Để có những gia tộc kinh doanh Việt Nam hùng mạnh

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, giáo dục gia đình là yếu tố vô cùng quan trọng làm nên sự vững mạnh của các gia tộc kinh doanh.

Trong mọi nền kinh tế, doanh nghiệp gia đình đóng vai trò như một hạt nhân quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt, tại Việt Nam, những doanh nghiệp thành đạt nhất trong những năm qua là những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình chứ không phải doanh nghiệp nhà nước.

Theo một thống kê được TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước.

Ghi nhận vai trò của các gia tộc kinh doanh tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) nhắc đến nhiều thương hiệu Việt nổi lên cùng với sự phát triển của những gia đình kinh doanh, thí dụ như Tân Hiệp Phát của gia đình ông Trần Quý Thanh - doanh nghiệp hàng đầu ngành nước giải khát của Việt Nam.

Những ái nữ nhà Trần Quý Thanh gồm Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích được đánh giá là tiêu biểu trong việc kế thừa thành công doanh nghiệp của gia đình và để có được thành công ấy, quan trọng là ông Thanh đã cho con đi đào tạo ở nước ngoài và về làm một cách bài bản.

Quan sát trong nhiều năm, PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận thấy, các gia tộc kinh doanh nổi lên ở Việt Nam phần nhiều là doanh nghiệp tư nhân, còn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) rất ít người đào tạo con cái nối nghiệp cha mẹ.

Lý giải điều này, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, người làm ở DNNN không coi đó là nghề kinh doanh, là sự nghiệp của mình để phải truyền đời cho con cháu mà chỉ là chức danh cán bộ nhà nước làm quản lý kinh tế, và quản lý kinh tế thì hễ có cơ hội thì người ta sẽ tìm cách tư lợi. Trừ trường hợp một số người lăn lộn vì sự nghiệp hoặc gặp cơ hội cổ phần hóa, phất lên như trường hợp ông Lê Văn Tam ở Công ty Mía đường Lam Sơn.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp tư nhân, họ coi đó là sự nghiệp từ tấm bé và như vậy thì phải dày công, tích lũy từng li từng tí, khi tích lũy được rồi thì chúng trở thành của họ.

Tân Hiệp Phát của gia đình ông Trần Quý Thanh được đánh giá là một trong số ít các thương hiệu thành công ở Việt Nam

Tân Hiệp Phát của gia đình ông Trần Quý Thanh được đánh giá là một trong số ít các thương hiệu thành công ở Việt Nam

Nhìn rộng ra các nước ở châu Á, PGS.TS Nguyễn Văn Nam ấn tượng với các gia tộc kinh doanh của Hàn Quốc, Nhật Bản với nhiều thương hiệu có lịch sử lên tới trăm năm.

Riêng Nhật Bản, sau năm 1945, các gia tộc kinh doanh vẫn được duy trì nhưng phát triển theo hướng đại chúng hóa. Tương tự, ở Hàn Quốc, các chaebol phát triển đến một mức độ nhất định cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng, mà Samsung là một ví dụ nên phải chuyển sang xã hội hóa.

"Nếu chỉ gói gọn những người trong gia đình, dòng họ với nhau thì hoặc không có tài năng, hoặc không tập hợp được tài năng. Khi doanh nghiệp lớn mạnh đến một mức độ nhất định thì lối quản lý kiểu gia đình trị trở nên lỗi thời, tài năng phải là của xã hội. Tài năng xuất chúng rất hiếm, trong xã hội mới có được nên muốn tồn tại và phát triển lâu dài, các gia tộc kinh doanh phải đại chúng hóa, trên cơ sở đó tìm kiếm được tài năng quản lý, từ đó mới có được vị trí xã hội.

Các gia tộc kinh doanh ở Việt Nam cũng đã bắt đầu xã hội hóa, nhưng tùy từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp trưởng thành đến mức độ nào đó thì tầm gia đình không đủ để quán xuyến, dẫn dắt được nữa", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ.

