Để chuột rừng, cá suối trở thành...'đại sứ du lịch'

Trên bếp lửa hồng giữa ngôi nhà cộng đồng ở bản A Ka - A Chi, xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, những con chuột rừng, cá suối, ếch núi dúm lá chuối hoặc bỏ trong ống tre cùng mấy khúc xôi nếp than... đang được vùi trong những đụn than đỏ rực. Sau thời gian cỡ chừng đi hết đoạn đường vài con dao quăng, giữa nghi ngút khói, các món ăn dân dã với đủ sắc màu của núi rừng, sông suối thơm lừng được bày ra thết đãi du khách...

Món xôi nếp than "đệ nhất ngon" của đồng bào Cơ Tu, Pa Cô. Ảnh: Phương Uyên

Trải nghiệm tuyệt vời

Mới liếc qua sắc màu tím rịm của ống xôi nếp than đang phả hơi nóng rẫy, hay đĩa chuột nướng vàng ươm quyện cùng màu xanh của các loại lá gia vị vừa được hái từ ngoài rừng về, du khách đã xuýt xoa bàn tán về những vị đặc trưng riêng mang đậm hương vị của núi rừng, sông suối mà không phải vùng miền nào trên đất Việt cũng có. Tìm hiểu mới biết, đây là những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, Pa Cô, Cà Tu ở A Lưới trong dịp Tết cổ truyền hay mùa lễ hội. Tất nhiên là không thể thiếu hũ rượu tà vạt (được làm từ nước lấy trong thân của một loại cây rừng họ dừa) cùng những tiếng cồng chiêng đánh lên trong khi dân làng sum vầy ăn uống.

Vừa lật trở những món thịt đang nướng trên than hồng, chị Kăn Phơng, một phụ nữ Cơ Tu được UBND xã A Roàng nhờ làm "nhân viên du lịch" ở nhà cộng đồng, vừa tranh thủ giới thiệu về loại chuột thường dùng để làm món chuột nướng ống, loại đặc sản có một không hai trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Chị Phơng bảo, sau khi bẫy ngoài rừng mang về, chuột được lột da, bỏ đầu, tứ chi cùng nội tạng, rồi rửa với muối cho thật sạch, sau đó để ráo, ướp với muối, ớt, sả và tỏi băm. Để khoảng 30 phút cho thịt chuột thấm đều gia vị rồi bỏ vào ống tre rừng nướng trên bếp hồng. "Nhà nào trong năm, mùa màng không được bội thu thì trong dịp Tết hay lễ mừng cơm mới cũng phải có từ hai đến ba món ăn truyền thống. Nhưng món chuột nướng ống thì không thể thiếu..." - Chị Phơng tiết lộ.

Người phụ nữ Cơ Tu xinh đẹp vừa dứt lời, Giêm Ét-uốt Út, một sinh viên người Mỹ đang theo học tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã có mặt ở A Lưới được ba ngày để khám phá vùng núi non hiểm trở đã đi vào huyền thoại qua cuộc chiến mà đồng bào của anh từng "góp mặt", hể hả cười: "Món ăn của người bản địa A Lưới rất ngon, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để thưởng thức. Như tôi, ban đầu rất... sợ hãi. Chỉ sau khi "liều" nếm hương vị của chúng mới thấy tuyệt vời. Được trải nghiệm qua món chuột nướng ống chấm muối ớt, thưởng thức trọn vẹn những dư vị tuyệt vời của nó, với tôi là một kỷ niệm không bao giờ quên...".

Khách du lịch tham quan di tích chiến tranh ở A Lưới. Ảnh: Phương Uyên

Mong đặc sản đại ngàn trở thành "đại sứ" du lịch

Nằm giữa một lòng chảo khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn, A Lưới là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, đông nhất là các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu... Mỗi dân tộc, hằng năm đều tổ chức nhiều lễ hội, sau khi công việc nương rẫy đã hoàn tất. Những ngày lễ như A riêu ping (lễ cải táng và phong thần), lễ đâm trâu xây cột, mừng lúa mới... diễn ra nhộn nhịp suốt mùa hanh khô.

Trong lễ, Tết, ẩm thực của các dân tộc A Lưới có nhiều nét tương đồng, từ món ăn cho đến thức uống. Bây giờ, Tết của đồng bào vùng cao A Lưới đã hòa cùng với Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng ẩm thực trong ngày Tết của đồng bào luôn mang đậm bản sắc riêng. Những món đặc sản từ chuột rừng, ếch núi nướng, cá gói lá rừng vùi tro, cho đến các loại thịt nướng tươi, nướng khô, muối chua cùng những thức uống đặc thù như rượu tà đin, rượu tà vạt, rượu mía...

Điều đáng mừng là, theo dòng khách du lịch đổ lên A Lưới theo các tua du lịch cộng đồng, hiện nay, các món ăn truyền thống cổ xưa của các cộng đồng dân tộc thiểu số sống giữa đại ngàn đã được "lên ngôi" trong chính ngôi nhà gươl truyền thống, đặc biệt là, mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Do nguyên liệu chế biến món ăn truyền thống của đồng bào đa số được hái, bẫy, bắt từ núi, từ sông suối và chăn thả tự nhiên nên luôn được thực khách đến từ thành phố, đồng bằng "mê tít". Và thật vui khi biết rằng, những "vốn quý" này đang được các ban, ngành chức năng địa phương "triển khai" một cách nhuần nhuyễn nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách tại các điểm du lịch cộng đồng như A Ka - A Chi (xã A Roàng), A Hưa (xã Nhâm) cũng như các khu du lịch khác như di tích lịch sử đồi A Biah (đồi Thịt Băm), thác A Nôr, suối A Lin...

Dưới góc nhìn của nhiều du khách "sành điệu", "hệ thống" các món ẩm thực đặc sản núi rừng, sông suối "không nơi nào có được" như ở A Lưới chính là một minh chứng rõ ràng nhất về lợi ích, khi giá trị truyền thống được trân quý và khai thác một cách khéo léo. Và câu chuyện này được mở ra một hướng mới trong tiến trình phát triển ở một huyện vùng cao còn nhiều gian khó: Thay vì đầu tư tiền tỉ để các địa phương "xóa đói giảm nghèo", nhưng sau một thời gian, người dân nghèo vẫn hoàn nghèo, có thể lấy việc bảo tồn những giá trị truyền thống một cách bền vững, chấn hưng, phát triển nó lên một tầm cao mới, biến nó trở thành công cụ để xóa nghèo, khởi giàu.

Nói cụ thể hơn, với giá trị văn hóa đặc sắc ẩn chứa trong nghệ thuật ẩm thực truyền thống của đồng bào Cơ Tu, Pa Cô, Cà Tu..., nếu được chú ý chăm chút, hỗ trợ, vận dụng nó một cách hợp lý, thì chính chúng sẽ trở thành "đại sứ du lịch" cho vùng cao A Lưới. Từ đó, góp phần cùng những điểm nhấn khác như lễ hội, nghề truyền thống, di tích lịch sử và phong cảnh thiên nhiên hữu tình cùng những con người thân thiện, mến khách làm nên một "bức tranh" du lịch A Lưới khởi sắc và tỏa sáng.

Hoàng Phương Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/de-chuot-rung-ca-suoi-tro-thanh-dai-su-du-lich/