Để chăn nuôi nông hộ phát triển theo hướng bền vững

Toàn tỉnh hiện có hơn 925.000 hộ chăn nuôi, trong đó chăn nuôi trâu, bò có khoảng 230.000 hộ, chăn nuôi lợn 213.168 hộ, còn lại là chăn nuôi gia cầm. Chăn nuôi nông hộ đã và đang đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân khu vực nông thôn, miền núi.

Hộ chăn nuôi lợn tại xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa).

Tuy nhiên, những năm gần đây, chăn nuôi nông hộ đang dần giảm sút cả về số lượng và quy mô, nhất là chăn nuôi lợn. Theo đó, một số đối tượng con nuôi hiện giảm về tổng đàn, như: Đàn trâu giảm 1,9%; đàn lợn giảm gần 20% so với năm 2018.

Theo phân tích của ngành nông nghiệp, nguyên nhân khiến chăn nuôi nông hộ đang dần bị thu hẹp là do giá thị trường không ổn định, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hơn nữa, những hộ bị tiêu hủy lợn do dịch bệnh được khuyến cáo là không thực hiện tái đàn trong thời gian có dịch để khống chế, kiểm soát dịch bệnh lây lan, bùng phát đã làm cho số lượng đàn lợn những tháng gần đây giảm nhanh chóng. Việc phát triển chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo kiểu tự phát, ăn xổi theo nhu cầu của thị trường, nên thiếu sự ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi chưa được chú trọng, do đó năng suất, hiệu quả chăn nuôi thấp, các loại dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan...

Có thể nói, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi nông hộ nói riêng hiện đang đứng trước sự khủng hoảng. Đây đang là thách thức lớn nhất đối với ngành chăn nuôi, song cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi trong tỉnh thực hiện tái cấu trúc, trong đó có chăn nuôi nông hộ. Vì vậy, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã và đang hoạch định lại chiến lược phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Theo đó, việc phát triển, đổi mới chăn nuôi nông hộ không chú trọng gia tăng số lượng đàn nuôi một cách cơ học mà hướng tới chăn nuôi có kiểm soát, nâng cao tính cạnh tranh; trong đó, chú trọng đến vấn đề chọn giống và tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân các bộ giống có chất lượng tốt, thích hợp để nâng tầm vóc, chất lượng sản phẩm. Tổ chức tốt công tác quản lý chăn nuôi, khuyến khích người chăn nuôi áp dụng quy trình an toàn sinh học vào quá trình chăn nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi, bảo đảm môi trường. Ngoài ra, để phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng bền vững, nhiều địa phương còn thực hiện các chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất, như: Hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ tiêm phòng để kiểm soát dịch bệnh, xây dựng công trình biogas; hỗ trợ cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò tại các hộ chăn nuôi thông qua công tác phối tinh nhân tạo... Đồng thời, chủ động thu hút doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và hướng dần tới việc phát triển chăn nuôi nông hộ một cách chuyên nghiệp, bền vững.

Vấn đề kiểm soát dịch bệnh được xem là yếu tố sống còn để chăn nuôi nông hộ phát triển theo hướng bền vững. Do đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương đã và đang tăng cường kiểm soát các loại dịch bệnh trong chăn nuôi nông hộ, thông qua việc thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là các hộ chăn nuôi về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các đối tượng con nuôi là gia súc, gia cầm. Đồng thời, thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh để người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống. Nâng cao năng lực giám sát dịch bệnh đến tận các thôn, xóm, hộ chăn nuôi bằng việc công khai các địa chỉ tiếp nhận thông tin khai báo dịch bệnh cấp xã để người dân biết chủ động thông tin khai báo kịp thời, ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Chủ động lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để đánh giá hiệu quả bảo hộ của vắc-xin đã tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin để chủ động tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi, khu vực có nguy cơ cao.

Cchâu Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/de-chan-nuoi-nong-ho-phat-trien-theo-huong-ben-vung/108577.htm