Để có một vùng biên trù phú và yên bình

Tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai - nơi vừa diễn ra nhiều sự kiện của giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 2, đồng bào các dân tộc đã phát triển được vùng chuyên canh dứa có hiệu quả. Diện tích canh tác dứa của toàn xã lên tới 500ha, tập trung nhiều ở các thôn Cốc Phương, Na Lốc 1, Na Lốc 2, Na Lốc 3, Na Lốc 4. Năm nay, bà con Bản Lầu được mùa dứa. Chung vui với bà con, Đồn BP Bản Lầu đã cử nhiều cán bộ tới giúp người dân thu hoạch dứa.

Cán bộ Đồn BP Bản Lầu giúp dân thu hoạch dứa.

Cán bộ Đồn BP Bản Lầu giúp dân thu hoạch dứa.

Những ngày này đang là cuối vụ thu hoạch dứa, từ sáng sớm, bà con đã lên nương. Không khí lao động ở xã vùng biên này hối hả, khẩn trương hơn bao giờ hết. Chúng tôi có mặt ở thôn Na Lốc 4, khi mặt trời đã lên cao. Lúc này, bà con đang tấp nập địu những gùi dứa từ trên đồi về điểm thu mua tại thôn để xuất khẩu sang Trung Quốc và bán cho các tư thương đến từ các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên. Không khí mua bán diễn ra khá sôi động, lan tỏa niềm vui của người nông dân. Một tư thương trong nước cho biết: Chưa có năm nào dứa lại được giá như năm nay. Dứa loại to đã được thu mua từ trước. Đến thời điểm này, hầu như chỉ còn những quả dứa loại vừa mà giá mua vẫn từ 4.000 - 4.500 đồng/kg.

Tại nương dứa đang chín vàng của nhà ông Thào Dìn, thôn Na Lốc 4, thấp thoáng màu áo xanh của các cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bản Lầu. Những người lính áo xanh này có mặt trên nương từ sáng sớm, cùng với người nhà ông Dìn thu hái, xếp dứa vào gùi rồi đưa về điểm tập kết. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo và trên gương mặt, nhưng mọi người đều làm việc hăng say. Ông Dìn là một trong những người đầu tiên mang cây chuối, cây dứa về đất Bản Lầu này trồng. Ông chia sẻ: "Vào vụ dứa, từ 5 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt trên nương dứa. Đúng vào lúc cao điểm, Đồn BP Bản Lầu đã cử cán bộ đến giúp bà con thu hoạch dứa. Chúng tôi rất vui và xin cảm ơn BĐBP".

Ông Dìn cho biết thêm: "Vụ dứa năm nay, gia đình tôi ước thu gần 400 triệu đồng. Những năm trước, bà con ở đây chủ yếu vận chuyển chuối, dứa bằng sức người, sức ngựa nên rất khó khăn. Bây giờ được nhà nước đầu tư con đường nhựa rất thuận lợi cho việc vận chuyển bằng xe máy, ô tô, giúp cho người dân bớt vất vả và yên tâm lao động sản xuất".

Ông Dương Chấn Thạch, một thương lái người Trung Quốc cho biết: "Nhà tôi ở bên kia biên giới. Chúng tôi là những người anh em kết nghĩa, năm nay, chúng tôi thu mua toàn bộ dứa của bà con Cốc Phương. Chúng tôi đã đến từng nhà để đặt tiền mua dứa từ lúc quả còn non. Khi sang đây buôn bán, chúng tôi được chính quyền và lực lượng Biên phòng tạo điều kiện rất ngon. Chất lượng dứa ở Cốc Phương rất tốt, giá cả hợp lý cho nên công việc làm ăn của chúng tôi rất thuận lợi".

Cho đến nay, cây dứa, cây chuối đã giúp gia đình ông Dìn và nhiều hộ dân khác ở xã Bản Lầu thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều hộ dân đã mua được ô tô, xây dựng nhà kiên cố. Chỉ tính riêng thôn Cốc Phương, toàn bộ 36 hộ dân của thôn đến nay không còn hộ nghèo. Thượng tá Hán Đức Dương, Chính trị viên Đồn BP Bản Lầu cho biết, những ngày này, chỉ huy đồn đã cử từng tổ công tác từ 3 đến 5 đồng chí luân phiên nhau, đến từng hộ dân để giúp bà con thu hoạch. Mỗi héc-ta dứa đạt năng suất bình quân từ 25 - 30 tấn, với giá bán khá ổn định so với năm trước, trung bình từ 4.500 - 5.000 đồng/kg, người trồng dứa ở xã Bản Lầu, Mường Khương thu được trên 150 triệu đồng/héc-ta. Uớc tính vụ dứa năm nay, bà con trong xã thu được khoảng 70 tỷ đồng.

Có thể nói, việc hình thành vùng dứa Bản Lầu là kết quả từ sự năng động, sáng tạo, nhạy bén với cơ chế thị trường của bà con các dân tộc nơi đây. Đây cũng là minh chứng cho hiệu quả của chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo hướng sản xuất hàng hóa một cách hợp lý của Đảng bộ huyện Mường Khương. Trong sự thành công này có vai trò của sự giao lưu về kỹ thuật, thương mại giữa người dân hai bên biên giới. Trong đó, Đồn BP Bản Lầu đã tạo điều kiện cho quá trình hợp tác giữa người dân hai bên biên giới diễn ra được an toàn, thuận lợi, đảm bảo đúng pháp luật, không để xảy ra hiện tượng phức tạp, góp phần làm nên một vùng quê biên giới trù phú, yên bình.

Trung Dũng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/de-co-mot-vung-bien-tru-phu-va-yen-binh/