Theo vị chuyên gia, điều làm nên sự lớn mạnh của các gia tộc kinh doanh trước hết chính là sự tin cậy lẫn nhau, là truyền thống về sự hi sinh, kiên trì, tiết kiệm, không phô trương, chịu thương chịu khó, lăn lộn với công việc... Thường những người khởi nghiệp đều lăn lộn, vất vả, tìm được những con đường rất riêng biệt.

Thứ hai, quan trọng hơn, chính là truyền thống giáo dục gia đình. Ở Việt Nam, nhiều người giàu lên bắt đầu chiều con vô tội vạ, con muốn gì cũng đáp ứng nên sự nghiệp kinh doanh của gia đình dễ rơi vào cảnh cha mẹ làm, con phá. Trong khi đó, những người giàu châu Á khác, điển hình như người Hoa, họ giáo dục con cái rất nghiêm khắc ngay từ khi còn nhỏ.

"Những người ấy rất giàu nhưng khi con cái đến tuổi trưởng thành họ bắt đi làm, không phải trong doanh nghiệp của gia đình mà thường là trong doanh nghiệp của bạn bè từ vị trí của một nhân viên bình thường, không có bất kỳ đặc quyền, đặc cách nào để dần dần trưởng thành.

Có thể thấy những gia tộc kinh doanh ấy không dựa vào giáo dục nhà trường bởi nhà trường ở phương Đông thường giáo dục để làm quan, còn giáo dục gia đình là giáo dục ý thức học hành và tinh thần lao động", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ.

Đây cũng chính là một trong những lý do khiến Việt Nam chưa có nhiều gia tộc kinh doanh lớn mạnh, ông nhận xét. "Giáo dục rất quan trọng, và giáo dục gia đình ở Việt Nam còn chiếm một nửa thành công của đứa trẻ. Chọn trường nào thì chọn, đổ bao nhiêu tiền của vào đó, nhưng nếu gia đình không quan tâm thì trẻ không thể thành tài, nối nghiệp cha mẹ được.

Nhiều quan chức nhà nước, giám đốc DNNN ở Việt Nam rơi vào tình trạng này: Rất nhiều người trong số họ từ nghèo đói đi lên, thấy đời mình khổ quá, muốn con đỡ khổ nhưng lại tư duy theo kiểu con yêu cầu gì thì chiều nó cái đó thành ra con nghiện ngập, chơi bời.

Đáng lẽ phải ý thức được kinh doanh là một sự nghiệp và sự nghiệp này phải rất dày công, hao tâm tổn trí, song chưa có nhiều gia đình ở Việt Nam làm được điều đó, trừ một số gia đình gia giáo, bắt con cái cũng phải học cách làm và làm từ bé như bố mẹ.

Một số ít gia đình làm được điều đó thì rất vững chắc, họ làm ăn đàng hoàng, không lừa đảo, gian dối vì đó là sự nghiệp của họ, của gia tộc, phải trân trọng, bảo vệ sự nghiệp ấy", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chia sẻ.

Từ những phân tích ở trên, nhìn vào con số thống kê về đóng góp của các doanh nghiệp gia đình vào GDP của Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại tin rằng đó là một con số đúng bởi những gia đình đã có truyền thống thường làm ăn đúng đắn dù không phủ nhận luật pháp của Việt Nam còn sơ hở, có một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất làm hỏng doanh nghiệp.

Để Việt Nam ngày càng có nhiều gia tộc kinh doanh lớn mạnh, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, yếu tố quan trọng đầu tiên là ý thức của các nhà kinh doanh. Bản thân họ phải hiểu đây là một sự nghiệp chứ không phải là một cơ hội, một vụ "áp phe". Hơn nữa đây không phải chỉ là sự nghiệp của một đời mà mấy đời. Do đó, yếu tố quan trọng tiếp theo chính là quá trình đào tạo con cái nối nghiệp.

Về phía Nhà nước, chính sách phải hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân. Chính sách ấy đã được thể hiện qua nhiều văn bản, nghị quyết, thế nhưng để biến thành hành động cụ thể vẫn còn có khoảng cách.

"Nói một cách thẳng thắn, chính sách ấy chưa đủ độ, đâu đó vẫn còn sự phân biệt đối xử, ưu ái cho DNNN", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/de-co-nhung-gia-toc-kinh-doanh-viet-nam-hung-manh-3395750/