Để cộng đồng doanh nghiệp Việt lớn mạnh

Trong chiến lược phát triển, Chính phủ đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp (DN) trong năm 2020; kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, nhìn một cách tổng thể, năng lực của nhiều DN Việt vẫn còn thấp so với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và với DN đến từ những quốc gia trong khu vực.

Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại công ty TNHH một thành viên Kim Vĩnh Thắng, KCN Biên Hòa 1. Ảnh: Đ.Lê

Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại công ty TNHH một thành viên Kim Vĩnh Thắng, KCN Biên Hòa 1. Ảnh: Đ.Lê

Để cộng đồng DN Việt phát triển lớn mạnh, Chính phủ đang điều chỉnh chiến lược phát triển, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Đồng thời, thay đổi chính sách theo hướng thuận lợi hơn cho DN, doanh nhân hoạt động, phát triển.

* DN nhỏ còn “dè dặt” trong phát triển

Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Đồng Nai, Đồng Nai có gần 17 ngàn DN, HTX trong các lĩnh vực kinh tế đang hoạt động, tuy nhiên có đến 97% trong số đó là DN có quy mô nhỏ và vừa hoặc quy mô siêu nhỏ. Dù đã có sự phát triển tương đối khả quan song nhìn chung, quy mô của DN còn hạn chế. Năng lực sản xuất, kinh doanh, tính cạnh tranh của nhiều DN chưa cao cũng là vấn đề còn tồn tại trong nhiều năm qua. Điều này một phần do tâm lý, e ngại và chưa chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội phát triển.

Công ty TNHH đầu tư quốc tế Việt Đức (H.Xuân Lộc) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất may mặc, hiện có thị trường tiêu thụ hàng hóa khá rộng như: Đức, Mỹ, Hà Lan, Thụy Sĩ… Tuy nhiên, theo lãnh đạo DN, đơn vị vẫn đang khá bối rối trong định hướng phát triển. Nhiều năm qua, DN chỉ xuất hàng theo kiểu gia công chứ chưa làm nhãn hiệu hàng hóa để xuất khẩu trực tiếp. Nguyên nhân là do năng lực còn hạn chế. Công ty vẫn đang trong quá trình hợp tác với đối tác nước ngoài, trực tiếp chào hàng cho các thương hiệu nước ngoài để gầy dựng thực lực công ty.

Cũng trong lĩnh vực may mặc, Công ty TNHH MTV Cửu Vượng (H.Tân Phú) có mục đích thành lập trước hết là tạo việc làm cho người dân địa phương, đồng thời tận dụng các mối quan hệ để dần phát triển theo vốn có chứ chưa thể “bung” ra phát triển sản xuất lớn mạnh. Hiện đơn vị vẫn đang trong quy mô rất nhỏ và là cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.

Tại một DN khác là Công ty TNHH MTV Hao Che (H.Xuân Lộc), DN chuyên sản xuất, gia công cơ khí, máy móc cho các DN ngành giày da và sản xuất inox, thi công nhà xưởng… Thời gian qua, từ một cơ sở nhỏ lẻ đã phát triển thành DN và có chỗ đứng trong khu vực, nhưng Hao Che vẫn chỉ dừng lại ở góc độ địa phương, chưa thể vươn tầm ra các tỉnh, thành lân cận.

“Công ty thành lập đặt ra mục tiêu phát triển theo từng giai đoạn 5 năm, hiện tại mới bắt đầu bước vào giai đoạn thứ 2 với những nhiệm vụ nâng cao tay nghề lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm rồi mới tính tiếp các bước phát triển khác. Chúng tôi cũng rất mong muốn tương lai sẽ có được những kết quả quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng gia dụng như bàn ghế… xuất khẩu ra các nước” - ông Chướng Cún Sáng, Giám đốc công ty cho hay.

* Cần cởi bỏ tâm lý “sợ” lớn

Sự “dè dặt” trong tâm lý phát triển và định hướng của nhiều DN nhỏ hiện nay, ở góc độ quản trị DN, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư U&I (UniGroup) nhận định, yếu tố lớn nhất trước hết là tự bản thân DN. “DN phải vượt qua được chính mình, có khát vọng phấn đấu, đưa DN Việt, thương hiệu Việt lớn lên cùng với thế giới. Nhưng đồng thời và song hành đó, chính sách hỗ trợ phải tốt, môi trường, thể chế, chính sách đi kịp với xu thế, nếu không sẽ làm cho DN tư nhân mất đi động lực phát triển” - ông Mai Hữu Tín khẳng định.

Tương tự, PGS-TS.Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, sự áp đảo của DN nhỏ, siêu nhỏ chứng tỏ DN tư nhân Việt Nam rất “khó lớn, chậm lớn” và cũng khó xây dựng thành lực lượng tốt để phát triển thành DN lớn.

