Đế chế nào có diện tích lớn nhất lịch sử nhân loại?

Đế chế này từng cai trị khoảng 412,2 triệu người, chiếm 23% dân số thế giới và bao phủ diện tích hơn 35.500.000 km2, gần 1/4 tổng diện tích đất liền của toàn cầu.

Trong các đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại, đế chế Anh chính là đế chế có diện tích lãnh thổ lớn nhất từng được ghi nhận.

Cuộc mở mang lãnh thổ của người Anh khởi nguồn với các thuộc địa và trạm mậu dịch hải ngoại được thiết lập từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17. Một loạt cuộc chiến với Pháp và Hà Lan trong thế kỷ 17-18 đã giúp Anh trở thành một cường quốc chi phối thống trị tại Bắc Mỹ và Ấn Độ.

Mặc dù mất 13 thuộc địa tại Bắc Mỹ vào năm 1783, nước Anh đã nhanh chóng chuyển sự quan tâm sang châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương. Sau khi nước Pháp thất thế từ cuối thế kỷ 18, nước Anh trở thành một đế quốc không có đối thủ, và mở rộng phạm vi trên khắp toàn cầu.

Trong 100 năm (1815-1914), đế chế Anh trở thành thế lực hùng mạnh nhất thế giới, với việc kiểm soát Ấn Độ, phần lớn Châu Phi và nhiều khu vực khác. Trong giai đoạn này, người Anh thống trị gần như toàn bộ nền thương mại của thế giới.

Theo thống kê, đến năm 1913, đế chế Anh cai trị khoảng 412,2 triệu người, chiếm 23% dân số thế giới lúc đó và bao phủ diện tích hơn 35.500.000 km2, gần 1/4 tổng diện tích đất liền của toàn cầu.

Chiến tích này đạt được phần lớn là nhờ các thắng lợi về mặt tổ chức và sức mạnh tài chính, rồi mới đến vai trò của một quân đội lớn, trong đó hải quân có vị trí tối quan trọng. Ngoài ra, người Anh cũng thể hiện khả năng xuất sắc trong việc xử lý nhiều cuộc chiến cùng một lúc.

Đế chế Anh thời hoàng kim thường được tôn vinh bằng câu nói "đế quốc có mặt trời không bao giờ lặn" bởi vì sự mở rộng cương thổ ra toàn địa cầu đồng nghĩa với việc mặt trời luôn chiếu sáng trên ít nhất một trong những vùng lãnh thổ thuộc Anh.

Đến đầu thế kỷ 20, sự phát triển lớn mạnh của Đức và Mỹ làm xói mòi dần dần vị thế dẫn đầu về kinh tế của nước Anh. Sau Thế chiến I, dù là bên chiến thắng, nước Anh đã không còn giữ được vị thế như là một cường quốc vô song về quân sự và công nghiệp nữa.

Vị thế siêu cường của Anh đã lung lay vào Thế chiến II, khi các thuộc địa của Anh tại Đông Nam Á đã bị Nhật Bản chiếm đóng. Sau chiến tranh, Anh phải trao quyền độc lập cho thuộc địa đông dân và giá trị nhất là Ấn Độ.

Trong những năm còn lại của thế kỷ 20, phần lớn thuộc địa của Anh giành được độc lập như một phần của phong trào phi thuộc địa hóa từ các cường quốc châu Âu. Với việc Anh chuyển giao Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, "đế quốc có mặt trời không bao giờ lặn" đã chính thức bị khai tử.

Mời quý độc giả xem clip: Kinh nghiệm du lịch châu Âu giá rẻ.

T.B (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/de-che-nao-co-dien-tich-lon-nhat-lich-su-nhan-loai-1280817.html