Để có nhiều hơn những 'sao mai' như Hai Long…

Sau kỳ tích Thường Châu của U23 Việt Nam, bóng đá trẻ được quan tâm hơn rất nhiều. Với Quảng Ninh, đào tạo trẻ, tạo lớp kế cận đang được thực hiện cẩn thận, bài bản hơn, bước đầu rút ngắn chặng đường dài này.

Sau những thăng trầm của mùa giải V-league 2020, có lẽ điều đọng lại, làm khán giả Vùng mỏ cảm thấy vui đó là sự tiến bộ của các cầu thủ trẻ Than Quảng Ninh. Sự trình làng của Hai Long và các cầu thủ trẻ Than Quảng Ninh cho thấy sự quan tâm, đầu tư công tác đào tạo trẻ.

Được "thử lửa" ở các sân chơi chuyên nghiệp giúp Hai Long và các cầu thủ trẻ khác được rèn luyện và chứng minh tài năng.

Được "thử lửa" ở các sân chơi chuyên nghiệp giúp Hai Long và các cầu thủ trẻ khác được rèn luyện và chứng minh tài năng.

Câu chuyện của Hai Long và các cầu thủ trẻ Than Quảng Ninh là một ví dụ. Ít ai biết rằng trước khi tỏa sáng, Hai Long từng ăn tập ở Viettel 5 năm đầu sự nghiệp. Tới 2015, Than Quảng Ninh đã kéo Hai Long về để mài rũa. Đầu năm 2020, Hai Long được tin cậy đôn lên đội 1, ra sân đôi lần từ ghế dự bị. Được tin cậy, được rèn luyện, Hai Long đã phát triển tài năng khi thay thế Hải Huy chấn thương.

Nhìn vào truyền thống, dù chơi ở cấp độ nào, bóng đá Vùng mỏ cũng thường xuyên sản sinh những cầu thủ trẻ tài năng. Trước đó, lò đào tạo của Than Quảng Ninh đã cho ra lớp cầu thủ trẻ đã chung vai đưa Than Quảng Ninh lên chuyên nghiệp, với những gương mặt nổi bật như: Minh Tuấn, Hải Huy, Tuấn Linh... Họ cùng ăn tập, trưởng thành và cùng nhau tỏa sáng, trở thành trụ cột của đội Than Quảng Ninh ở V-league.

Điều này cho thấy, bóng đá trẻ Quảng Ninh rất có triển vọng và không thiếu những tài năng và phát lộ được bao nhiêu có lẽ một phần quan trọng là từ hệ thống đào tạo trẻ được quan tâm ra sao. Nhìn rộng ra các địa phương có “lò” đào tạo được đánh giá tốt, dễ thấy, ngoài truyền thống, mỗi nơi đều có sự quan tâm lớn, đầu tư bài bản. Đó là truyền thống và sự đồng đều các tuyến ở lò đào tạo có tiếng của Sông Lam Nghệ An; sự bài bản và đội ngũ tuyển trạch tài năng ở "lò" Hà Nội FC hoặc chú trọng “thầy giỏi sẽ có trò giỏi” của "lò” VPF. Cao hơn nữa đó là sự đầu tư bài bản, quy mô và khoa học từ cơ sở vật chất tới công thức ở Hoàng Anh Gia Lai hoặc Viettel.

Để khắc phục những "lỗ hổng", thiếu đồng bộ trong đào tạo các tuyến trẻ từ trước, Quảng Ninh đã triển khai chương trình đào tạo theo cơ chế “đặt hàng”. Công tác đào tạo trẻ được “quy về một mối” cho Công ty TNHH MTV Bóng đá Than Quảng Ninh - đơn vị quản lý đội bóng Than Quảng Ninh. Cách làm này tạo nên sự thông suốt từ khâu tuyển chọn tới công tác đào tạo, sát với nhu cầu sử dụng với kết quả, mục tiêu đạt được theo yêu cầu "đặt hàng". Theo đó, từ tuyển lớn cho đến U11 thực hiện theo giáo trình đồng bộ, từ bài kiểm tra đầu vào, đến các bài kiểm tra thường kỳ. HLV trưởng đội Than Quảng Ninh kiêm Giám đốc kỹ thuật thống nhất giáo án từ U15, U17 cho đến U21. Công tác kiểm tra, tuyển chọn và thải loại đều thống nhất theo một hướng, không có sự vênh nhau giữa nhu cầu sử dụng và đào tạo.

