Để chính sách đừng thành cái ách!

VietNamNet ngày 11-8 thuật lại chuyện ở một xã, 'ngoài chục loại phí quỹ theo quy định, mỗi hộ còn phải 'còng lưng' đóng từ 3-4 triệu đồng xây dựng nông thôn mới'.

Không chỉ số tiền phải nộp đã là gánh nặng so với thu nhập của các hộ dân, mà cách ấn định nộp còn đến hai nấc: “450.000 tiền làm đường bê tông mỗi nhân khẩu; tiền xây nhà văn hóa, xã thu 50.000 đồng/khẩu, thôn thu thêm mỗi hộ 500.000; 70.000 đồng/sào làm kênh mương nội đồng”. Chưa hết, ở xã thì quy định các đối tượng từ 6 tháng tuổi cho đến 60 tuổi đều phải nộp, kể cả hộ nghèo, xuống dưới thôn quy định thêm các đối tượng tàn tật cũng có nghĩa vụ đóng góp xây dựng nông thôn mới. Không nộp thì bêu tên trên loa công cộng. Chủ tịch xã ca cẩm rằng “xã được huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, nên muốn hay không cũng vận động hết đối tượng trong dân để hoàn thành mục tiêu mà trên đề ra”.

Cả nước đặt mục tiêu đến năm 2020: 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đây không phải lần đầu những câu chuyện như vậy được lên báo và cũng sẽ không phải là lần cuối cùng! Vấn đề là làm sao để kết thúc tệ trạng này. Muốn thế, e rằng phải lần ngược lên tận “thượng nguồn”.

Tất cả bắt đầu từ việc hiểu “xây dựng nông thôn mới để làm gì, cho ai?”. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) khi đồng ý cho vay 153 triệu đô la Mỹ để làm “Nông thôn mới” tại 18 tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 đã đề ra chương trình PforR tập trung vào việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ tăng năng suất nông nghiệp và đa dạng hóa sinh kế tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Trên văn bản, có rất nhiều mục tiêu, song WB đã tóm lược còn hai mục tiêu vừa nêu. Nếu hết thảy đều cũng tập trung vào hai mục tiêu trên, hy vọng sẽ có những chỉnh sửa cái nhìn cho sát.

Lấy thí dụ hai khoản thu ở địa phương trên, khoản thu làm đường bê tông vốn đã cao song vẫn còn thêm khoản thu xây nhà văn hóa (xã thu 50.000 đồng, thôn thu 500.000 đồng), và cái khoản thu thêm này là do thôn! Công luận đã bao lần lên tiếng về việc xây nhà văn hóa để... bỏ không, song vẫn cứ đeo đuổi chuyện xây nhà văn hóa với giá-phí trên đầu người như thế. Cần xem lại vị trí thực sự của các nhà văn hóa trên thang bậc các ưu tiên đầu tư, trong khi nay đã được tối giản chủ yếu là phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ tăng năng suất nông nghiệp và đa dạng hóa sinh kế tăng thu nhập.

Thiết tưởng, cần đọc lại mô tả của WB trong chuyên đề: Chuyển đổi nông nghiệp của Việt Nam - Tăng giá trị giảm đầu vào (1): “Chuyển đổi chưa diễn ra nhiều dọc theo chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam. Nhiều chuỗi giá trị vẫn bị đứt khúc và mức độ hợp tác tập thể theo hướng thương mại hóa vẫn còn ở mức rất thấp... Trong số gần 9.200 hợp tác xã dịch vụ vẫn còn hoạt động đến năm 2012, 84% hoạt động tại các vùng miền trong nước đóng góp rất ít cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ dưới 1% các hộ nông dân nhỏ trồng cà phê ở Việt Nam là thành viên các hợp tác xã theo định hướng sản xuất thương mại; tỷ lệ hợp tác xã ở các khu vực có đóng góp chủ yếu vào kim ngạch xuất khẩu gạo cũng rất thấp...”.

Cái gì cần hơn để tăng năng suất nông nghiệp và đa dạng hóa sinh kế, tiếp tục xây dựng nhà văn hóa hay một chương trình đào tạo, tuyển dụng nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nông nghiệp, để mỗi mùa thu hoạch nông dân không còn nhờ bá tánh “giải cứu” nữa? Có bao nhiêu các “ông thôn”, “ông xã” hiểu “chuyển đổi nông nghiệp” là gì?...

Nhìn vào kế hoạch 2016-2020 thấy mục tiêu tăng vọt: “Đến năm 2020: 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới” khi mà tính đến hết tháng 11-2015 cả nước mới chỉ có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (2). Phấn đấu từ 14,5% lên đến 50%, coi bộ sự ép buộc đạt thành tích quá lớn sẽ khiến những người trong cuộc quên đi nông thôn mới để làm gì, cho ai, được cái gì trước trong số 7 nội dung đầu tư (3): (1) đường giao thông đến trụ sở UBND xã và hệ thống giao thông trên địa bàn; (2) các công trình đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; (3) các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao; (4) các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về y tế; (5) các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về giáo dục; (6) trụ sở xã và các công trình phụ trợ; (7) cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi.

(1) Trong “Điểm lại: cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, tháng 12-2016”, tr.38

(2) “Xây dựng nông thôn mới những bài học kinh nghiệm giai đoạn 2010-2015” . http://dangcongsan.vn

(3) Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020

Danh Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277397/de-chinh-sach-dung-thanh-cai-ach-.html