Để chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả cao

Những năm trở lại đây, một số hộ nông dân ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện chuyển đổi từ những vườn cây kém hiệu quả sang các cây trồng có kinh tế hơn.

Những năm trở lại đây, một số hộ nông dân ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện chuyển đổi từ những vườn cây kém hiệu quả sang các cây trồng có kinh tế hơn.

Cụ thể như có nhiều hộ chuyển từ trồng cây hồ tiêu sang trồng bơ. Với giá bơ ở mức hơn 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, các hộ đạt lợi nhuận khoảng gần 100 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi đó, so với cây tiêu thì cây bơ tốn ít tiền đầu tư hơn, công chăm sóc cũng giảm. Một số hộ dân lại chuyển sang trồng đu đủ sạch theo hướng VietGAP, có thực hiện liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp. Theo tính toán, với gần 5.000 gốc đu đủ, giá bán dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg (giá bán chợ) và từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg (giá nhập vào các siêu thị), thì sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận của người trồng vẫn đạt khoảng hơn 300 triệu đồng/ha/năm. Đây là mức thu nhập cao hơn rất nhiều so với các cây trồng khác. Ngoài ra, một số hộ cũng chuyển đổi sang trồng nha đam, trung bình mỗi hộ có khoảng 6.000 m2 nha đam, thu nhập ở mức 180 triệu đồng/năm.

Nhờ hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng những năm vừa qua, huyện Châu Đức đang tiếp tục khuyến khích người dân tăng diện tích chuyển đổi từ các cây trồng kém hiệu quả, không phù hợp với vùng đất, khí hậu sang trồng các cây cho hiệu quả kinh tế cao. Nông dân rất phấn khởi và hưởng ứng phong trào này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại về một số vấn đề như vốn vay ưu đãi; chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi vì hầu hết là các loại cây mới, nhiều hộ nông dân chưa từng biết cách trồng và chăm sóc. Chính vì vậy, nếu các cơ quan chức năng huyện có chính sách hỗ trợ về vốn hay tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật thì người dân sẽ yên tâm hơn trong quá trình triển khai thực hiện. Mặt khác, hiện nay, hầu hết nông sản muốn bán giá cao, ổn định đầu ra thì đều phải thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm; đồng thời đáp ứng các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm…, cho nên rất cần có sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước để hướng dẫn quy trình, thủ tục, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản mới.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/de-chuyen-doi-cay-trong-dat-hieu-qua-cao-639124/