Để có một đường tàu đi vào trái tim Thủ đô

Ký ức về tiếng tàu điện leng keng giữa lòng Thủ đô nhiều thập kỷ trước tưởng như sẽ được tái hiện tại tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Vậy nhưng sau rất nhiều năm chuẩn bị, cho đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai, mà vướng mắc lớn nhất chính là nhà ga C9 - ga Bờ Hồ chưa được phê duyệt.

Lợi ích toàn diện
Tốc độ phát triển dân số đô thị của Hà Nội ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Trước áp lực ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng đè nặng lên quỹ hạ tầng eo hẹp hiện có. Để đáp ứng phát triển bền vững, tăng năng lực của hệ thống giao thông công cộng, nhu cầu xây dựng mạng lưới ĐSĐT đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Trong đó phải kể đến vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của dự án xây dựng tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đây là đoạn tuyến thẳng kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm TP đồng thời cũng là tuyến ĐSĐT hướng tâm kết hợp vành đai, khi hoàn thành sẽ trở thành một trong những trục chính của mạng lưới vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô.

Phối cảnh nhà ga C9.

Phối cảnh nhà ga C9.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo còn giúp cải thiện môi trường hướng đến không gian sống xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống khi góp phần giảm bớt đáng kể lượng xe cá nhân. Bên cạnh đó, đoạn tuyến ĐSĐT này còn được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm nhấn văn hóa của Thủ đô, mang lại cho Hà Nội một nét đẹp hiện đại mà vẫn hài hòa, nhất là khu vực nhà ga C9 - ga Bờ Hồ, nơi nhiều thập kỷ trước vẫn có tiếng leng keng của các chuyến tàu điện. Tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được triển khai là một điều tất yếu, lợi ích mang lại khá toàn diện cho cả kinh tế - xã hội và văn hóa.
Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai. Trong các dự án ĐSĐT đang nằm... trên giấy, đáng tiếc nhất là dự án ĐSĐT tuyến số 2 bởi nó đã chuẩn bị gần như hoàn chỉnh để đi vào thực hiện. Thực tế dự án đã được nghiên cứu ngay từ năm 2004 với sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ nguồn vốn ODA Nhật Bản, được các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu tâm huyết trong hàng thập kỷ, đã qua thẩm tra, đánh giá độc lập của tư vấn nước ngoài (do Bộ KH&ĐT thực hiện). Ròng rã hơn 10 năm, dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết toàn bộ phần tuyến, khu depot, các ga trên cao, 6/7 ga ngầm và chỉ còn lại duy nhất ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Vì một Thủ đô xanh, hiện đại
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ của các dự án ĐSĐT. Tuy nhiên, đối với dự án này, vướng mắc chính là những bất cập của Điều 32 Luật Di sản văn hóa, chỉ cho phép xây dựng ở khu vực bảo vệ II các công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích nhưng không quy định các công trình này là thế nào.
Điều đó dẫn đến các lý giải khác nhau. Bên ủng hộ cho rằng hệ thống ĐSĐT và ga ngầm C9 là công trình góp phần bảo vệ và phát huy di tích lịch sử quốc gia hồ Hoàn Kiếm. Và nó cần phải được xây dựng ngay để giải quyết các vấn đề tồn tại như thông lệ ở khắp nơi trên thế giới, việc xây dựng như vậy vẫn tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa của Việt Nam, cũng như theo Hiến chương về bảo vệ TP và khu vực đô thị lịch sử (Hiến chương Washington 1987) mà Việt Nam đã tham gia.
Một số ý kiến phản đối khác, mặc dù đã được chủ đầu tư, UBND TP Hà Nội báo cáo, giải thích nhiều lần, vẫn cho rằng không được xây dựng ga ngầm C9 do vi phạm Luật Di sản văn hóa, sẽ gây hư hỏng khu di tích vì những nguy cơ tiềm ẩn… Thậm chí những người phản đối còn bỏ qua thực tiễn trên thế giới và ý kiến ủng hộ mạnh mẽ của các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín.
Đến nay lại tiếp tục có ý kiến bỏ nhà ga C9. Trong khi dự án không triển khai được, các luồng dư luận trái chiều lại đan xen nhau. Hệ lụy là người dân không có ĐSĐT sử dụng, không gian văn hóa của Hà Nội cũng phải mòn mỏi chờ một điểm nhấn.
Tại Nhật Bản, Đài Loan, Italia, Pháp… đều có những đoàn tàu điện ngầm chạy qua các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, thậm chí là mang tầm thời đại như: Đấu trường La Mã; Nhà thờ Đức bà Pari… Vậy thì tại sao chúng ta lại phải lo sợ khi có một nhà ga ngầm C9, nơi góp phần làm di sản hồ Hoàn Kiếm - trái tim Thủ đô được kết nối thẳng với Nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế? Chẳng phải các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của di sản sẽ càng được bảo tồn và phát triển, phát huy khi nó lan tỏa, đến được với nhiều người?
Thiết nghĩ, đã đến lúc Chính phủ và chính quyền TP Hà Nội cần có những hành động quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ triển khai dự án ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo để Hà Nội có một đường tàu kết nối thẳng với trái tim Thủ đô.

Chuyên gia giao thông, kỹ sư Trần Thế Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-co-mot-duong-tau-di-vao-trai-tim-thu-do-417293.html