Để Đà Nẵng là trung tâm nghề cá lớn cả nước (Bài 1: Bức thiết nâng cấp cảng cá)

Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị định hướng xây dựng Đà Nẵng là trung tâm kinh tế biển của khu vực. Qui hoạch phát triển thủy sản của Thủ tướng xây dựng Đà Nẵng là 1 trong 6 trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Bản thân cảng cá Thọ Quang không lớn nhưng hội tụ đầy đủ dịch vụ hậu cần, gần thị trường tiêu thụ lớn, là nơi thuận tiện để tàu cá khu vực miền Trung cập bến. Và khu vực Thọ Quang với âu thuyền, cảng cá, khu công nghiệp chế biến là nơi duy nhất còn sót lại ở Đà Nẵng có thể xây dựng thành trung tâm nghề cá lớn. Nhưng thực tế, Đà Nẵng đã làm gì để thực hiện mục tiêu này?

Dự án nâng cấp cảng cá Thọ Quang với cầu cảng hiện đại sẽ nâng cao năng lực bốc dỡ và chất lượng hải sản.

Dự án nâng cấp cảng cá Thọ Quang với cầu cảng hiện đại sẽ nâng cao năng lực bốc dỡ và chất lượng hải sản.

Nói gì thì Đà Nẵng cũng là hạt nhân của khu vực, phải phát triển cùng khu vực và vì khu vực. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho biết, khu vực cảng cá Thọ Quang tuy không lớn, nhưng đầy đủ dịch vụ hậu cần, chế biến, sửa chữa tàu thuyền... nên thu hút nhiều tàu cá khắp khu vực miền Trung cập bến. Điều kiện khách quan, chủ quan đều cho thấy vai trò trung tâm nghề cá của Đà Nẵng, nên việc đầu tư, xây dựng, biến khu vực Thọ Quang thành trung tâm nghề cá lớn của cả nước trở nên cấp bách. Nói gì đi nữa, đây cũng là nghề truyền thống bao đời, gắn với hàng chục ngàn ngư dân, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, mang giá trị kinh tế rất lớn, hỗ trợ du lịch phát triển. Có nhiều việc cần làm để biến thành trung tâm nghề cá lớn, song trước tiên phải khẩn trương nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang được phê duyệt từ năm 2017, tổng vốn đầu tư hơn 217 tỷ đồng, gồm 4 gói thầu xây lắp. Theo đó, gói thầu số 11 khởi công cuối năm 2019 hiện thực hiện xong các hạng mục phụ trợ như lán trại, bãi tập kết vật liệu, bãi gia công kết cấu thép, đã đúc xong bản neo bê-tông cốt thép và sản xuất xong cọc cừ ván... đạt 45% khối lượng. Gói thầu số 12 khởi công đầu tháng 6-2019 hiện thực hiện xong các hạng mục phụ trợ, cơ bản hoàn thành hệ thống thoát nước mưa... đạt 25% giá trị thực hiện. Hai gói thầu còn lại số 9 và số 10 thi công xây dựng các công trình trên bờ, dưới nước khu mở rộng dự kiến tháng 9 tới mới chọn xong nhà thầu và khởi công.

Dự án có vai trò quan trọng, giải quyết hàng loạt vấn đề bức thiết như môi trường, an ninh... hiện nay. Theo Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, khi dự án hoàn thành các cầu cảng, bến hiện đại, giải quyết nhanh việc bốc dỡ hàng thủy sản (hiện rất nhiều trường hợp tàu phải “cập mũi” để bốc dỡ hàng hóa). Doanh số hàng hóa qua cảng cá ước đạt 10.000 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đem lại cho ngành thương mại thủy sản của thành phố ước đạt 1.000 tỷ đồng/năm. Việc bốc xếp nhanh sẽ làm tăng chất lượng, giá trị thủy sản, tạo việc làm cho số lượng lớn lao động, khuyến khích các tàu lớn đánh bắt xa bờ phát triển.

Cảng cá Thọ Quang được nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại sẽ góp phần giải quyết môi trường mà lâu nay khu vực âu thuyền, cảng cá được xem là “điểm nóng” dai dẳng. Cụ thể, cảng cá sẽ có trạm xử lý nước thải, nhà phân loại hải sản, kho tàng, bến bãi... hiện đại. Trên mặt nước sẽ đầu tư phao ngăn dầu nhằm hạn chế tối đa sự cố tràn dầu tại âu thuyền. Trên cầu cảng sẽ lắp đặt nhà phân loại và hệ thống bốc dỡ bằng tời điện khi đưa vào hoạt động sẽ giúp ngư dân bảo quản được sản phẩm tốt, bốc dỡ sản phẩm nhanh và đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, việc xây dựng 2 hệ thống thoát nước riêng biệt (nước mưa và nước thải) tại các cầu cảng sẽ không để nước thải lẫn nước mưa tràn ra âu thuyền gây ô nhiễm.

Vai trò, sự bức thiết của dự án là vậy, tuy nhiên ông Trần Văn Lĩnh cho rằng dự án triển khai rất chậm chạp. Đúng ra dự án phải được triển khai từ 2 năm trước chứ không phải mãi tới năm 2019. Sự chậm trễ này xuất phát từ quan điểm phát triển không rõ ràng. Có thời điểm thay vì tập trung xử lý triệt để các vấn đề ô nhiễm của cảng cá, âu thuyền thì cường điệu hóa vấn đề ô nhiễm lên để lấy thành cái cớ thoát vai trò, trách nhiệm là trung tâm nghề cá của khu vực và vì khu vực như định hướng T.Ư. Sau NQ43 khẳng định lại một lần nữa vai trò nghề cá, thì công trình nâng cấp cảng cá Thọ Quang được khởi công lại. Để đẩy nhanh dự án này, ông Lĩnh cho rằng trước hết phải có quyết tâm cao, nhận thức rằng sự phát triển nghề cá không mâu thuẫn gì với phát triển du lịch, dịch vụ. Phải thấy rằng, Đà Nẵng không thể chỉ phát triển du lịch không mà không phát triển kèm thêm các ngành nghề khác, trong đó có nghề cá. Minh chứng rõ nhất, Đà Nẵng là TP T.Ư duy nhất tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm nay khi du lịch, dịch vụ bị dịch bệnh chững lại.

Dự án nâng cấp cảng cá Thọ Quang không chỉ giải quyết những bức thiết trước mắt về môi trường, an ninh, mà về lâu dài còn là tiền đề để xây dựng trung tâm nghề cá lớn, gắn nghề cá với thương mại dịch vụ, du lịch.

(còn nữa)

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_229707_de-da-nang-la-trung-tam-nghe-ca-lon-ca-nuoc-bai-1-.aspx