Để cuộc vận động đúng nghĩa...

Cùng với nạn kẹt xe, tắc đường, TPHCM đang đối mặt với tình trạng gia tăng các chất thải ô nhiễm, nhất là rác thải đô thị. Hiện nay, mỗi ngày TP tiếp nhận hơn 7.000 tấn rác, trong khi hệ thống thu gom rác thải chưa tương xứng với khối lượng rác thải, gây nhiều hệ lụy cho cư dân.

Do vậy, chương trình phát động cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì TP sạch và giảm ngập nước” rất được người dân đồng lòng hưởng ứng. Tuy nhiên, để cuộc vận động hiệu quả và lâu dài cần sự chung tay và quyết liệt của chính quyền từ phường đến tổ dân phố.

Hiện nay, ở TPHCM phần lớn rác thải được 2 tổ chức thu gom, gồm hệ thống công lập thuộc các công ty TNHH MTV dịch vụ công ích, thu gom khoảng 40%, số còn lại do hệ thống thu gom rác dân lập đảm nhận. Dù hệ thống thu gom rác dân lập đã có sự nỗ lực trong việc thu gom rác thải sinh hoạt, nhưng cũng gây ra nhiều phiền hà cho người dân.

Anh Trần Hùng, ngụ ở phường 14, quận 3, kể đầu giờ sáng anh bỏ rác vào vị trí cố định trước nhà, đến chiều đi làm về vẫn thấy túi rác còn đó. Trước đây, sáng nào các công nhân vệ sinh cũng đi thu gom rác, nhưng gần đây có ngày họ bỏ đi thu gom rác để ngày sau gom luôn. Thế là những túi rác của cả con hẻm bị chuột, mèo bới tung. Phiền phức là vậy nhưng chẳng ai dám nói nặng một lời, vì sợ nhân viên dọn rác giận, các hộ gia đình ngửi rác cả tuần.

Đoàn Thanh niên hưởng ứng chương trình cuộc vận động không xả rác.

Tại phường 15, quận Gò Vấp, một số người dân sống trên đường Lê Đức Thọ bức xúc: “Tiền rác hàng tháng các hộ dân đóng đủ. Tết phải đóng thêm gọi là tiền tháng 13, nhưng nhân viên vệ sinh môi trường đi gom rác tùy hứng. Khu phố chúng tôi dân cư đông đúc, chỉ 2 ngày không gom rác cả xóm bốc mùi. Mấy ngày liền người gom rác không đến, hỏi ra thì được biết người đó bận giải quyết việc nhà. Cách đây không lâu, người dân trong khu phố phải cử người chở rác ra trạm trung chuyển, vì người thu gom rác nghỉ liền 3 ngày về quê”.

Nếu không có sự quyết liệt từ các cấp phường, tổ dân phố rác vẫn tràn lan trên đường phố.

Những năm qua, mức phí thu gom rác trên địa bàn TP được thực hiện theo Quyết định 88/2008/QĐ-UBND ngày 20-12-2008 của UBND TP. Theo đó, ở khu vực nội thành, mức phí đối với hộ gia đình 20.000 đồng/tháng (nhà mặt đường) và 15.000 đồng/tháng (nhà trong hẻm). Còn vùng ven, ngoại thành, mức phí 10.000-15.000 đồng/tháng. Các đối tượng ngoài hộ gia đình mức phí 60.000 đồng/cơ sở/tháng; quán ăn 110.000 đồng/cơ sở/tháng; nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại 176.000 đồng/m2/tháng.

Trong thực tế, mức phí thu gom rác dân lập hiện nay hầu như chưa được quản lý chặt chẽ nên dẫn đến việc mỗi nơi thu mỗi giá, nhưng hầu như mức phí theo quy định phải nhân đôi, nếu hộ nào không đồng ý thì tự… đổ. Người dân mong muốn các công ty dịch vụ công ích có quy định cụ thể gửi đến từng nhà dân, rác nào thu gom hàng ngày, rác nào thu gom nhưng phải đóng thêm tiền và mức đóng như thế nào.

Công bằng mà nói nhờ những công nhân vệ sinh môi trường, đường phố mới sạch sẽ, các con hẻm được tinh tươm. Người dân cũng rất trân trọng nghề nghiệp của công nhân vệ sinh và thông cảm những cực nhọc, độc hại họ phải gánh chịu. Nhưng thực tế, việc thu gom rác tại các khu dân cư đang khiến nhiều người dân bức xúc.

Khi đóng tiền thu gom rác, hầu như bà con cũng gửi thêm một chút để bồi dưỡng cho họ, nhưng ngoài rác sinh hoạt những loại rác khác, như các cành cây nhỏ được tỉa gọn, rác quét dọn đường hẻm lẫn đất đá... buộc phải đóng thêm tiền người thu gom mới chấp nhận mang đi. Do không có quy định chế tài với những cơ sở thu gom rác dân lập hoạt động không đảm bảo vệ sinh môi trường, nên việc xử lý vi phạm cũng thiếu hiệu quả.

Câu chuyện rác thải ở TPHCM tưởng nhỏ nhưng thực sự là vấn đề lớn và lâu dài, từ chuyện người dân xả rác vô tội vạ ra khu dân cư, đến thái độ làm việc tắc trách của công nhân môi trường đô thị. Chung quy là vấn đề ý thức của từng người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường còn rất hạn chế. Tuy nhiên, trong việc xả rác bừa bãi, nếu tính lỗi của dân là 1, lỗi của chính quyền phải 10. Bởi luật đã quy định cụ thể những vi phạm trong vệ sinh môi trường, nhưng dường như chính quyền địa phương không áp dụng để xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm.

Thi thoảng trong năm, các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan của TP tổ chức phát động vệ sinh môi trường, dọn dẹp rác ở khu dân cư. Sau khi phát động xong mọi việc lại đâu vào đó, dân cứ vô tư xả rác, công nhân vất vả dọn vệ sinh, trong khi đó lực lượng chức năng mất hút. Và rồi đường sá, các khu phố ngập rác thải, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường đô thị.

Lấy đơn cử như chuyện nhà anh Trần Hùng. Ngay sau khi chương trình phát động vào ngày 21-10 trên tất cả 24 quận, huyện tất cả các lãnh đạo TP đều tham gia cuộc vận động, báo chí đưa tin rầm rộ, nhà anh Hùng nhận được “Bản cam kết không xả rác…” gửi vào nhà. Sau đó ký tên gửi tổ dân phố như một phong trào. Ngày hôm sau rác lại bề bộn đầy con hẻm vì người thu gom rác… nghỉ. Và có lẽ câu chuyện của anh Hùng cũng tương tự tất cả các khu phố khác trong TP. Có lẽ vì lãnh đạo từ cấp phường đến tổ dân phố họ không thể cho mình là người “chỉ đạo gom rác”. Trong khi “Bản cam kết…” được gom lại gửi lên trên tất cả người dân đều “cam kết”, cả TP sẽ sạch đẹp theo báo cáo tổng kết.

Đông Gia (TPHCM)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/de-cuoc-van-dong-dung-nghia-62564.html