Chú trọng “có thầy giỏi mới có trò giỏi”, các HLV tham gia công tác huấn luyện đều là các cầu thủ chuyên nghiệp nghỉ thi đấu tham gia huấn luyện. Tiêu biểu như: Nguyễn Huy Cường (HLV U17), Hoàng Tuấn Anh (HLV U11), Nguyễn Xuân Quyết (HLV U15)... Ngoài ra, các cầu thủ trẻ có kỹ năng cũng được cho mượn để được thi đấu, cọ sát nhiều hơn ở các giải cấp thấp.

Các cầu thủ U13 Than Quảng Ninh đã xuất sắc giành quyền tham dự vòng chung kết U13 toàn quốc sau 11 năm vắng bóng ở sân chơi này.

Có thể thấy bước đầu đào tạo trẻ đã có nhiều chuyển biến, áp dụng được các điểm ưu việt mà các trung tâm đào tạo trẻ có tiếng trong nước. Đào tạo trẻ bước đầu đã thu được "trái ngọt" đầu tiên khi tuyển các lứa U đã dần khẳng định tên tuổi ở các giải cấp Quốc gia, thay vì các mùa giải trắng tay hoặc ngồi nhà xem đội bạn thi đấu. Các cầu thủ trẻ được đôn lên đội 1 cũng dần tăng. Năm 2019 có 2 cầu thủ, 2020 có 6 thì 3 cầu thủ được thi đấu, trong đó Hai Long tỏa sáng rực rỡ. Các "sao mai" Than Quảng Ninh cũng dần khẳng định mình và được HLV Troussier, Park Hang-seo triệu tập lên các đội tuyển Quốc gia như: Bùi Ngọc Long triệu lên U19 Quốc gia; Nguyễn Hai Long, Vũ Hồng Quân lên tuyển U22…

Đào tạo trẻ là cách làm từ gốc, từ đó cho các kết quả bền vững trong bóng đá và Quảng Ninh đang quan tâm những bước khởi đầu. Nhiều người vẫn ca ngợi cách làm của Viettel, Hoàng Anh Gia Lai. Đơn cử như ở Hoàng Anh Gia Lai, ngoài cơ sở vật chất đầy đủ, ngay mùa đầu tuyển sinh 2017, Hoàng Anh Gia Lai nhận 21.000 đơn, 7.000 cầu thủ được chọn để lấy 18 người và từ đó mới ra được lớp Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng. Ngoài các giáo án, phương pháp tiên tiến, các cầu thủ được chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe, y tế tiên tiến. Đơn cử như chấn thương của Tuấn Anh, Xuân Trường đều được chỉ định điều trị ở nền y học thể thao tiên tiến của Pháp, Singapore... tốn hàng trăm triệu tới cả tỷ đồng.

Nói như vậy để thấy rằng, để thành công, đào tạo trẻ đòi hỏi đầu tư lớn, cách làm bài bản, xuyên suốt, chứ không thể "một sớm, một chiều"... là thành công. Chính vì thế, trong tương lai cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, sân tập, nơi ở tập trung dễ quản lý cầu thủ, tuyển mộ tài năng rộng, tới chế độ dinh dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng HLV, tăng cường cọ sát để từ đó phát huy được tài năng cầu thủ trẻ.

Hà Phong

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/the-thao/202102/de-co-nhieu-hon-nhung-sao-mai-nhu-hai-long-2520402/