Để chương trình OCOP phát huy hiệu quả

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thực hiện mục tiêu phát triển các tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế của địa phương góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Qua thời gian triển khai chương trình, ở huyện Vĩnh Thạnh đã đạt được kết quả bước đầu, tuy nhiên để chương trình phát huy hiệu quả cần có nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn.

Lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh thăm cánh đồng sản xuất lúa sạch (sản phẩm tham gia chương trình OCOP) của THT My Hậu.

Lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh thăm cánh đồng sản xuất lúa sạch (sản phẩm tham gia chương trình OCOP) của THT My Hậu.

Với mong muốn chủ động từ đầu vào tới đầu ra và xây dựng thương hiệu gạo sạch - sản phẩm đặc trưng cho địa phương mình, Tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa sạch My Hậu ở ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ ra mắt và đi vào hoạt động vào cuối năm 2018. Vụ đông xuân 2018-2019 THT đã gửi mẫu gạo nhờ cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, kết quả đạt các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó THT liên hệ Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ thương hiệu “gạo sạch My Hậu”, thuê cơ sở thiết kế logo, nhãn mác và in ấn bao bì, đóng gói, đưa sản phẩm gạo sạch My Hậu ra thị trường. Thế nhưng qua hơn một năm sản phẩm của My Hậu vẫn chưa được nhiều người biết đến, nên sản lượng tiêu thụ chưa nhiều. Năm 2019, sản phẩm gạo sạch My Hậu được huyện Vĩnh Thạnh lựa chọn tham gia chương trình OCOP các thành viên trong THT vô cùng phấn khởi. Ông Dương Đình Vũ, Tổ Trưởng THT, nói: “Tham gia chương trình THT được hỗ trợ quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, giúp gạo sạch My Hậu có chỗ đứng trên thị trường góp phần tăng thu nhập cho các thành viên và hơn hết là địa phương mình có sản phẩm đặc trưng”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, chương trình OCOP nhằm thực hiện mục tiêu phát triển các tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế của địa phương đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu, có nhãn mác, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc. Việc triển khai chương trình có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và khu vực nông thôn nói riêng nhằm khơi dậy sức sáng tạo của cộng đồng. Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tạo hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Qua khảo sát, toàn huyện có 10 loại thực phẩm, gồm: gạo đỏ, chả lụa, bánh đa, bánh tráng, hủ tiếu khô, mắm tôm, củ cải trắng, lươn, ếch, cam quýt, rượu. Đây là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường và đã có thương hiệu và được người tiêu dùng tin tưởng trong thời gian qua. Năm 2018, huyện có 3 sản phẩm được thành phố lựa chọn tham gia chương trình, gồm: sản phẩm gạo lứt của HTX Thạnh Đạt (xã Thạnh Quới), chả lụa Kim Ngân (thị trấn Thạnh An) và sản phẩm lươn thương phẩm (xã Vĩnh Trinh). Năm 2019, huyện đề nghị thêm sản phẩm gao sạch My Hậu, bánh đa (xã Thạnh Lợi).

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Bước đầu tham gia chương trình OCOP các sản phẩm tham gia chương trình được huyện và thành phố hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua các hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp, hội chợ hàng tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm địa phương… Qua các hoạt động này đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc thay đổi tập quản sản xuất cũ, nhỏ lẻ, tự phát, sang sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả bước đầu, chương trình OCOP ở huyện cũng gặp phải một số hạn chế, sản lượng sản phẩm OCOP chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm còn ở tầm địa phương, tính cạnh tranh yếu. Các hoạt động về phát triển tổ chức, xúc tiến thương mại, tổ chức bộ máy còn nhiều hạn chế; công tác chỉ đạo của một vài địa phương, các ngành có liên quan chưa quyết liệt. Các HTX, cơ sở, hộ sản xuất chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất, bao bì, mẫu mã sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại…

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, để chương trình OCOP phát huy hiệu quả, đòi hỏi các cấp, các ngành, các xã, thị trấn phải xem đây là một trong những chương trình phát triển kinh tế quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Do vậy, cần ưu tiên đưa chương trình OCOP bổ sung vào chương trình công tác trọng tâm hằng năm của đơn vị, địa phương. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tham gia OCOP cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới bao bì, mẫu mã sản phẩm, siết chặt quản lý chất lượng các sản phẩm OCOP. Đối với vấn đề tiêu thụ sản phẩm từ chương trình, ông Hiền kiến nghị thành phố và ngành chức năng tổ chức tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP, tổ chức Hội chợ OCOP tạo điều kiện cho các tổ chức, địa phương quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần để chương trình OCOP phát huy hiệu quả.

Bài, ảnh: Minh Hải

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/de-chuong-trinh-ocop-phat-huy-hieu-qua-a117889.html