Đề cao sự trung thực

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn với GS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT để phân tích, làm rõ hơn căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục.

 GS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

GS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Giá trị ảo và sự lừa dối

Thưa ông, bệnh thành tình trong giáo dục đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, trong những sự việc diễn ra gần đây trong một lớp có 42/43 học sinh thi vào lớp 6 tại trường đạt loại giỏi; chạy điểm tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Phải chăng căn bệnh thành tích đã trở thành căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục?

- Theo tôi, sự việc trên đúng là xuất phát từ bệnh thành tích. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do sự giám sát của các cơ quan quản lý không chặt chẽ. Từ trước đến nay, theo kinh nghiệm của tôi, học sinh lớp nào cũng phân hóa theo các mức độ giỏi, khá, trung bình, yếu, kém. Kể cả lớp chuyên, học sinh đã được tuyển chọn cũng có những em ở mức độ khác nhau. Điều này xuất phát từ ý thức của người thầy, đáng ra học sinh có 3 điểm thì cho 7 điểm, từ yếu kém thành khá, giỏi.

Thi cử là thước đo để đo nhiều giá trị trong đó có giá trị trung thực. Do vậy, cách tổ chức không cần quá nặng nề nhưng phải nghiêm túc. Từ khi ra đề thi, chấm thi, đến khi đánh giá kết quả. Tất cả các cấp phải nhận thức rằng, việc thi cử là một cách thức để giúp người học nhận thấy được mình đang đứng ở mức độ nào, giỏi thực sự, trung bình hay yếu, kém. Do vậy, thí sinh có kết quả như thế nào thì phải giữ nguyên để các em nhìn nhận. Dựa trên kết quả đó, học sinh nếu thấy mình có kết quả chưa tốt sẽ phấn đấu để vươn lên mức độ cao hơn.

Còn bây giờ, nếu các tổ chức, cá nhân làm sai kết quả, nâng điểm sẽ khiến học sinh kém ảo tưởng rằng mình học giỏi. Tôi đưa ra ví dụ, trình độ giáo dục Việt Nam đạt được thành tích 70% số học sinh xếp loại giỏi nhưng lại được lên 90 - 95% thì 20 - 25% số học sinh còn lại sẽ ảo tưởng rằng mình đã đạt được mức giỏi thì các em sẽ không nhận thức được học lực của mình, không có mục tiêu để nỗ lực, cố gắng trong học tập.

Hầu hết tại các trường học đều gắn biểu ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”, thế nhưng hiện nay do bệnh thành tích, chạy theo điểm số, việc “học văn” đang được xếp lên hàng đầu. Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Tôi thấy, đối với một người học sinh vấn đề rèn luyện đạo đức là vô cùng quan trọng. Người ta thường nói, con người dù có giỏi mấy nhưng không có đạo đức thì việc làm của họ có thể rất sai trái. Đôi khi tất cả những chuyện chạy điểm vào trường là do chúng ta không chú ý đến giáo dục đạo đức một cách đúng đắn. Văn võ giỏi thế nào, đạo đức yếu kém thì không thể trở thành người. Muốn trở thành người được thì người đó phải có đạo đức, “lễ” và “văn” phải đối với nhau. Giỏi “văn” là mặt cần thiết nhưng chưa hoàn chỉnh, đầy đủ nếu thiếu “lễ”.

Dù nhận thức được hành vi “chạy” điểm là vi phạm pháp luật nhưng nhiều phụ huynh học sinh tìm cách “đi cửa sau” để nâng điểm cho con vì do muốn con được học tập môi trường tốt. Cái lý tất cả vì con của phụ huynh có đúng đắn không thưa ông?

- Hoàn toàn không đúng! Phụ huynh chạy điểm, nâng điểm cho con là lừa dối con em của mình. Muốn cho con mình bằng bạn bè thì phải ra sức dạy, chăm sóc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để con cố gắng học giỏi thì mới đúng. Còn phụ huynh nâng điểm cho con là đang dạy con cách làm sự dối trá. Do vậy, tôi nhấn mạnh là mọi việc phải làm trung thực.

Giáo dục dựa trên sự trung thực

Hiện nay, việc đánh giá, xếp loại thành tích của trường học, giáo viên đều có tiêu chí liên quan đến điểm số, kết quả học tập của các em học sinh. Vậy phải chăng, mô hình giáo dục hiện nay đang đặt gánh nặng lên vai học sinh?

- Theo tôi tất cả sự đánh giá về thành tích của cá nhân hay tập thể đều có 2 mặt định tính và định lượng. Quy định cần đạt chỉ tiêu nọ, chỉ số kia để có thành tích là sự định tính và cần thiết nhưng vấn đề trong tư tưởng người thực hiện phải hiểu, sự định tính đó là để đánh giá thực chất chứ không phải định tính là cố gắng để đạt được một thành tích ảo.

Chúng ta không thể vì thành tích mà bỏ qua chất lượng, đó là một sự sai lầm. Nên trong giáo dục cần rèn luyện cho đội ngũ quản lý, giáo viên phải thấy trách nhiệm của mình với con em, xã hội thế nào. Khi đánh giá một học sinh không đúng thì gây cho học sinh đó sự ảo tưởng, dẫn tới việc, học sinh lười học, tự kiêu, tự phụ. Đó là một điều sai trong xã hội và cần kiên quyết chống. Do vậy, nhiệm vụ giáo dục tư tưởng cho giáo viên là điều hết sức quan trọng.

Để hạn chế bệnh thành tích, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh cần có những giải pháp như thế nào?

- Người đứng đầu nhà trường hay ngành giáo dục trước hết phải cần thấy trách nhiệm của mình với thế hệ trẻ, xã hội. Sự giáo dục của mình phải thể hiện sự trung thực. Mình muốn dạy học sinh trở thành người tốt thì không thể nào cho nó những cái điểm số dối trá.

Thưa ông, tư duy cho rằng học tập là con đường duy nhất để thành công có đúng không?

- Chúng ta học tập không phải để có nhiều bằng cấp. Học là cần thiết nhưng học thực chất, đúng đắn, đúng năng lực, sở trường của con người đó thì cuối cùng nó mới đáp ứng được yêu cầu, con người trưởng thành, gặt hái thành công trong cuộc sống. Tôi biết có những người không có bằng cấp nhưng có năng lực, họ rất giỏi và thành công. Quan trọng, họ phải chịu khó, trung thực, suy nghĩ sáng tạo thì sẽ thành người tốt. Người gian lận để có bằng cấp thì khi làm việc khó có thể thành công được.

Xin cảm ơn ông!

Minh An (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-cao-su-trung-thuc-345110.html