Đế chế của Jack Ma lung lay, giới doanh nhân Trung Quốc lo ngại

Tập đoàn Alibaba - đế chế kinh doanh do tỷ phú Jack Ma sáng lập - lao đao vì đòn trừng phạt của Bắc Kinh. Và giới doanh nhân công nghệ Trung Quốc đang lo sợ.

Theo Bloomberg, các doanh nhân và nhà đầu tư tại Trung Quốc tiết lộ nhiều công ty công nghệ Trung Quốc "lạnh gáy" khi chứng kiến chính quyền Bắc Kinh trừng phạt Alibaba và tỷ phú Jack Ma. Một chủ startup ở Chiết Giang thừa nhận ông đã thôi mơ ước đưa công ty công nghệ của mình lên tầm như Alibaba.

Một doanh nhân khác cho biết ông không còn dám diễn thuyết trước công chúng và tập trung vào việc mở rộng mảng kinh doanh robot ở thị trường nước ngoài. Theo một nhà đầu tư mạo hiểm từng đổ tiền vào hàng chục startup, câu chuyện Jack Ma sẽ khiến các doanh nhân Trung Quốc dè chừng, đặc biệt những chủ doanh nghiệp đang cạnh tranh với công ty nhà nước.

"Sự cố của tỷ phú Jack Ma có thể là bước ngoặt đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc", Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Rebecca Fannin, người sáng lập nhóm nghiên cứu Silicon Dragon Ventures, bình luận.

Alibaba từng là biểu tượng thành công đối với toàn bộ ngành công nghiệp của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Alibaba từng là biểu tượng thành công đối với toàn bộ ngành công nghiệp của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Giới doanh nhân dè chừng

Một số chuyên gia ủng hộ chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát Alibaba, Ant Group và những gã khổng lồ công nghệ khác. Họ cho rằng cần phải loại bỏ các chiến thuật độc quyền triệt tiêu tính cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, khi trả lời Bloomberg, hàng chục doanh nhân và nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc bày tỏ sự lo ngại về sự mạnh tay của chính quyền Bắc Kinh. Một số thậm chí hạ thấp mục tiêu và cân nhắc lại xem liệu có nên tham gia vào các ngành công nghệ hay không.

Trên thực tế, không quốc gia nào trên thế giới phát triển được ngành công nghệ nếu không tạo điều kiện cho các doanh nhân và nhà sáng lập. Phó giáo sư Lizhi Liu tại Đại học Georgetown bình luận. "Rất khó để đạt được sự cân bằng cần thiết. Bao nhiêu quy định quản lý là đủ? Làm cách nào tránh việc đưa ra quá nhiều quy định đến mức cản trở đổi mới và tăng trưởng?", bà nhấn mạnh.

Trước đây, Jack Ma là tỷ phú công nghệ có vị thế hàng đầu tại Trung Quốc. Có rất ít nhà sáng lập người Trung Quốc thành công trước khi ông thành lập Alibaba hồi năm 1999. Vì thế, ở đất nước tỷ dân, Jack Ma giống như Jeff Bezos, Bill Gates và Steve Jobs cộng lại.

Khi Alibaba phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Phố Wall (New York, Mỹ), công ty của Jack Ma đã tạo ra cơn sốt trong giới đầu tư mạo hiểm Trung Quốc.

Thành công của Alibaba thúc đẩy dòng vốn đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Theo hãng nghiên cứu Preqin, giới đầu tư đổ tiền ồ ạt vào các công ty khởi nghiệp, nâng tổng giá trị giao dịch trong nước từ 5,2 tỷ USD hồi năm 2013 lên 56,4 tỷ USD năm 2015.

Dòng tiền đã thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc, đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành mối đe dọa đối với Mỹ. Năm 2018, lượng vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc tương đương Mỹ. Trung Quốc cũng tạo ra số kỳ lân (các startup được định giá hơn 1 tỷ USD) ngang bằng Mỹ.

Các startup nổi lên từ làn sóng đầu tư công nghệ của Trung Quốc - chẳng hạn như ByteDance, Meituan và Pinduoduo - vươn lên thành những doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu.

Biểu tượng thành công sụp đổ

Nhưng giờ, giới doanh nhân Trung Quốc nhìn vào Jack Ma như một bài học cần cảnh giác. Sau khi nhà sáng lập Alibaba chỉ trích cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái, Ant Group của ông buộc phải hoãn đợt IPO.

Vài tuần sau đó, chính quyền Bắc Kinh mở cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Alibaba. Jack Ma cũng im hơi lặng tiếng dẫn đến tin đồn ông bị bắt. Sự lo ngại chỉ giảm đi sau khi ông xuất hiện hồi tháng 1. Tuy nhiên, mọi người vẫn e dè khi nói về Jack Ma

Theo một nhà sáng lập công ty công nghệ ở Chiết Giang, trước đây nhóm doanh nhân địa phương thường tôn Jack ông Ma và gọi bằng tỷ phú này cái tên "thầy Ma". Nhưng giờ, họ không còn nói về nhà sáng lập Alibaba trong nhóm WeChat nữa.

Rút kinh nghiệm từ bài học của Jack Ma, ông này yêu cầu nhân viên ngừng gọi công ty là "lớn nhất" hoặc "tốt nhất", tránh thu hút sự chú ý không cần thiết.

Vị thế của Jack Ma ở Trung Quốc lao dốc. Ảnh: Bloomberg.

"Chính phủ nói rằng các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc và họ sẽ hỗ trợ hết sức. Nhưng thực tế là Bắc Kinh không tin tưởng các doanh nghiệp tư nhân", nhà sáng lập ở tỉnh Chiết Giang than thở với Bloomberg.

Một doanh nhân điều hành công ty khởi nghiệp phần mềm khác cho biết đang tìm cách hợp tác với chính phủ. Ông phải mời chào các quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước mua cổ phần, thậm chí là phần lớn cổ phần.

Chính phủ nói rằng các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc và họ sẽ hỗ trợ hết sức. Nhưng thực tế là Bắc Kinh không tin tưởng các doanh nghiệp tư nhân

- Nhà sáng lập một công ty công nghệ ở Chiết Giang

Theo một nhà đầu tư mạo hiểm, các biện pháp trừng phạt nhắm vào Alibaba có thể tác động tích cực đến các startup công nghệ trong ngắn hạn. Bởi các công ty này sẽ không lo bị những gã khổng lồ như Alibaba hoặc Tencent đè bẹp hoặc nuốt chửng.

Tuy nhiên, về dài hạn, sự can thiệp sâu rộng của chính quyền Bắc Kinh có thể làm tổn hại tăng trưởng và đổi mới.

Mới đây, một tờ báo nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi Pony Ma của Tencent, Ren Zhengfei của Huawei Technologies, Lei Jun của Xiaomi và các nhà sáng lập tỷ phú khác "mang luồng sinh khí mới cho cải cách kinh tế Trung Quốc". Tuy nhiên, Jack Ma - doanh nhân tỷ phú nổi tiếng nhất Trung Quốc - không được đề cập đến.

"Sự cố của Jack Ma cho thấy không một ai có thể an toàn mãi", vị doanh nhân đang lên kế hoạch mở rộng sang nước ngoài bình luận. "Như một câu nói cổ: 'Đồng hành với vua như chơi với hổ. Bạn không thể biết được khi nào sẽ bị hổ vồ'", ông nói thêm.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/de-che-cua-jack-ma-lung-lay-gioi-doanh-nhan-trung-quoc-lanh-gay-post1191178.html