Để có thêm nhiều ''đại sứ'' du lịch Đồng Nai

Mặc dù 'thương hiệu' của Đồng Nai lâu nay thiên về sản xuất công nghiệp hoặc sau này là 'thủ phủ' chăn nuôi, song thực tế, đây là vùng đất được ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên, thổ nhưỡng, phù hợp với định hướng phát triển du lịch.

Đồng Nai có sông, hồ, thác, núi, có một phần Vườn quốc gia Cát Tiên, có rừng tự nhiên, rừng ngập mặn, nhiều vùng trái cây trù phú. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi nhiều hộ gia đình, nông dân, doanh nghiệp nhỏ... tận dụng những ưu thế sẵn có này để khai thác du lịch.

Hình thức du lịch nhỏ lẻ, du lịch tự phát hiện nay khá phổ biến tại Đồng Nai, “nương” theo những lợi thế sẵn có của các địa phương. Chẳng hạn, các khu vực như H.Tân Phú, H.Định Quán thường có các địa điểm du lịch gần thác, hồ, gần Vườn quốc gia Cát Tiên. Khu vực TP.Long Khánh và H.Thống Nhất, H.Xuân Lộc phổ biến mô hình du lịch gắn với các vườn trái cây. Khu vực H.Long Thành, H.Nhơn Trạch vừa có vườn trái cây, vừa có các đặc sản nước lợ và rừng ngập mặn…

Không thể phủ nhận, các hình thức du lịch tự phát, quy mô nhỏ nói trên đem lại thu nhập cộng thêm (hoặc nhiều khi là thu nhập chính) cho người dân địa phương. Mặt khác, hình thức này tuy nhỏ lẻ nhưng cũng góp phần quảng bá khá tốt cho nhiều địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân và không ít trường hợp, từ những dịch vụ nhỏ lẻ ban đầu, nhiều nhà đầu tư thấy được tiềm năng lớn của khu vực đó và “rót” tiền vào, đầu tư các khu du lịch quy mô. Điển hình là các khu du lịch nổi tiếng hiện nay như: Công viên Suối Mơ (H.Tân Phú), Khu du lịch Thác Giang Điền (H.Trảng Bom)… trước đây đều chỉ nổi tiếng theo hình thức du lịch nhỏ lẻ, tự phát, sau này mới được đầu tư lớn.

Nói như vậy để thấy, du lịch theo hướng nhỏ lẻ, tự phát có vai trò riêng, song thực tế hoạt động của loại hình du lịch này rõ ràng cần được kiểm soát tốt và định hướng rõ ràng hơn để có sự phát triển đúng đắn và bền vững. Thực trạng nhiều nơi làm du lịch hiện nay bộc lộ nhiều điểm yếu cần cải thiện: dịch vụ nghèo nàn, quảng bá yếu, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát đồng bộ, giá cả bất hợp lý…

Thực tế cho thấy, dù quy mô lớn hay nhỏ, bản thân việc kinh doanh du lịch là kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và nó liên quan trực tiếp tới con người, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Sâu xa hơn, từng người kinh doanh du lịch tự phát, từng nhà vườn… ứng xử ra sao cũng liên quan đến hình ảnh của cả vùng, cả địa phương. Ấn tượng của từng du khách về du lịch Đồng Nai sẽ thông qua chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa và phong cách phục vụ người làm du lịch. Mỗi một dịch vụ du lịch dù lớn, dù nhỏ, một người hoạt động trong lĩnh vực đó là một “đại sứ” của du lịch địa phương, bởi mục đích của khách du lịch nhìn chung là để có những trải nghiệm tốt đẹp, vui vẻ về một vùng đất, con người, cảnh quan, món ăn… nào đó.

Xác định được vai trò, thực trạng của du lịch nhỏ lẻ để có sự sắp xếp, định hướng, tập huấn, quản lý… một cách đúng đắn, hướng đến sự phát triển lành mạnh, bền vững cho thị trường này là điều cần thiết đối với ngành du lịch Đồng Nai hiện nay.

Vi Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202003/de-co-them-nhieu-dai-su-du-lich-dong-nai-2992996/