Đề cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương

Ngày 22/8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10 cho ý kiến Dự thảo Báo cáo giám sát 'Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND'.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Chậm giải quyết, người dân bức xúc

Theo Dự thảo Báo cáo, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tư pháp, TAND tối cao, Viện KSND tối cao đã tích cực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Các văn bản được xây dựng và ban hành bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Báo cáo giám sát cũng cho thấy, việc triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính cũng cho thấy còn một số tồn tại. Theo đó, tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng gia tăng qua các năm. Việc thi hành các bản án, quyết định hành chính của tòa thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, UBND ở một số địa phương thời gian qua chưa thực hiện nghiêm túc, vẫn còn những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được Chủ tịch UBND tỉnh và UBND thi hành, gây bức xúc cho người được thi hành án, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện phức tạp.

“Trong 3 năm, TAND TP Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND TP tham gia tố tụng. Trong khi đó, tại TPHCM, năm 2017 có 260/260 vụ (chiếm 100%) không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại Tòa”- Dự thảo Báo cáo giám sát dẫn chứng.

Bên cạnh đó, theo Dự thảo Báo cáo giám sát, hạn chế lớn nhất trong công tác thi hành án hành chính là tình trạng cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên ngại va chạm với chính quyền địa phương. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 3 năm (2015-2017), 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan thi hành án đều không có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm những người này. 100% trường hợp Chủ tịch UBND, và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan thi hành án dân sự cũng không đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm người không chấp hành án.

Không thể để tình trạng “con kiến kiện củ khoai”

Chỉ ra thực tế 260/260 vụ không tổ chức đối thoại được do chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: Như vậy có tôn trọng luật của Quốc hội không? Có đúng nguyên nhân do không đủ cấp phó không? Chẳng lẽ trong 3 năm trời ở một thành phố lớn không cử được một đồng chí phó nào cả? “Chúng tôi xem tivi thấy các đồng chí đi khởi công, đi động thổ, đi dự cuộc hội nghị ngành nọ, ngành kia. Sao không tham gia đối thoại được độ 10 vụ đi, cho gọi là có. Tại sao những hoạt động mang tính phong trào, khởi công, động thổ, những hoạt động khác lãnh đạo vẫn đi được? Đây là câu hỏi cử tri phản ánh với ĐBQH. Còn nói 260/260 vụ chúng tôi không thể nào cử được vì không đủ cấp phó thì có giải thích được không?”- bà Nga đặt ra hàng loạt các câu hỏi.

Theo ông Vũ Trọng Kim- Ủy viên Ủy ban Tư pháp, phải tìm cách nào để kiện thành công chứ nếu không “con kiến lại kiện củ khoai”. “Gần 200 vụ đưa ra tòa hành chính, Chủ tịch không ra, Phó chủ tịch cũng không dự. Như vậy là 100% các vị vi phạm điều 60 của Luật Tố tụng hành chính”- ông Kim nói, đồng thời cho rằng, trong 3 năm qua mà Chủ tịch thành phố không biết có bao nhiêu vụ người dân kiện mình do mình ký các quyết định. Nếu không có xúc động trước dân thì đừng có làm cán bộ. Đây là do y thức kém, vô cảm. Do đó với những vụ án tồn đọng, về nguyên nhân khách quan cần giải trình rõ để người dân biết.

Trong khi đó, ông Hồ Văn Năm-Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc Chủ tịch, Phó Chủ tịch không đến tòa là chấp hành không nghiêm Điều 60 của Luật tố tụng hành chính. Do đó cần làm rõ trách nhiệm của người ký và người tham mưu ban hành quyết định hành chính. “Tại sao Chánh án ra phán quyết sai thì phải bồi thường. Vậy ông Chủ tịch ký sai thì cũng phải bị xử lý nghiêm. Nếu không đề cao trách nhiệm của Chủ tịch và yêu cầu bồi thường về ban hành quyết định hành chính sai thì sẽ không chấm dứt được tình trạng này”- theo ông Năm.

Còn ông Nguyễn Thái Học- Phó Ban Nội chính Trung ương đề nghị, cần công khai địa chỉ các địa phương không thực hiện. Đặc biệt, Bộ Tư pháp cần tham mưu cho Chính phủ để Chính phủ chấn chỉnh người đứng đầu chính quyền mà vi phạm pháp luật. Ông Học nói: “Những cái rõ ràng như thế nào mà không chấn chỉnh được thì những cái úp mở thì chấn chỉnh làm sao được”.

Nói như lời ông Nguyễn Mai Bộ- Ủy viên Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội thì “đó là do ý thức chấp hành pháp luật của các vị bị khiếu kiện là chưa tốt, ảnh hưởng đến nguyên tắc xét xử của tòa án. Đề nghị Chính phủ cần có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này”.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/de-cao-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-chinh-quyen-dia-phuong-tintuc413466