Đề cao cảnh giác với bệnh dại và sốt xuất huyết mùa nắng nóng

Thời tiết nắng kéo dài kèm mưa dông đã tạo môi trường thuận lợi để muỗi phát triển và gây ra các ổ dịch sốt xuất huyết. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm tỷ lệ người tiêm vắc xin phòng bệnh dại tăng cao. Trong đó, tiêm phòng dại do bị chó cắn chiếm tỷ lệ hơn 80%.

Tỷ lệ người tiêm phòng dại tăng cao

Không may bị chó cắn trong lúc chơi đùa ngoài cổng nhà, con trai 6 tuổi của anh Nguyễn Hữu Hào ngụ ở xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi được dẫn đến Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi để tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Bác sĩ hướng dẫn phải tuân thủ tiêm đúng và đủ 5 liều vắc xin phòng bệnh dại để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Anh Hào chia sẻ: Con tôi đùa nghịch rồi không may bị chó cắn. Mà thời tiết đang nắng nóng, chó dễ bị bệnh dại nên tôi dẫn cháu đi tiêm phòng cho an tâm. Sau khi xem xét vết thương và tư vấn vệ sinh đúng cách, bác sĩ chỉ định cháu phải được tiêm đủ 5 mũi vắc xin phòng dại theo định kỳ. Bác sĩ còn hướng dẫn phải cho cháu ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

Bác sĩ hướng dẫn cách vệ sinh vết thương do chó, mèo cắn và yêu cầu phải tiêm đủ các mũi vắc xin phòng dại

Tại Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi, từ đầu tháng 5 đến nay, trung bình mỗi ngày có gần 30 người đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Thời điểm dịch Covid-19 nên người dân trước khi tiêm phải khai báo y tế rõ ràng và đo thân nhiệt. Phòng tiếp đón, khám sàng lọc, phòng tiêm và khu vực theo dõi sau tiêm được bố trí quy trình một chiều, an toàn phòng dịch Covid-19. Đa số người đến tiêm phòng vắc xin dại chủ yếu là trẻ em. Số người đến tiêm phòng dại nhiều nhất là trẻ em, bởi trẻ không tự phòng vệ khi vui đùa với chó, mèo …

Y sĩ Nguyễn Thị Thúy Hồng- Trung tâm Y tế thành phố Quảng Ngãi cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế thành phố đã tiêm vắc xin phòng dại cho hơn 1.000 người. Số lượng người bị chó cắn đông, chủ yếu là trẻ em. Mức độ vết thương cắn cũng rộng nên ngoài tiêm vắc xin ra thì còn tiêm huyết thanh. Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã chuẩn bị huyết thanh và số lượng vắc xin bảo đảm tiêm đầy đủ cho người dân.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Huy- Trung tâm Y tế TP. Quảng Ngãi khuyến cáo: Bệnh nhân khi bị chó, mèo cắn thì phải rửa vết thương bằng xà phòng, không để cho vi rút phát tán. Sau đó, rửa lại bằng sát khuẩn và đi tiêm phòng càng sớm càng tốt để có độ phòng vệ cao, chống vi rút xâm nhập thần kinh trung ương.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 4.000 người tiêm vắc xin phòng bệnh dại

Tỉ lệ người dân đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại đang tăng cao. 5 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã có trên 4.000 người tiêm phòng bệnh dại. Dại là bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người nhiễm vi rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng thì khả năng tử vong gần như 100%. Vì thế, khi bị phơi nhiễm với bệnh dại cần đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh.

Xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết

Thời tiết nắng nóng kèm mưa dông những ngày qua đã tạo điều kiện cho muỗi phát triển và gây bệnh sốt xuất huyết. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 6.2021, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 100 ca mắc. Riêng TP.Quảng Ngãi ghi nhận hơn 50 ca.

Phường Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi vừa ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh tại ổ dịch nhỏ ở tổ 1. Trạm Y tế phường đã nhanh chóng khoanh vùng, xử lí và phun hóa chất diệt muỗi nơi có ca bệnh và phun rộng với bán kính 200 m để tiêu diệt mầm bệnh.

Y tế cơ sở tuyên truyền cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho các hộ gia đình

Bà Võ Thị Thúy Liễu ngụ ở tổ 1, phường Trần Hưng Đạo chia sẻ: Tôi bị sốt rồi đi xét nghiệm máu thì biết mình bị sốt xuất huyết nên được đưa vào viện điều trị. Ở nhà thì y tế của phường tới để phun thuốc diệt muỗi kịp thời, nên dịch không có lây lan rộng.

Dự báo, trong tháng 6 và tháng 7, số ca sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng mạnh. Nên y tế cơ sở phối hợp với thành viên tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chủ động phòng dịch sốt xuất huyết và Covid-19. Qua đó, phát hiện kịp thời, xử lý triệt để những ổ dịch nhỏ mới phát hiện, ngăn dịch lây lan rộng trong cộng đồng.

Ngành Y tế nhanh chóng triển khai phun hóa chất diệt muỗi ở khu vực ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết

Ông Lê Văn Trung- Trưởng Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn,Trung tâm Y tế TP. Quảng Ngãi cho biết: Chúng tôi tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, vừa Covid-19 và cả sốt xuất huyết. Riêng sốt xuất huyết thì công tác đầu tiên là hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, tức là họ tự tiêu diệt và loại trừ các ổ lăng quăng, bọ gậy tại cộng đồng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi đã cấp hóa chất diệt muỗi đầy đủ cho các địa phương để chủ động phòng bệnh. Mỗi địa phương đã có kế hoạch phun và tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trên quy mô rộng để ngăn dịch sốt xuất huyết bùng phát. Quyết tâm của toàn ngành Y tế sẽ kiểm soát và ngăn “dịch kép” xảy ra.

Bài, ảnh: Thanh Phương

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2033/202106/de-cao-canh-giac-voi-benh-dai-va-sot-xuat-huyet-mua-nang-nong-3061831/