Để chấm dứt chợ nghĩa tình và chiến dịch toàn dân giải cứu

Tháng 4/2021, Nhà máy chế biến rau quả của Công ty CP Thực phẩm Á Châu được xây dựng giữa thủ phủ dứa và chuối Mường Khương (Lào Cai) đi vào hoạt động.

Tháng 4/2021, Nhà máy chế biến rau quả của Công ty CP Thực phẩm Á Châu được xây dựng giữa thủ phủ dứa và chuối Mường Khương (Lào Cai) đi vào hoạt động.

Đây được xem dấu mốc đổi phận cho vùng nguyên liệu 1.200ha dứa, 1.800ha chuối… Từ đây, mỗi năm sẽ có 4.600 tấn dứa hộp, 1.600 tấn nước dứa cô đặc, 800 tấn chuối sấy dẻo, 1.000 tấn ngô ngọt, 250 tấn rau… Mường Khương vào siêu thị, ra quốc tế.

Sơn La hiện đang có 8 nhà máy chế biến nông sản công suất lớn. Các loại trái cây như chanh leo, dứa, xoài, chuối, bơ, nhãn… được chế biến thành hàng đóng hộp, nước ép, sấy khô để bán trong nước và xuất khẩu sang những thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Không những thế, đến nay, Sơn La có gần 200 chuỗi sản xuất nông sản được hình thành, phần lớn các chuỗi tham gia cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Ở Bến Tre, cây dừa đã qua thời chỉ biết bán quả tươi, làm kẹo hay đốt than hoạt tính mà phần lớn đi vào chế biến, thậm chí nhiều sản phẩm "thế hệ mới" của dừa với công dụng khó tin đã ra đời.

Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long đã sáng chế ra trên 20 sản phẩm mỹ phẩm từ dừa như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… rồi cả ống hút thân thiện với môi trường. Hàng làm ra không đủ bán, khách Canada, Úc, Mỹ… luôn đặt mua với giá cao.

Thủ phủ dừa có khoảng 73.000 ha, ở đây đã hình thành ngành công nghiệp chế biến dừa. Hiện có 150 mặt hàng chế biến từ dừa và xuất đi nhiều nước, cả châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản… Giá trị sản phẩm từ dừa năm 2020 của tỉnh này tới 5.880 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 346,91 triệu USD, vượt mục tiêu đề ra trước đó.

Là nước xuất khẩu rau quả thu về vài tỷ USD mỗi măm, nhưng người nông dân ở nước ta vẫn loay hoay trong bài toán trồng-chặt và giải cứu

Chấm dứt thảm cảnh giải cứu

Ít ai ngờ, một tỉnh thuần nông như Bến Tre giờ đây lại có ngành chế biến dừa đẳng cấp quốc tế, hàng làm ra canh tranh nhóm đầu thế giới. Các DN nơi đây có quy mô ngày càng lớn, công nghệ top đầu… Với năng lực của mình, Bến Tre đang hướng tới doanh thu 1 tỷ USD từ dừa. Dừa Bến Tre cũng không bao giờ phải giải cứu và còn nhập thêm nguyên liệu từ các nước về sản xuất.

Còn bà con Mường Khương, có nhà máy chế biến có nghĩa hàng nghìn hộ nông dân thay đổi phương thức làm ăn; không còn trồng tự do mà sẽ vào chuỗi liên kết sản xuất từ trồng đến chế biến. Những thảm cảnh dứa chín đầy đồng không có người mua, chuối ế đầy vườn phải bán tống bán tháo, gọi nhau giải cứu sẽ không còn lặp lại.

Xây dựng nhà máy chế biến trên vùng nguyên liệu, tạo chuỗi liên kết nông sản như ở Mường Khương hiện không còn hiếm nhưng còn quá ít so với nhu cầu. Thế nên, bao năm nay người nông dân vẫn không thoát cảnh được mùa rớt giá, còn “chợ nghĩa tình”, chiến dịch giải cứu nông sản ngày càng nhiều hơn.

Thực tế ở Sơn La cho thấy, trong 5 năm qua tỉnh nghèo miền núi này nổi lên như một “hiện tượng” cả nước. Từ tỉnh chỉ trồng ngô, sắn nay đã thành vựa cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước, thành trung tâm chế biến và sản xuất rau quả lớn nhất vùng Tây Bắc. Đây cũng là lý do 5 năm trở lại đây Sơn La nói không với “giải cứu” nông sản.

Đưa nông sản vào chế biến sâu giúp Bến Tre và Sơn La không còn phải kêu gọi giải cứu nông sản như các địa phương khác

Đặc biệt, năm 2020 đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung cầu đứt gãy, xuất khẩu có thời điểm gần như tê liệt nhưng đầu ra nông sản tỉnh này luôn ổn định, nông dân thu nhập cao. Chỉ riêng cây chanh leo tím và bơ ghép cho thu tới 600 triệu đồng/ha, xoài ghép thu 500 triệu đồng/ha, nhãn 360 triệu đồng/ha, na hoàng hậu cho thu tới cả 1 tỷ đồng/ha... Danh sách nông dân tỷ phú từ đó cũng ngày càng dài hơn.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khi đương nhiệm dự đoán: “Làm chuỗi liên kết, đưa nông sản vào chế biến sâu như hiện nay thì chỉ sau một thời gian ngắn nữa Sơn La có thể xuất khẩu nông sản thu về 1 tỷ USD mỗi năm”.

