Để cuộc sống bớt đi những góc tối

Trong gần 30 năm làm truyền hình, một trong những tâm niệm mà chúng tôithường xuyên canh cánh là thông qua mỗi tác phẩm có thể giúp đời sống vốn đã bộnbề nhiều khó khăn, gập ghềnh... trở nên trong trẻo hơn, nhẹ nhõm hơn. Phóng sự 'Góctối' được cả ê-kíp thực hiện trong một thời gian tương đối dài (gần 3 tháng) so vơínhững chương trình truyền hình thông thường.

Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh minh họa

Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh minh họa

Tác phẩm "Góc tối" đã để lại trong lòng ê-kíp sản xuất nhiều cảm xúc khó quên khi tác nghiệp về một đề tài được xem là “nhạy cảm” nhưng lại gợi mở nhiều nét mới về phương thức thể hiện, về khai thác vấn đề theo hướng đa chiều, về tính thực tế của một phóng sự truyền hình.

Từ những thông tin lượm lặt

Nếu không có một khoảng thời gian rất dài gắn bó, chịu trách nhiệm tuyên truyền trên phạm vi địa bàn huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi khó mà thực hiện được những đề tài mang tính xã hội cao như phóng sự “Góc tối”.

Từ những nguồn tin “vụn” mà bà con dân tộc cung cấp trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch thực hiện phóng sự với những nhân vật, sự kiện cụ thể. Những câu chuyện khuất tất, hạn chế cũng như những thành công, kết quả đạt được trong hoạt động giáo dục của một vùng đất được chúng tôi tái hiện lại qua những khuôn hình, những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, những tâm tư, mơ ước của đồng bào người Rắc Lay tại Khánh Sơn vừa bình dị, vừa gần gũi. Cả một ê-kíp thực hiện phải tốn nhiều công sức, vất vả theo từng câu chuyện, từng nhân vật trong suốt một thời gian không ngắn. Ở đây phải kể đến những đóng góp tích cực, thầm lặng của rất nhiều anh chị em cộng tác viên Đài PT-TH Khánh Hòa. Chính đây là lực lượng giúp chúng tôi tìm kiếm, sàng lọc thông tin, tham gia trực tiếp vào quá trình tác nghiệp, thậm chí tư vấn về phong tục, tập quán, phương thức tiếp cận nhân vật, vụ việc và xử lý các vấn đề phát sinh trong thời gian thực hiện phóng sự.

Khó khăn thì rất nhiều khi “góc tối” là một đề tài nhạy cảm, trong khi đó yêu cầu một tác phẩm truyền hình là luôn đề cao tính chân thực, trực diện, không được dàn dựng, sắp xếp. Nếu không có sự phối hợp đồng bộ, không có sự giúp đỡ của người dân địa phương, không tâm huyết với nghề chúng tôi khó có thể hoàn thành được phóng sự.

Cả ê-kíp không thể quên được những lúc tác nghiệp trong đêm tối ở những làng buôn xa xôi, hẻo lánh. Cơn mưa rừng đầu hạ cứ rả rích, dai dẳng. Không gian như như tan loãng ra trong cái ẩm ướt khó có thể diễn tả thành lời. Con đường mòn dẫn đến nhà dân vắt vẻo, chênh vênh bên sườn núi. Muốn đi phải dò dẫm, lựa từng chỗ để đặt chân.

Nhiều lúc phải dựa vào nguồn sáng nhỏ nhoi hắt ra từ chiếc điện thoại cầm tay mới có thể di chuyển được. Từ những câu chuyện bên lề, từ những mơ ước nhỏ nhoi, từ những tiếng rít lặng thầm xuyên qua sạp nứa của ngọn gió rừng đêm, nỗi lòng, tâm tư của đồng bào nghèo Rắc Lay được ghi nhận, gieo vào lòng chúng tôi những tiếng thở dài heo hút: Con chữ đến được vùng đất này sao mà lắm gian nan.

Trăn trở về một vùng đất

Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa là một vùng đất có bề dày về văn hóa, lịch sử, giàu tiềm năng trong phát triển kinh tế. Đời sống của người dân dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng so với 10 năm trước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Khánh Sơn bây giờ được mệnh danh là “Thủ phủ của cây ăn quả” với những loại trái cây nổi tiếng gần xa như: sầu riêng, măng cụt, mít nghệ.

Dù vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển, nơi đây vẫn còn không ít những hạn chế. Phóng sự “Góc tối” mà chúng tôi thực hiện cũng là những trăn trở, những mong ước về một tương lai sáng hơn, đẹp hơn cho vùng đất này.

Ở đây, một vấn đề đặt ra ngỡ như ai cũng biết, ai cũng tán đồng là nên chú trọng đến giáo dục. Giáo dục chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài. Và nếu nhìn nhận một cách khách quan, giáo dục Khánh Sơn đã nhận được sự quan tâm không nhỏ của tỉnh, các cấp, ban ngành và toàn cộng đồng. Nhưng bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn đó những “Góc tối” đang tồn tại xung quanh. Đừng để những “Góc tối” đó được xem là những hình ảnh, những vấn đề bình thường trong suy nghĩ của mọi người.

Để cuộc sống bớt đi những “Góc tối”

Là phóng viên truyền hình, chúng tôi có dịp đi nhiều, biết nhiều, tiếp cận với nhiều vùng đất, nhân vật, sự kiện và mỗi chương trình khi thực hiện đều được chúng tôi cố gắng giãi bày trong những cảm nhận, những niềm vui và những băn khoăn về hai mặt sáng, tối của cuộc sống. Phóng sự “Góc tối” là nỗ lực, là sự đồng tâm, đồng sức của cả ê-kíp.

Thiết nghĩ, đó cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ, yêu cầu của người làm báo. Nhìn lại những gian nan, khó khăn của hành trình tác nghiệp, chúng tôi càng thêm phấn khởi khi phóng sự đã đạt được những thành công nhất định.

Cuối cùng, cũng xin được nhắc lại thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm thông qua “Góc tối”. Đó cũng là tâm niệm, là mong muốn của cả ê-kíp thực hiện: Nếu như vô cảm, vô trách nhiệm. Nếu như thờ ơ, toan tính thì những góc tối sẽ nhanh chóng trở thành khoảng tối... vùng tối... và tăm tối.

Duy Lam

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/de-cuoc-song-bot-di-nhung-goc-toi-n19894.html