Để các giải bóng đá phong trào đi vào quy củ và hấp dẫn hơn

Thanh Hóa là một trong những địa phương hàng đầu cả nước về bóng đá phong trào với hàng chục giải đấu được tổ chức với quy mô lớn, nhỏ, hình thức khác nhau. Bên cạnh những hiệu ứng tích cực cũng cần có những định hướng đúng đắn để các giải bóng đá phong trào đi vào quy củ.

Các đội bóng tranh tài tại giải bóng đá Thanh Hóa – Cúp Huda năm 2019.

Trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, cùng với xuất hiện ngày càng nhiều các sân bóng cỏ nhân tạo do các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, bóng đá phong trào Thanh Hóa đã có sự phát triển nhanh, mạnh và rộng khắp. Đây là điều dễ hiểu bởi ở xứ Thanh, bóng đá vẫn được xem là môn thể thao số 1, thu hút số lượng người tham gia tập luyện, thi đấu đông nhất. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Thanh Hóa có hàng chục sân cỏ nhân tạo, hàng trăm câu lạc bộ, đội bóng phong trào ra đời và duy trì hoạt động thường xuyên. Theo thống kê, bên cạnh các giải đấu bóng đá quy mô cấp tỉnh do Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa tổ chức như giải bóng đá Thanh Hóa Cúp Huda, giải bóng đá futsal toàn tỉnh; hay giải bóng đá khối các cơ quan doanh nghiệp do TP Thanh Hóa tổ chức, còn có hàng chục giải đấu bóng đá phong trào khác được tổ chức dưới hình thức xã hội hóa hằng năm. Đây chính là những yếu tố làm nên sự phát triển sôi động của bóng đá phong trào trên địa bàn tỉnh. Cũng tương tự như tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các giải bóng đá phong trào “giải phủi”, đã ra đời và trở thành sân chơi quen thuộc hằng năm được tổ chức thu hút hàng nghìn cầu thủ, hàng trăm đội bóng tham gia. Đây đều là các giải đấu xã hội hóa, ngày càng chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, xây dựng điều lệ, cơ cấu giải thưởng và đặc biệt là có cả tường thuật trực tiếp trên mạng internet. Các giải đấu như TH League, Sầm Sơn League... là những sân chơi thu hút hàng nghìn khán giả tới xem và cổ vũ. Nhiều đội bóng, “ngôi sao bóng phủi” đã xuất hiện và nhận được sự hâm mộ, yêu thích từ người hâm mộ. Trong 2 năm trở lại đây, do số lượng các đội bóng có nhu cầu tham gia tăng đột biến, vì vậy nhiều giải đấu đã được chia thành 2 hạng, thi đấu quyết liệt, có tính cạnh tranh cao, có lên hạng, xuống hạng nên đã tạo ra những cuộc tranh tài hấp dẫn. Chưa dừng lại ở đó, còn có nhiều giải đấu chọn lọc những đội bóng xếp thứ hạng cao tại các giải đấu nói trên, một hình thức tương tự như Champions League hay các giải siêu cúp... Điều này đã làm nên bức tranh sinh động, tích cực đặc biệt là sự hấp dẫn nhất định của bóng đá “phủi” Thanh Hóa hiện nay.

Sự phát triển của sân chơi bóng đá “phủi” cũng khiến nhiều giải đấu bóng đá chính thống không còn hấp dẫn đối với các đội bóng, câu lạc bộ cũng như khán giả. Giải bóng đá Thanh Hóa Cúp Huda (trước kia là giải bóng đá Thanh Hóa – Cúp Halida) với thể thức thi đấu 11 người dần không còn phù hợp dù có 2 nội dung dành cho đội tuyển các huyện và dành cho các câu lạc bộ. Theo tìm hiểu từ các đội, tham gia giải đấu sân 11 người đòi hỏi nhân lực, kinh phí thi đấu lớn trong khi các giải đấu phong trào đều áp dụng hình thức thi đấu 7 người/đội. Đây chính là nguyên nhân khiến giải bóng đá Thanh Hóa – Cúp Huda trong 2-3 năm trở lại đây số lượng các đội tham gia đều giảm. Ban tổ chức buộc phải mở rộng, cho các đội cấp xã tham gia. Còn đối với nội dung dành cho các câu lạc bộ cũng gặp tình trạng tương tự khi các đội chủ yếu muốn đá “sân 7”. Để giải đấu này lấy lại vị thế, sức hấp dẫn, cần có những thay đổi về thể thức, cách tổ chức để thu hút đông đảo các đội bóng, khán giả tham gia.

Ở một khía cạnh khác, sự phát triển của các giải bóng đá phong trào là tín hiệu tích cực song hầu hết các giải đấu vẫn còn được tổ chức theo hình thức tự phát, có cả hoạt động tài trợ, quảng cáo, truyền hình trực tiếp (live stream) trên internet... mà chưa xin cấp phép tổ chức theo quy định. Theo lãnh đạo Phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các sự kiện thể thao nói chung, các giải bóng đá phong trào nói riêng khi được tổ chức tại nơi công cộng có kèm quảng cáo, truyền thông đều phải xin cấp phép theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, ngoại trừ các giải đấu chính thống do Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa, các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị tổ chức thì phần lớn các giải bóng đá phong trào còn lại đều là tự phát. Những giải đấu này thu hút một số lượng lớn người tham gia thi đấu, tranh tài, theo dõi cổ vũ vì vậy mọi điều kiện, sự bảo đảm về an ninh trật tự, chấp hành các quy định của pháp luật về việc tổ chức giải cần được ban tổ chức các giải quan tâm. Các giải đấu sau khi được cấp phép sẽ thuận lợi hơn trong việc tổ chức, nhất là khâu quảng cáo, truyền thông. Các nhà tài trợ cũng sẽ dễ dàng tiếp cận, tìm đến các giải đấu bóng đá phong trào hấp dẫn này. Đây chính là giải pháp nhằm đưa các giải bóng đá phong trào, giải bóng “phủi” trên địa bàn tỉnh đi vào quy củ. Để làm được điều đó, với vai trò, trách nhiệm của mình, ngành văn hóa, thể thao và du lịch, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị quản lý cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn việc hoàn thành các thủ tục pháp lý đối với các giải đấu với tiêu chí tiếp tục cổ vũ, thúc đẩy phong trào nhưng không buông lỏng, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Bài và ảnh: Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao/de-cac-giai-bong-da-phong-trao-di-vao-quy-cu-va-hap-dan-hon/107999.htm