Nông sản gắn với chế biến sâu không chỉ giải được bài toán cung vượt cầu mà còn tạo ra giá trị ra tăng cao hơn hẳn so với rau quả tươi.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit phân tích, ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu đã mang lại sự chênh lệch lớn về lợi nhuận. Bởi khi đưa vào chế biến, người ta không cần phải lựa chọn rau quả đẹp nhưng giá cao, mà lấy rau quả có mẫu mã không đẹp với giá rẻ. Hình thức, mẫu mã không đẹp nên không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tươi, nhưng chất lượng của những rau quả này rất tốt, có thể chế biến thành những loại thực phẩm giá trị cao.

Ví dụ, 1kg hành tây có giá bán ở chợ khoảng 7.000-8.000 đồng, giá do nông dân bán tại vườn là 5.000-6.000 đồng/kg. Nhưng 1kg hành tây đã được chế biến thành các sản phẩm sấy gia vị, giá tới 350.000 đồng chưa bao bì. Với trái cây chế biến, có thể làm tăng giá trị gấp từ 10-20 lần so với trái cây tươi.

Giá trị mới cho nông sản Việt

Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ vài trăm triệu USD/năm, rau quả Việt đã vươn lên thành ngành kinh tế “tỷ USD”. Như năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng rau quả xuất khẩu vẫn thu về tới 3,26 tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 8-10% lượng rau quả sản xuất ở nước ta được đưa vào chế biến.

Nhu cầu tiêu thụ rau quả chế biến trên thế giới là rất lớn và đang ngày càng gia tăng vì phù hợp với đời sống công nghiệp bận rộn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đang bùng phát trên thế giới,sản phẩm chế biến sẽ chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và dễ bảo quản lâu. Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến làm tăng trị giá xuất khẩu toàn ngành hàng rau quả khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường trên thế giới là giải pháp tối ưu.

Theo các chuyên gia, chế biến sâu là con đường duy nhất để giải quyết vấn đề cung cầu, đồng thời tạo giá trị gia tăng và giúp nâng tầm thương hiệu nông sản Việt

Thực tế năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát khiến rau quả tươi xuất khẩu giảm mạnh, trong khi xuất khẩu rau quả chế biến vẫn tăng trưởng bền vững. Trong 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu các loại quả tươi giảm 22,5%, còn xuất khẩu hàng rau quả chế biến tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững, nâng tầm thương hiệu rau quả Việt thì chế biến là con đường duy nhất. Đi theo hướng chế biến sâu, rau quả Việt có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hóa gấp 3-4 lần so với bán quả tươi.

Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu rau củ quả đạt 8-10 tỷ USD/năm, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm chế biến đạt 30%, công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm.

Những năm gần đây, xu hướng đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến rau quả đang gia tăng nhanh chóng. Từ đầu tháng 4 đến nay đã có 3 dự án nhà máy chế biến rau quả được khởi công tổng công suất lên đến gần 80.000 tấn/năm.

Trước đó, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn TH, Tập đoàn Nafoods, Công ty CP xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao, Công ty CP Lavifood, Vina T&T... cũng đã xây dựng tổng cộng 8 nhà máy chế biến rau quả với công suất 180.000 tấn sản phẩm/năm, số vốn đầu tư lên đến 6.152 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, hiện nay các doanh nghiệp chế biến nông sản trong nước có thừa sức để làm. Ở đây nhà nước và doanh nghiệp cùng bắt tay kết nối giúp mở rộng thị trường, hay các nghiên cứu về khoa học công nghệ trong chế biến và bảo quản sau thu hoạch.

Đưa rau quả nói riêng hay nông sản vào chế biến sâu nói chung không chỉ giúp tạo chuỗi giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản nước ta mà giúp cho nền nông nghiệp phát triển, trong đó nông sản đi vào quy luật của chuỗi giá trị của nó. Từ đó có những giải pháp khắc phục được tình trạng nông sản nước ta giảm đi vấn đề được mùa mất giá.

Nhìn từ đại dịch Covid-19 cho thấy, xuất khẩu nông sản tươi về lâu dài sẽ còn gặp nhiều khó khăn, trong khi nông sản chế biến có thể đi xa hơn, không phụ thuộc quá nhiều vào khâu vận chuyển mà nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên. Và quan trọng hơn, trong tương lai khi chuyển từ xuất khẩu tươi sang những sản phẩm chế biến đóng hộp đóng mác “Made in VietNam” sẽ góp phần quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, để người tiêu dùng thế giới biết rằng, Việt Nam không chỉ bán trái cây trong bao tải mà còn có những mặt hàng chất lượng cao.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/de-cham-dut-cho-nghia-tinh-va-chien-dich-toan-dan-giai-cuu-nong-san-n-474660.html