Đà Nẵng trong tầm nhìn phát triển chuỗi đô thị thông minh, kết nối đô thị Việt Nam và quốc tế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 là một tiêu chí đặc biệt quan trọng được các chuyên gia quan tâm, bàn luận để giúp TP thực sự trở thành nơi đáng sống.

Theo KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khi nói đến Đà Nẵng cần nói đến quy hoạch trước một bước. Để trở thành thành phố đáng sống, theo KTS Trần Ngọc Chính, trước hết Đà Nẵng phải là một đô thị toàn cầu chứ không dừng lại ở bản đồ Việt Nam.

“Muốn làm được như thế, cần hoàn thiện quy hoạch đô thị Đà Nẵng hoàn chỉnh, không chỉ là TP du lịch mà còn là TP đô thị loại 1 của miền Trung và Tây Nguyên, có vai trò vực dậy kinh tế miền Trung và mang tầm thế giới” - KTS Trần Ngọc Chính nói.

Về phía địa phương, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết, sau 25 năm tách tỉnh, TP đã đạt được những thành quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều cái thiếu và yếu. Đà Nẵng xác định quy hoạch là công cụ, là cơ sở để định hướng cho phát triển. Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Đà Nẵng vẫn đang xây dựng một bộ tiêu chí thành phố đáng sống. Trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi sẽ vận dụng đưa vào cho phù hợp” - ông Phùng Phú Phong thông tin.

Quang Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-da-nang-ngay-cang-dang-song.html