Đề cao chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người làm báo

'Cơn bão' thông tin của thời đại số, đặc biệt là sự ra đời của mạng xã hội khiến môi trường làm việc của nhà báo trở lên rộng lớn và dần không còn 'biên giới' cứng trong tác nghiệp. Tuy nhiên, đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức đối với những người làm báo. Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo Quân đội nhân dân trao đổi với ông Nguyễn Bé, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, về trách nhiệm, chuẩn mực của người làm báo trong tình hình mới.

Phóng viên (PV): Sau khi Quốc hội thông qua Luật Báo chí năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Ông có thể đánh giá về những thành tựu của hoạt động báo chí sau khi những quy định này được ban hành?

Ông Nguyễn Bé: Việc Hội Nhà báo (HNB) Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo và thành lập 255 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ Trung ương xuống các địa phương, bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Năm qua, số vụ phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp vi phạm pháp luật cũng như đạo đức nghề nghiệp đã giảm đáng kể so với những năm trước. Có thể nói, công tác tổ chức quán triệt, thực hiện Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được thực hiện nghiêm túc, bằng nhiều biện pháp, hình thức phong phú đến tất cả tổ chức hội và hội viên trên cả nước, giúp phóng viên, nhà báo tránh vi phạm Luật Báo chí cũng như quy định đạo đức nghề nghiệp.

 Ông Nguyễn Bé, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông Nguyễn Bé, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

HNB Việt Nam cũng đưa vào sử dụng ứng dụng theo dõi việc gỡ, sửa bài trên báo điện tử, góp phần tăng cường công tác quản lý báo chí, ngăn chặn hiệu quả tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” của một số cơ quan báo chí thời gian qua. Những giải pháp trước mắt đó đã tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của HNB các cấp, góp phần tích cực chấn chỉnh kỷ cương trong hoạt động báo chí, khích lệ tinh thần cống hiến của các nhà báo vì lợi ích tối cao của đất nước và nhân dân.

Ngoài ra, công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí kịp thời đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, triển khai hiệu quả các hoạt động báo chí truyền thông, tạo hiệu ứng tích cực, toàn diện trong đời sống xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

PV: Thời gian qua hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại liên quan tới đạo đức, tác phong của người làm báo. Theo ông, với một nhà báo thì giữa chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí, yếu tố nào được coi trọng hơn?

Ông Nguyễn Bé: Chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động báo chí thời gian qua vẫn còn một số bất cập, khuyết điểm. Đó là, một số cơ quan báo chí thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân. Đâu đó vẫn còn tình trạng hội viên, nhà báo vi phạm pháp luật, có sự lệch chuẩn về hành vi, văn hóa ứng xử cũng như tác phong, đạo đức nghề nghiệp khiến niềm tin của dư luận dành cho giới báo chí bị giảm sút.

Thực tế cho thấy, nghề báo khác xa với nhiều nghề trong xã hội. Người hành nghề vừa phải tuân thủ pháp luật vừa phải có kỹ năng nghề nghiệp tốt. Bên cạnh việc thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, người làm báo phải tự bồi đắp văn hóa để tạo sự chuẩn mực trong thái độ, hành vi ứng xử. Một nhà báo chân chính, ngoài chuyên môn giỏi phải có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và “phông” văn hóa ứng xử tương xứng với vị thế xã hội của mình. Những yếu tố này cần được song hành, bổ trợ cho nhau để giúp nhà báo hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Các phóng viên phỏng vấn Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu. Ảnh: MINH HUỆ

PV: Trong xu thế phát triển, mạng xã hội đang dần trở thành một “thế lực” thách thức báo chí hiện đại. Vậy theo ông, những người làm báo cần phải có những chuẩn mực nào khi tham gia mạng xã hội?

Ông Nguyễn Bé: Với sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là sự ra đời của mạng xã hội khiến môi trường làm việc của nhà báo trở nên rộng lớn và dần dần không còn “biên giới” cứng trong tác nghiệp. Đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức đối với những người làm báo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Điều này đặt ra cho những người làm báo rất nhiều vấn đề về pháp luật, đạo đức và trách nhiệm cũng như nghĩa vụ công dân của nhà báo.

Do đó, tham gia mạng xã hội, người làm báo cần lưu ý thận trọng khi đề cập những nội dung liên quan đến các thông tin khai thác được khi tác nghiệp. Đặc biệt, nhà báo không nên đăng tải các thông tin thu thập được nhưng không được cơ quan báo chí sử dụng trên mạng xã hội. Nên nhớ rằng, uy tín của cơ quan mình đang công tác có thể bị giảm, khi các quan điểm cá nhân của nhà báo được đưa lên các mạng xã hội. Vì vậy, nhà báo phải là những người sử dụng mạng xã hội một cách thông minh nhất. Sử dụng mạng xã hội thiếu thận trọng, nhà báo không chỉ tiếp tay cho những thông tin sai sự thật, mà còn vô hình trung hạ thấp vai trò, uy tín của báo giới trong mắt công chúng; làm tổn thương lòng tự trọng nghề nghiệp của những người làm báo chân chính.

PV: Thời kỳ hội nhập đang đặt ra những đòi hỏi, thách thức mới đối với người cầm bút. Vậy theo ông, người làm báo phải làm sao để giữ cho được “mắt sáng, bút sắc, lòng trong”?

Ông Nguyễn Bé: Trong bất kỳ giai đoạn nào, người làm báo phải giữ vững được bản lĩnh của mình, phải có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Cùng với đó, người làm báo phải nhận thức tốt hơn nữa về trách nhiệm của mình đối với xã hội. Theo đó, trong hoạt động nghề nghiệp, nhà báo không chỉ tuân thủ đúng quy định của pháp luật, mà còn phải thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức chung trong đời sống. Đặc biệt, tính chân thực là nguyên tắc tối thượng của báo chí, là “sinh mệnh” của báo chí, do đó, nhà báo cần đề cao tính trung thực, tính nhân văn, vì lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc... Trách nhiệm xã hội của nhà báo xét cho cùng là thực hiện theo đúng nguyên tắc tác nghiệp và quy định pháp luật, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp, vì một xã hội phồn vinh và phát triển.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-cao-chuan-muc-dao-duc-nghe-nghiep-cua-nguoi-lam-bao-541965