Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Trong những năm gần đây, tình hình hoạt động của các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa vẫn diễn biến phức tạp, tính chất hoạt động của các đối tượng ngày càng manh động, tinh vi.

Diễn biến phức tạp

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia), thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, chất cấm…tại địa bàn trọng điểm là các cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng; bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Nhiều vụ vi phạm bị phát hiện là hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất dấu như vàng, sản phẩm động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà.

Nhiều vụ vận chuyển ma túy bị phát hiện qua đường bưu phẩm, bưu kiện chuyển phát nhanh, được cất giấu trong các hộp đồ chơi trẻ em, máy hút bụi, sách, tranh ảnh, thực phẩm... hoặc trong các gói hàng phi mậu dịch (chỉ riêng tại Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện trên 30 vụ, thu giữ hơn 50 kg chất ma túy các loại).

Một vụ vận chuyển ngà voi trái phép bị phát hiện tại sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Quang Hùng)

Mới đây, lực lượng Hải quan phối hợp Công an TP. Hà Nội phát hiện 1 bưu kiện có dấu hiệu nghi vấn từ Bỉ về Việt Nam bằng đường chuyển phát nhanh, qua kiểm tra thực tế, phát hiện trong kiện hàng 5 túi có chứa viên nén màu hồng trọng lượng 9.350,6 gram (khoảng 26.860 viên), test nhanh bằng thuốc thử phản ứng dương tính với Ma túy tổng hợp (MDMA). Đối tượng trọng điểm chủ yếu là hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần không rõ mục đích; cá nhân hoặc tổ chức gửi hàng bưu phẩm, bưu kiện qua đường bưu điện không có giấy tờ hàng hàng hóa chứng minh tính hợp pháp của hàng ký gửi khi làm thủ tục hải quan...

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, trộm cắp trên biển, trên tàu nước ngoài, buôn bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, ma túy, xuất nhập cảnh trái phép, buôn bán, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, lâm sản, động vật hoang dã... đặc biệt là các mặt hàng như xăng dầu, đường, thuốc lá.. có lúc thành điểm nóng ở khu vực biên giới, gây bức xúc trong dư luận và quần chúng nhân dân.

Tăng cường thanh tra công vụ

Trước tình hình đó, mới đây, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) và Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia đã ký kết Quy chế phối hợp về công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trong khu vực biên giới. Quy chế phối hợp này là hành lang pháp lý để cán bộ công chức Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia, cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh BĐBP và các cơ quan, đơn vị liên quan nêu cao trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa thống nhất chỉ đạo, điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua khu vực biên giới, cửa khẩu, vùng biển nói riêng.

Quy chế gồm có một số nội dung chính như: Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia những chủ trương, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trong khu vực biên giới; tham mưu xây dựng, ban hành, rà soát, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách pháp luật, nghị quyết chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phối hợp chia sẻ thông tin “Đường dây nóng” của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa ở khu vực biên giới; thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ khu vực biên giới vào địa bàn nội địa và ngược lại. Phối hợp triển khai các kế hoạch nắm tình hình, xử lý thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trong khu vực biên giới, vùng biển. Phối hợp trao đổi phương thức, thủ đoạn mới, tham vấn xử lý những vấn đề chưa có tiền lệ, phức tạp...

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và BCĐ 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức quán triệt và triển khai có hiệu quả những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các điểm nóng nghiêm trọng về tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; phòng, chống tội phạm trong từng cơ quan, đơn vị, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất.

Đối với những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng thì phải điều chuyển, bố trí công tác khác và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức đối với người dân, doanh nghiệp không để người dân, doanh nghiệp bức xúc, giảm sút niềm tin vào các cơ quan chính quyền; quyết tâm xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính, tuân thủ pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt thông tin, dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam.

Làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, xác lập các chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức, buôn bán người, ma túy, tín dụng đen, sử dụng công nghệ cao, tội phạm buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, rác thải độc hại, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân...; triệt phá tận gốc, đánh trúng đối tượng cầm đầu. Đồng thời tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các địa điểm bày bán hàng hóa gắn mác "xách tay", việc rao bán hàng hóa trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội... phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thu Trang

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-cao-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-78396-78396.html