'Đế chế' KIDO của cặp anh em đại gia gốc Hoa 'gây bão' thị trường

Giữa lúc thị trường gặp khó trong những phiên vừa qua, phần lớn cổ phiếu trên sàn giảm giá thì loạt cổ phiếu thuộc 'đế chế' KIDO (gồm KDC của KIDO, KDF của KIDO Foods, TAC của Dầu thực vật Tường An, VOC của Vocarimex) do anh em ông Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên sáng lập, điều hành gây ấn tượng với mức tăng giá mạnh.

Lực cầu gia tăng trong phiên giao dịch 29/8 đã giúp chỉ số chính VN-Index phục hồi đáng kể và đạt được trạng thái tăng. Tại thời điểm kết phiên, VN-Index ghi nhận tăng 1,33 điểm tương ứng 0,14% lên 978,59 điểm. Trong khi đó, HNX-Index mất 0,39 điểm tương ứng 0,38% còn 101,94 điểm.

Tuy vậy, trên quy mô thị trường, số liệu thống kê cho thấy số lượng mã giảm vẫn chiếm ưu thế. Có 324 mã giảm giá, 35 mã giảm sàn so với 290 mã tăng và 39 mã tăng trần.

Trạng thái tăng của VN-Inde chủ yếu nhờ bứt phá của một vài mã vốn hóa lớn. Trong đó, riêng VNM (Vinamilk) đã “cân” cả thị trường khi đóng góp cho VN-Index đến 1,85 điểm.

Bên cạnh đó VIC cũng góp vào 0,49 điểm; BID đóng góp 0,3 điểm; GAS, SAB, HVN… đều tăng giá. Chiều ngược lại, BVH, VRE, VCB, HNG, HPG giảm giá.

Thanh khoản đạt 138,39 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.375,59 tỷ đồng và con số này trên HNX là 17,65 triệu cổ phiếu tương ứng 235,7 tỷ đồng.

Hai anh em ông Trần Kim Thành - ông Trần Lệ Nguyên

Hai anh em ông Trần Kim Thành - ông Trần Lệ Nguyên

Giữa lúc thị trường gặp khó trong những phiên vừa qua, phần lớn cổ phiếu trên sàn giảm giá thì KDC của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO gây ấn tượng với 4 phiên tăng liên tục, trong đó có 3 phiên tăng trần.

Hôm qua, mã này tăng trần 1.450 đồng lên 22.850 đồng/cổ phiếu và hiện đã hoàn toàn vượt qua vùng “đáy” dưới 18.000 đồng thiết lập hồi đầu tháng này. Tính riêng trong 4 phiên vừa qua. KDC tăng tới 4.300 đồng/cổ phiếu tương ứng tăng tới 23,12% giá trị.

Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Trần Kim Thành - Chủ tịch KIDO khẳng định với cổ đông “giai đoạn khó khăn của công ty đã qua”, sau một thời gian tái cơ cấu và thực hiện các hoạt động M&A, doanh nghiệp này đang chiếm lĩnh và dẫn đầu ngành dầu và kem.

Nửa đầu năm 2019, KIDO báo doanh thu thuần 3.225 tỷ đồng, giảm 14,7% so cùng kỳ, song việc kiểm soát chi phí giúp công ty này đạt gần 113 tỷ đồng lãi sau thuế, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ, trong đó, lãi ròng thuộc về công ty mẹ đạt 48,8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 11,3 tỷ đồng).

Cũng trong phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu của các doanh nghiệp thành viên thuộc KIDO đều tăng giá mạnh: KDF của Thực phẩm Đông lạnh KIDO tăng trần 4.600 đồng tương ứng 14,84% lên 35.600 đồng sau khi công bố kế hoạch mua vào cổ phiếu quỹ. Mã này hiện đã tăng tới hơn 27% trong vòng 1 tuần giao dịch.

VOC của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) tăng giá 1.600 đồng tương ứng 12,7% lên 14.200 đồng/cổ phiếu. TAC của Dầu thực vật Tường An tăng giá 1.300 đồng tương ứng 5,35% lên 25.600 đồng/cổ phiếu.

KIDO (tiền thân là tập đoàn Kinh Đô), sau khi bán mảng kinh doanh bánh kẹo (nổi tiếng với bánh trung thu Kinh Đô) cho đối tác ngoại, hiện tập đoàn này đang tập trung kinh doanh tại các sản phẩm kem, dầu thực vật.

KIDO do cặp anh em gốc Hoa là ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên sáng lập. Hiện ông Thành là Chủ tịch Hội đồng quản trị còn ông Nguyên là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc. Bà Vương Bửu Linh - vợ ông Trần Kim Thành cùng bà Vương Ngọc Xiêm - vợ ông Trần Lệ Nguyên cũng đều giữ vai trò Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc KIDO.

Theo nhận định BVSC, thị trường dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm nhẹ với biên độ dao động hẹp trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, nếu phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 975-976 điểm, VN-Index có thể giảm về kiểm định vùng hỗ trợ 963-968 điểm trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh thị trường chung đang rơi vào giai đoạn tương đối thiếu vắng về mặt thông tin hỗ trợ như hiện tại thì biến động khó lường của thị trường thế giới sẽ vẫn là yếu tố tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến thị trường.

Điểm tích cực là khối ngoại đã mua ròng nhẹ trở lại trong những phiên giao dịch gần đây. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 30-40% cổ phiếu trong giai đoạn này.

Thị trường dự kiến sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Do đó, việc lựa chọn cổ phiếu trong giai đoạn này là yếu tố quyết định.

Với các nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể xem xét giải ngân một phần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn khi thị trường giảm về vùng hỗ trợ đã được đề cập ở trên. Với những nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục thực hiện bán giảm tỷ trọng về mức an toàn trong các phiên thị trường tăng điểm.

Theo Dân trí

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/de-che-kido-cua-cap-anh-em-dai-gia-goc-hoa-gay-bao-thi-truong-547726.html