Để cơ hội thành hiện thực: Cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Như vậy là sau 9 năm đàm phán, chiều 30 tháng 6 vừa qua, Việt Nam - EU (Liên minh châu Âu) đã chính thức ký hai Hiệp định quan trọng: Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Thủy sản sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu hơn vào thị trường EU.

Đây là hai Hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao, bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên. Việc ký kết các hiệp định này sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thương mại truyền thống mà cả trong lĩnh vực thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế Việt Nam theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, thông lệ tốt của quốc tế, đặc biệt là của EU.

Với phạm vi bao trùm cả các vấn đề phát triển, EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ là động lực để Việt Nam cải thiện các điều kiện về lao động, các vấn đề về môi trường và những khía cạnh liên quan khác.

Liên minh châu Âu (EU) là liên minh kinh tế - chính trị, bao gồm 28 quốc gia thành viên thuộc châu Âu, với gần 600 triệu dân, GDP danh nghĩa chiếm khoảng 22% (16,2 nghìn tỷ đô la Mỹ năm 2015) và GDP sức mua (PPP) chiếm khoảng 17% (19,2 nghìn tỷ đô la Mỹ năm 2015) của thế giới.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Khi EVFTA và EVIPA có hiệu lực (sau khi được Quốc hội Việt Nam, Nghị viện châu Âu và Nghị viện 28 nước thành viên phê chuẩn), hàng hóa Việt Nam được ưu tiên vào thị trường EU, đặc biệt là với việc cắt giảm thuế (ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế và xóa gần 100% sau 7 năm. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết).

Theo đó, những sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau củ quả, những mặt hàng có lợi thế khác biệt của Việt Nam sang EU với thuế quan ưu đãi sẽ mang về thu nhập cao hơn cho nông dân Việt Nam, những người đang có thu nhập trung bình chưa cao có cơ hội nâng cao thu nhập.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việc ký kết hai hiệp định sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau…

Theo các chuyên gia kinh tế, trong những năm qua, Việt Nam ta đã ký kết 16 hiệp định Thương mại tự do (FTA), 12 hiệp định đã được thực thi nhưng lợi ích thực sự còn khiêm tốn (năm 2018, chỉ có 39% kim ngạch xuất khẩu qua các thị trường có FTA tận dụng được ưu đãi thuế quan. Hơn một nửa các lợi ích thuế quan kỳ vọng từ FTA vẫn tuột khỏi tay doanh nghiệp nội).

Thêm nữa, tham gia FTA nói chung hay EVFTA nói riêng không chỉ có màu hồng nếu chúng ta không chuẩn bị nhanh chóng và kỹ càng mọi việc.

Theo nhiều chuyên gia, nhận định của Thủ tướng “việc ký kết hai hiệp định sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại” là chuẩn xác vì nó sẽ giúp đất nước, doanh nghiệp, người dân Việt Nam đi nhanh hơn, vững chắc hơn đến với sự thịnh vượng, nước công nghiệp hóa phát triển. Tuy nhiên, để đi trên cao tốc, các chuyên gia cho rằng, cỗ xe - nền kinh tế Việt Nam phải đảm bảo an toàn về kỹ thuật và đặc biệt, những người điều khiển cỗ xe, cả Chính phủ, các bộ ngành, các doanh nghiệp và mọi người dân Việt Nam cần nắm chắc luật chơi, tỉnh táo để ứng phó phù hợp với sự cố nếu xảy ra.

Chỉ có chuẩn bị thật tốt về mọi mặt chúng ta mới nắm chắc cơ hội, khắc phục điểm yếu, tạo nên thành công.

Hiền Anh

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/de-co-hoi-thanh-hien-thuc-can-su-chuan-bi-ky-luong-post28972.html