Đề cao tiến độ, tính khả thi các dự án luật

Theo dự kiến, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 21-10 và kéo dài đến 21-11. Do vậy, vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng chủ trì hội nghị về công tác chuẩn bị cho kỳ họp này.

Bên cạnh những nội dung Quốc hội sẽ cho ý kiến như thông lệ tại các kỳ họp cuối năm (như: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả năm; kết quả thực hiện dự toán ngân sách…) thì tại kỳ họp này, một loạt tờ trình, báo cáo quan trọng khác sẽ được Chính phủ trình, báo cáo Quốc hội.

Đó là tờ trình về ban hành nghị quyết của Quốc hội trong xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp; báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; báo cáo về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương; báo cáo tình hình thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; báo cáo thực hiện dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Trong công tác lập pháp, Quốc hội sẽ dành 12 ngày xem xét, thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật. Trong đó có những dự án luật tác động rất lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nhằm khắc phục những vướng mắc, xung đột, chồng chéo trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để hoàn thiện, nâng cấp hơn nữa mô hình PPP nhằm thể chế hóa tốt hơn việc huy động nguồn vốn tư nhân trong việc giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng; Luật Chứng khoán (sửa đổi) hướng đến việc nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp.

Tại kỳ họp này, không thể không nhắc đến một dự án luật rất quan trọng, được đề cập đến thường xuyên trong thời gian qua, đó là Bộ luật Lao động (sửa đổi). Với việc có nhiều ý kiến khác nhau từ giới chủ, đại diện người lao động lẫn cơ quan thẩm tra, cơ quan thường trực của Quốc hội về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, tiền lương làm thêm giờ, tuổi nghỉ hưu, thời giờ làm việc bình thường…, bộ luật này “hứa hẹn” sẽ tiếp tục tạo điểm nóng khi thảo luận ở Quốc hội. Những quan điểm khác nhau, dường như khó có thể dung hòa sẽ phải tìm được tiếng nói chung khi mà bộ luật này được xác định thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Quan sát, theo dõi nghị trường nhiều năm nay có thể thấy, một trong những hạn chế của việc xây dựng lập pháp được nhắc đến nhiều lần là sự chậm trễ của cơ quan soạn thảo trong trình dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Mới đây, ngay tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế vẫn phải nhắc cơ quan soạn thảo về việc hồ sơ còn thiếu dự thảo văn bản quy định chi tiết các nội dung giao Chính phủ quy định; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định, bảo đảm chất lượng dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Việc các văn bản chậm trễ gửi khiến các đại biểu Quốc hội không có nhiều thời gian nghiên cứu, đóng góp cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng luật khi ban hành chưa được như mong muốn.

Tại hội nghị vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ trình các dự án luật, dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Quốc hội về công tác chuẩn bị tài liệu, bảo đảm tất cả tài liệu trong danh mục kỳ họp được gửi sang Quốc hội đúng hạn.

Năm 2019, dự báo tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội sẽ hoàn thành và vượt yêu cầu của Quốc hội. Nhưng để năm 2020 cũng như các năm tiếp theo, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định, thậm chí bứt phá thì việc hoàn thiện thể chế phải đi trước một bước. Những luật định phải được xây dựng có chất lượng để khi đi vào cuộc sống sẽ tạo động lực cho sự phát triển chứ không gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Vì thế, trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành trong việc xây dựng pháp luật cũng như sự chủ động phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm tiến độ, chất lượng và tính khả thi của luật.

HÀ MY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-cao-tien-do-tinh-kha-thi-cac-du-an-luat-621468.html