Đê chắn cát 12 tỷ đồng phá 'Nữ hoàng của các bãi tắm Việt Nam'

Đê chắn cát bờ nam Cửa Tùng trị giá hơn 12 tỷ đồng được xây dựng, cũng là lúc bãi tắm Cửa Tùng – từng được mang danh là 'Nữ hoàng của các bãi tắm' bị sạt lở, hư hỏng nặng và có nguy cơ xóa sổ.

Đê chắn cát phá bãi tắm

Bãi tắm Cửa Tùng ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) từng được mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi biển” bởi nơi đây có bờ cát dài trắng mịn, lại có những mũi đá đen, đất đỏ bazan nhô xa ra biển tạo không gian vịnh đẹp miên man.

Bãi tắm Cửa Tùng bị xói lở, thu hẹp, thay bằng cát vàng thô. Khách du lịch không đến, hàng quán ở Cửa Tùng cũng đóng cửa, khung cảnh đìu hiu. Ảnh: Ngọc Vũ

Cửa Tùng còn có lợi thế gần địa đạo Vịnh Mốc và khu du lịch sinh thái Rú Lịnh (cùng ở huyện Vĩnh Linh) có thể kết hợp đa dạng loại hình du lịch.

Trước năm 2005, khách trong và ngoài nước đến biển Cửa Tùng tham quan, vui chơi đông nườm nượp.

Vậy nhưng, vào năm 2005, khi đê chắn cát bờ nam cửa biển Cửa Tùng (xã Trung Giang, Gio Linh, Quảng Trị) hoàn thành thì mọi chuyện thay đổi 180 độ. Bãi cát rộng lớn, trắng mịn ngày xưa dần bị xói lở, thu hẹp và thay bằng cát vàng thô. Bãi tắm tiêu điều, du khách ngày càng vắng, cơ sở phục vụ du lịch đóng cửa.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, năm 2002, ông Nguyễn Minh Kỳ - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thời bấy giờ đã ký quyết định thi công đê chắn cát bờ nam Cửa Tùng với số vốn hơn 12 tỷ đồng. Tuyến đê này dài 430 mét, có nhiệm vụ chắn cát tránh bồi lấp vào luồng lạch cửa biển nhằm xây dựng cảng cá Cửa Tùng.

Theo kết quả nghiên cứu đề tài “Điều tra, đánh giá xâm thực bãi tắm Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị” do Sở TNMT Quảng Trị chủ trì, phối hợp với Trường Đại học khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện, kè chắn cát bờ nam có tác dụng chống bồi lấp luồng tàu nhưng đã chặn dòng trầm tích cát trắng mịn từ phía Nam đi lên phía Bắc, làm thiết hụt lượng cát vô cùng lớn bổ sung cho bãi tắm Cửa Tùng (ở phía Bắc).

Trong khi đó, hàng năm đến thời điểm gió mùa Đông – Bắc thổi mạnh, cát vàng thô từ phía Bắc với lượng rất nhỏ lại tịnh tiến về bãi biển Cửa Tùng. Đây chính là nguyên nhân căn bản gây ra hiện tượng mất cân bằng bùn cát tự nhiên, dẫn đến bãi biển Cửa Tùng bị xói lở nghiêm trọng.

Đê chắn cát phía nam Cửa Tùng trị giá hơn 12 tỷ đồng được cho là nguyên nhân chính gây xói lở bãi biển Cửa Tùng. Ảnh: Ngọc Vũ

Một diễn biến liên quan, nhiều năm qua luồng lạch cảng Cửa Tùng không được nạo vét dẫn đến bị bồi lấp nghiêm trọng, chỉ cạn 1,5 mét khiến tàu lớn không thể ra vào. Để giải quyết vấn đề trên, năm 2013 ông Nguyễn Đức Cường – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thời bấy giờ đã ký quyết định xây dựng đê chắn cát bờ Bắc Cửa Tùng dài 150 mét với chi phí nhiều tỷ đồng.

Sau khi đê chắn cát bờ Bắc Cửa Tùng hoàn thành, bãi biển Cửa Tùng vẫn bị xói lở nghiêm trọng, luồng lạch vào cảng Cửa Tùng vẫn bị bồi lấp, chỉ cạn 1 đến 1,5 mét như hiện nay.

Băn khoăn chuyện phá đê

Ông Võ Đình Long – Chánh Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho rằng, Cửa Tùng không thể phát triển cảng cá và tàu thuyền bởi vốn dĩ địa hình sông biển, dòng chảy… không cho phép, cửa biển bị bồi lấp nhanh chóng, nạo vét không xuể. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị cần mạnh dạn chọn cho Cửa Tùng theo hướng du lịch. Muốn khôi phục bãi tắm Cửa Tùng thì tỉnh Quảng Trị cần nghiên cứu dỡ bỏ đê chắn cát phía Nam Cửa Tùng.

Đê chắn cát phía bắc Cửa Tùng sau khi xây dựng nhiều tỷ đồng không chắn giữ được hạt cát nào ở chân đê. Ảnh: Ngọc Vũ

Tuy nhiên, ông Lê Văn Sơn – Giám đốc Ban quản lý cảng cá Quảng Trị cho rằng, nếu dỡ bỏ đê chắn cát phía Nam Cửa Tùng luồng lạch cửa biển sẽ bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu thuyền không thể ra khơi, ảnh hưởng đến hàng ngàn người dân sống phụ thuộc nghề biển.

Theo ông Sơn, phương án tốt nhất là phải thường xuyên nạo vét luồng lạch Cửa Tùng để đảm bảo tàu thuyền ra khơi. Lượng cát nạo vét được từ luồng lạch sẽ đem đổ lại ở bãi tắm Cửa Tùng nhằm nuôi bãi.

Luồng lạch Cửa Tùng bị bồi lấp nhanh và thường xuyên khiến tàu lớn không thể ra vào cảng. Ảnh: Ngọc Vũ

Còn ông Hồ Thanh Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Tuấn Cửa Tùng cho hay, hàng năm lượng cát bồi lấp tại cửa biển Cửa Tùng khoảng 300.000 m3, nếu nạo vét hết luồng lạch có thể sâu 4,5 mét, rộng 100 mét. Ngân sách nhà nước không có để thực hiện nạo vét nên việc xã hội hóa là rất hợp lý. Năm 2017, công ty này đã thực hiện nạo vét và luồng lạch đã thông nhưng sau một thời gian biển động, việc nạo vét bị ngừng cửa biển lại bị bồi lấp nặng.

Ba con tàu 67 vỏ thép trị giá 60 tỷ đồng đang bị giam lỏng trong bờ hơn 2 tháng nay vì không thể vượt qua bãi cạn 1,5 mét ở luồng lạch Cửa Tùng. Ảnh: Ngọc Vũ

Theo ông Ngọc, để doanh nghiệp tích cực tham gia xã hội hóa nạo vét luồng lạch thì nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện như miễn thuế tài nguyên và thuế cấp quyền khai thác khoảng sản… Nếu có cơ chế trên, doanh nghiệp sẽ lấy khoảng 70% lượng cát nạo vét được đem bán để hoàn vốn, còn lại 30% sẽ đổ lại ở bãi tắm Cửa Tùng nhằm nuôi bãi.

Ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, tỉnh đang chỉ đạo Sở TNMT nghiên cứu, đề xuất phương án tối ưu để có chủ trương xử lý nhằm khắc phục tình trạng xâm thực bãi biển Cửa Tùng.

Ngọc Vũ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/duong-day-nong/de-chan-cat-12-ty-dong-pha-nu-hoang-cua-cac-bai-tam-viet-nam-857984.html