Đế chế tài chính 10 tỷ USD sụp đổ, ngân hàng gánh lỗ 4,7 tỷ USD

Vụ vỡ nợ của quỹ đầu tư Archegos khiến các ngân hàng tên tuổi lỗ nặng. Nhà băng Thụy Sĩ Credit Suisse mất tới 4,7 tỷ USD, phải cắt giảm cổ tức và sa thải hai giám đốc cấp cao.

Theo CNBC, ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse mất 4,7 tỷ USD sau sự cố của quỹ đầu tư Archegos Capital Management. Công ty dự kiến chịu lỗ 960,4 triệu USD trong quý I/2020. Giám đốc điều hành Ngân hàng Đầu tư Brian Chin và Giám đốc Rủi ro và Giám sát Lara Warner cũng phải từ chức.

Hôm 6/4, Credit Suisse đề xuất cắt giảm cổ tức sau khi gánh khoản lỗ lớn vì sự sụp đổ của Archegos.

"Khoản lỗ lớn trong hoạt động kinh doanh Prime Services của chúng tôi, liên quan đến sự sụp đổ của một quỹ đầu tư có trụ sở tại Mỹ, là không thể chấp nhận được", CEO Thomas Gottstein của ngân hàng Thụy Sĩ khẳng định.

 Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse chịu khoản lỗ lên tới 4,7 tỷ USD sau vụ vỡ nợ của quỹ đầu tư Archegos Capital Management. Ảnh: Getty Images.

Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse chịu khoản lỗ lên tới 4,7 tỷ USD sau vụ vỡ nợ của quỹ đầu tư Archegos Capital Management. Ảnh: Getty Images.

Lỗ khổng lồ

Tuần trước, Credit Suisse thừa nhận họ có thể phải chịu một khoản lỗ khổng lồ sau khi Archegos vỡ nợ. Hôm 6/4, ngân hàng cho biết ban điều hành không nhận tiền thưởng cho năm tài chính 2020. Chủ tịch Urs Rohner cũng từ bỏ "phí chủ tịch" lên đến 1,6 triệu USD.

Ông Christian Meissner, hiện là đồng giám đốc tư vấn ngân hàng đầu tư quản lý tài sản quốc tế của Credit Suisse, sẽ thay thế ông Chin điều hành ngân hàng đầu tư kể từ ngày 1/5.

Ông Joachim Oechslin được bổ nhiệm làm giám đốc rủi ro tạm thời, trong khi ông Thomas Grotze sẽ phụ trách giám sát kể từ ngày 6/4.

"Sau sự cố nghiêm trọng liên quan đến quỹ đầu tư có trụ sở tại Mỹ, Hội đồng quản trị đang sửa đổi đề xuất về việc phân chia cổ tức và rút lại đề xuất thưởng đối với ban điều hành", nhà băng Thụy Sĩ cho biết.

Credit Suisse và các ngân hàng, công ty tài chính lớn như Nomura (Nhật Bản) cho Archegos vay hàng tỷ USD để mua cổ phiếu và các tài sản khác.

Với khoản tiền vay từ các ngân hàng, những khoản đầu tư của Archegos tăng thần tốc từ 10 tỷ USD, 50 tỷ USD đến hơn 100 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Khi những cổ phiếu được Archegos nắm giữ giảm giá xuống dưới ngưỡng an toàn (so với tài sản đảm bảo của công ty), các nhà môi giới kích hoạt lệnh tăng tài sản ký quỹ (margin call), yêu cầu công ty nạp thêm tiền hoặc tài sản thế chấp vào tài khoản.

Nếu nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu, các nhà môi giới sẽ bán cổ phiếu hoặc tài sản mà công ty nắm giữ. Kịch bản này khiến Archegos vỡ nợ và kích hoạt đà giảm giá mạnh của các cổ phiếu được Archegos đầu tư. Sau sự cố, giá cổ phiếu của Tập đoàn truyền thông ViacomCBS (Mỹ) lao dốc không phanh.

Nhóm phân tích tại JPMorgan Chase & Co. ước tính các ngân hàng có khả năng chịu lỗ lên đến 10 tỷ USD. Nomura cho biết có thể lỗ tới 2 tỷ USD do tác động của "giao dịch với một khách hàng Mỹ".

Điểm mù quản lý

Hồi tháng 2, Credit Suisse đã thông báo tạm hoãn các khoản thưởng. CNBC nhận định mục đích là ngăn chặn thiệt hại do sự sụp đổ của công ty tài chính chuỗi cung ứng Anh Greensill Capital.

Hội đồng quản trị của Credit Suisse khởi động hai cuộc điều tra đối với Greensill và Archegos. CEO Thomas Gottstein cho biết nhà băng cam kết "sẽ giải quyết các rắc rối này" và rút kinh nghiệm từ những bài học trên.

Khi ván cược tài chính của Archegos - do nhà giao dịch Mỹ gốc Á Bill Hwang sáng lập - sụp đổ, những lỗ hổng trong hệ thống giám sát và quản lý rủi ro của các ngân hàng và công ty tài chính bị phơi bày hoàn toàn.

Trên thực tế, các nhà băng và công ty tài chính đã có manh mối về những vụ đặt cược liều lĩnh của ông Hwang. Họ biết những giao dịch, một số có thể nắm thông tin tổng khoản vay của Archegos.

Các nhà băng trở thành công cụ cho Archegos thực hiện hàng loạt vụ đầu tư mang tính chất cá cược liều lĩnh. Điều đó phơi bày những "điểm mù" khiến hệ thống ngân hàng không thể quản lý rủi ro một cách hiệu quả

Bloomberg

Tuy nhiên, các nhà băng không thể biết ông Hwang đầu tư vào cổ phiếu và tài sản của rất nhiều công ty, sử dụng hàng loạt đòn bẩy tài chính để mua cùng số cổ phiếu (đòn bẩy là thuật ngữ để chỉ hiện tượng sử dụng nợ để thu lợi nhuận trên tài sản).

Theo Bloomberg, một phần lý do giúp ông Hwang che giấu khoản đầu tư quy mô lớn của Archegos là sử dụng các hợp đồng hoán đổi. Những giao dịch hoán đổi cho phép các nhà đầu tư như ông đầu tư cổ phiếu mà không cần công khai thông tin.

Theo ông Beat Wittmann, Chủ tịch Porta Advisors (có trụ sở tại Zurich), sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018, các ngân hàng châu Âu đã không thích ứng để tự bảo vệ như những nhà băng Mỹ.

"Các ngân hàng châu Âu vẫn tiếp tục mô hình ngân hàng toàn cầu của họ. Nếu không thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều sự cố hơn trong năm nay, thậm chí với quy mô lớn hơn nhiều", ông cảnh báo.

"Khi đó, các cơ quan quản lý sẽ vào cuộc", ông Wittmann nói thêm. Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ đã mở một cuộc điều tra sơ bộ về những giao dịch của ông Hwang. Cơ quan này cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư lớn khác đánh giá về việc sử dụng giao dịch hoán đổi và khả năng tiếp cận đòn bẩy từ những nhà băng hàng đầu.

Ngoài ra, theo ông Wittmann, trong môi trường chính sách tài khóa mở rộng và điều kiện tiền tệ được nới lỏng hiện nay, giá của những tài sản rủi ro tăng vọt, các rủi ro hệ thống sẽ ngày càng gia tăng.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/de-che-10-ty-usd-sup-do-ngan-hang-ganh-lo-4-7-ty-usd-post1201624.html