Để cán bộ tự tin khi đứng trước bộ đội

Theo dõi quá trình tổ chức Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị (CBGDCT) năm 2020 của Lữ đoàn Pháo binh 40 (Quân đoàn 3), chúng tôi thấy được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, cán bộ tham gia thi nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Để chuẩn bị tốt nhất cho hội thi, các cán bộ tham gia đã chủ động khắc phục khó khăn, tranh thủ thời gian nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị giáo án và thục luyện chặt chẽ; quá trình điều hành thông qua giáo án đầy đủ các bước, nhiều đồng chí nắm chắc nội dung, phương pháp giảng dạy, biết cách liên hệ, vận dụng sát với thực tiễn đơn vị, có định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động phù hợp với đối tượng giảng dạy.

Đặc biệt, một số cán bộ trẻ mới ra trường có phương pháp sư phạm rất tốt, được ban giám khảo đánh giá cao. Thiếu úy Lê Ngọc Hiền, Chính trị viên phó Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, cho biết: “Quá trình thông qua giáo án ở tổ, chúng tôi được đồng chí chính trị viên tiểu đoàn-tổ trưởng tổ CBGDCT bồi dưỡng, rèn luyện tỉ mỉ về phương pháp, tác phong, cách phân tích nội dung trên cơ sở lý luận được học tập. Vì vậy, khi đứng trước bộ đội giảng bài, tôi luôn tự tin với nội dung đã chuẩn bị”.

Thời điểm này, nhiều đơn vị tại Quân đoàn 3 đang tiến hành hội thi CBGDCT. Đa số ý kiến cho rằng, để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ cán bộ chính trị, phải nâng cao năng lực duy trì, điều hành thông qua giáo án của tổ CBGDCT, đây là khâu yếu cần được tập trung chấn chỉnh. Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 40, kiến nghị: “Để làm được điều này, các đơn vị phải thường xuyên tổ chức thông qua giáo án theo kế hoạch đã xác định hằng tuần, hằng tháng; cấp trên đến dự, chỉ đạo thường xuyên hoặc đột xuất nhằm bồi dưỡng về nội dung, phương pháp cho cấp dưới, vừa bảo đảm tính nghiêm túc, chất lượng, vừa là quá trình kiểm tra sâu sát năng lực thực tế cho đội ngũ cán bộ chính trị đơn vị mình”.

VŨ DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/de-can-bo-tu-tin-khi-dung-truoc-bo-doi-626777