Để con 2 tuổi cầm vô lăng lái ô tô, bố mẹ bị xử lý thế nào?

Chuyên gia pháp lý nhận định việc để trẻ em cầm vô lăng điều khiển xe là rất nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông trong việc xử lý tình huống bất ngờ

Xôn xao clip bé 2 tuổi cầm vô lăng ô tô khi xe đang chạy trên đường

Mới đây, mạng xã hội có đăng tải hai đoạn clip ghi lại hình ảnh một em bé chừng 2 tuổi đứng trên ghế lái, hai tay cầm vô lăng xe ô tô. Hình ảnh đi kèm với nội dung: "Em lái xe đi ăn Trung thu".

Ngồi sát phía sau em bé, người bố dùng tay phải giữ chặt chân con cho khỏi ngã, còn tay trái cầm vào vô lăng, hỗ trợ điều khiển chiếc xe. Ngồi bên ghế phụ, một người phụ nữ vừa quay video vừa cổ vũ em bé.

Đoạn video này được cho là quay trên quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ngay sau khi hình ảnh được đăng tải, rất nhiều người đã vào bình luận, tỏ ra không đồng tình vì sự nguy hiểm của hành động này.

Để con 2 tuổi cầm vô lăng lái ô tô, bố mẹ bị xử lý thế nào?

Nhìn nhận về hành vi này dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm -Trưởng Văn phòng luật Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng về quy tắc lái xe, việc để trẻ em đứng trên lòng trước người lái và cầm vô lăng điều khiển xe là rất nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông trong việc xử lý khi gặp các tình huống bất ngờ.

Hình ảnh bé gái khoảng 2 tuổi cầm vô lăng điều khiển ô tô khiến nhiều người bất bình (Ảnh cắt từ clip).

Hình ảnh bé gái khoảng 2 tuổi cầm vô lăng điều khiển ô tô khiến nhiều người bất bình (Ảnh cắt từ clip).

Theo chuyên gia pháp lý này, căn cứ Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người giao xe hoặc để cho bé trai lái xe trong clip sẽ bị xử phạt như sau:

"Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

Khoản 7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điểm đ. Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), Khoản 1 Điều 62 của Luật Giao thông đường bộ (đối với xe máy chuyên dùng) điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng).

Clip ghi lại cảnh bé gái cầm vô lăng được lan truyền trên mạng xã hội (Nguồn: Facebook)

"Trong trường hợp người giao xe hoặc để cho người chưa đủ điều kiện lái xe gây tai nạn thì sẽ bị xử lý hình sự theo theo Điều 264, Bộ luật hình sự về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Hình phạt cao nhất cho tội này có thể lên đến 7 năm tù và bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng", luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.

Điều 264 (Bộ luật Hình sự): Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thươngcơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thươngcơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/de-con-2-tuoi-cam-vo-lang-lai-o-to-bo-me-bi-xu-ly-the-nao-d147971.html