Biểu đồ thể hiện số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký giai đoạn 2016-2019 của Đồng Nai. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)

“DN đã nhỏ và siêu nhỏ rồi nhưng lại có nhiều DN khó lớn, chậm lớn và... sợ lớn. Có rất nhiều vấn đề từ thể chế, chính sách gây tác động đến tâm lý DN, tâm lý xã hội, phải cần một thời gian dài để giải quyết. Ngoài ra, môi trường đầu tư, cơ chế, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều vấn đề bất cập kìm nén sự trưởng thành của DN...

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi DN chủ động tham gia hiến kế, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. DN góp ý xây dựng chính sách chứ không phải đi xin, thậm chí DN cần phải gây áp lực đến chính quyền, Nhà nước để tạo ra thay đổi. Tôi cho rằng, bây giờ là thời của DN, cần mạnh dạn đột phá cùng sự mở đường từ chính sách để đội ngũ DN Việt ngày càng lớn mạnh” - PGS-TS.Trần Đình Thiên khẳng định.

* Nhà nước và các tập đoàn, DN lớn phải đồng hành

Sự phát triển của cộng đồng DN, trong xu hướng phát triển toàn cầu và chuỗi liên kết sản xuất như hiện nay, không thể tách rời vai trò định hướng, hỗ trợ của chính quyền, cùng với đó là “bệ đỡ” từ các tập đoàn, DN lớn.

Nhận xét về điều này, theo TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay có một xu thế là các DN lớn đang đầu tư vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời hỗ trợ nguồn vốn và tài chính cho các startup (DN khởi nghiệp). Mà nguồn vốn thường là khó khăn lớn nhất của các startup. Điều này sẽ là bệ đỡ để các DN nhỏ, DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển. “Sáng tạo không thiếu nhưng năng lực tài chính của các startup yếu. Do đó, họ cần nguồn vốn. Trong khi đó, nguồn vốn cho khởi nghiệp lại là đầu tư rủi ro cao. Do đó, thúc đẩy nguồn vốn cho các startup cần bàn tay của các DN lớn” - Chủ tịch VCCI khẳng định.

Thực tế, sự phát triển của cộng đồng DN Việt ở Đồng Nai cũng đã xuất hiện những DN, doanh nhân phát triển lớn mạnh, mang tầm vóc quốc gia. Những người truyền cảm hứng cho doanh nhân Đồng Nai phải kể đến như: ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai khóa I, II) hay ông Phạm Đức Bình (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai khóa III).

Nhiệt huyết truyền “lửa” cho tinh thần khởi nghiệp từ những người đi trước như ông Trần Bá Dương và ông Phạm Đức Bình góp sức để càng về sau đội ngũ doanh nhân càng phát triển. Hiện nay, riêng Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã có đội ngũ gần 500 DN, hội viên; cùng với Hội Doanh nhân trẻ, các hiệp hội, hội ngành nghề khác như Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ, Hiệp hội Gốm, Hội Doanh nhân cựu chiến binh… cũng phát triển năng động, từng bước tạo dựng nên cộng đồng DN đông về số lượng thuộc hàng đứng đầu trong các địa phương cả nước.

Làm rõ thêm về giải pháp để hỗ trợ DN phát triển, PGS-TS.Trần Đình Thiên nhận định rằng, về mặt chính sách, Nhà nước không cách nào khác là phải tiếp tục đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ “sợi dây” trói buộc DN, tạo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế để DN, nhất là những đơn vị nhỏ, có điều kiện để phát triển, lớn lên.

Kỳ vọng vào Luật DN mới

Quốc hội đang chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật DN, nhiều doanh nhân, chuyên gia kinh tế kỳ vọng việc sửa đổi lần này sẽ tạo tiền đề để Việt Nam xây dựng được đội ngũ doanh nhân hùng hậu, thay đổi hình ảnh về các DN tư nhân hiện nay. Muốn vậy, phải giải quyết được 2 “nút thắt” là DN tư nhân “sợ lớn” và DN tư nhân “muốn lớn nhưng không lớn được”.

Ngoài việc tạo sự an toàn cho DN trong hoạt động kinh doanh, còn phải tạo sự an toàn trong bảo vệ tài sản của DN. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được số lượng DN đủ lớn, làm con chim đầu đàn, xây dựng thành các chuỗi liên kết, từ đó gắn kết cộng đồng DN để tập hợp sức mạnh đủ sức cạnh tranh cả trong và ngoài nước.

Đào Lê

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202003/de-cong-dong-doanh-nghiep-viet-lon-manh-2993435/